Khi truyền thống “về nhì”
Nhiều năm gần đây, Barcelona là đội bóng giành được thành công dựa trên các tài năng “cây nhà, lá vườn” từ lò đào tạo La Masia, điển hình là Messi, Xavi hay Iniesta. Nhưng sau một mùa giải trắng tay, Barca đã thay đổi quan điểm với quyết tâm trở lại quỹ đạo chiến thắng với lối chơi tiqui-taca lừng danh.
La Masia giờ không còn là điểm tựa đáng tin cậy nhất nữa, khi Barca đã mạnh tay chi tiền chiêu mộ các ngôi sao về sân Nou Camp. Luis Suarez, Ivan Rakitic, Thomas Vermaelen, Ter Stegen, Claudio Bravo, Jeremy Mathieu đã đến đầu quân cho Barca. Tổng cộng, đội bóng xứ Catalan đã chi 163 triệu euro cho 6 bản hợp đồng này, con số cao nhất không chỉ của La Liga mà của cả bóng đá châu Âu trong kỳ chuyển nhượng mùa hè.
Tương tự Barca, bấy lâu nay, Arsenal của Arsene Wenger nổi tiếng là đội bóng thành công trong việc “mua rẻ, bán đắt” và thường xuyên cho các thần đồng từ lò đào tạo trẻ ra mắt ở đội một. Nhưng, sau 9 năm trắng tay, “Giáo sư” Wenger đã không còn bảo thủ nữa. Mùa trước, gần 50 triệu euro được chi ra để chiêu mộ Mesut Oezil và Arsenal lập tức đoạt Cúp FA. Lên tinh thần, ông Wenger tiêu tiền mạnh hơn nữa ở mùa này khi mua về Alexis Sanchez, Calum Chambers, Mathieu Debuchy, David Ospina với tổng số tiền là 62 triệu euro.
Bản thân Wenger đã phát biểu: “Truyền thống là điều mấu chốt để duy trì thành công cho các đội bóng lớn. Nhưng đôi khi, để duy trì được tính cạnh tranh, đội bóng vẫn phải chi tiền để mua ngôi sao nhằm tạo ra sự cân bằng trong lối chơi”.
Thuốc đắng không dã tật?
Nhận thức được tình trạng “cá lớn nuốt cá bé” và để tránh việc nhiều đội bóng lớn bị phá sản vì mua bán cầu thủ vô tội vạ, Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) đã đề ra Luật Công bằng tài chính để buộc các đội phải chi tiêu cẩn thận hơn. Luật Công bằng tài chính được áp dụng từ mùa 2013-2014 và nhiều đội đã nhận các án phạt khác nhau.
Vấn đề nằm ở chỗ Luật Công bằng tài chính vẫn còn những kẽ hở khi không tính các khoản đầu tư “lành mạnh” như nâng cấp sân vận động, cơ sở tập luyện hay học viện bóng đá trẻ… Vì vậy, những “đại gia” của bóng đá châu Âu vẫn thỏa sức mua cầu thủ nhưng báo cáo tài chính của họ gửi lên UEFA lại xuất hiện rất nhiều hạng mục để hợp thức hóa việc chuyển nhượng. Tất nhiên, UEFA thừa biết đều này, nhưng họ đành khoanh tay đứng nhìn mà không thể làm gì khác.
Trong kỳ chuyển nhượng mùa hè, Barca chi đậm nhất, nhưng Real Madrid lại tạo dấu ấn với bản hợp đồng đắt giá nhất khi mua James Rodriguez từ Monaco với giá trị lên tới 85 triệu euro. Tại Anh, Chelsea cũng chi nhiều tiền để mua Fabregas, Diego Costa, Filipe Luis. Liverpool chỉ bán đi Luis Suarez nhưng lại mua về gần 10 cầu thủ để nâng cấp đội hình.
Manchester United muốn cải tổ dưới triều đại Louis Van Gaal cũng phải mua Herrera, Rojo, Shaw… với chi phí đắt đỏ. Thậm chí, Manchester City dù khá im ắng do lực lượng đã thừa ngôi sao, nhưng họ vẫn sẵn sàng bỏ ra 40 triệu euro để có chữ ký của Mangala, một cầu thủ mới chỉ ở mức tiềm năng.
Đánh giá về kỳ chuyển nhượng mùa hè, huấn luyện viên Guardiola của Bayern Munich đã nhận xét rất chính xác: “UEFA muốn tạo ra sự công bằng, nhưng đó chỉ có thể là sự công bằng giả tạo. Các đội bóng lớn vẫn sẽ chi đậm để mua ngôi sao bởi đây là điều cốt lõi để giành được thành công”. Chính Guardiola, dù luôn thích sử dụng các tài năng từ lò đào tạo trẻ, nhưng vẫn phải bỏ tiền chiêu mộ các ngôi sao cho Bayern để duy trì sức mạnh tại Bundesliga cũng như Champions League.