Dân Việt

Đổi mới công nghệ để tiết kiệm năng lượng: Doanh nghiệp mong hỗ trợ vốn

Mai Hương 03/09/2014 06:46 GMT+7
Tại Hội thảo Tiết kiệm năng lượng - Vấn đề cấp bách tổ chức mới đây, ông Nguyễn Văn Thạo - trợ lý Chủ tịch nước khẳng định: Trong bối cảnh an ninh năng lượng đang trở thành vấn đề cấp bách, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả không còn là câu chuyện của riêng cá nhân, doanh nghiệp (DN) nào, mà là của toàn xã hội. 

“Chuyện không của riêng ai”

Theo ông Thạo, các DN, đơn vị cần so sánh hiệu quả sử dụng năng lượng của mình với các quốc gia khác trên thế giới để có những chiến lược, mục tiêu cụ thể hơn để phấn đấu. “Chúng ta không thể chỉ so sánh tiết kiệm bao nhiêu phần trăm qua mỗi năm với chính mình, trong khi so với thế giới mình vẫn lạc hậu, lãng phí”- ông Thạo nhấn mạnh. Khâu đột phá, then chốt trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả phải được thể hiện ở chính sự đổi mới, cải tiến công nghệ tiết kiệm năng lượng (TKNL).

Có thể nói, vấn đề sử dụng năng lượng sao cho tiết kiệm và hiệu quả hiện vẫn “ngổn ngang trăm bề” và ngày càng cho thấy cấp bách hơn bao giờ hết. Đó không chỉ vì nguồn tài nguyên năng lượng hóa thạch đang ngày càng cạn kiệt, thực trạng sử dụng năng lượng lãng phí còn phổ biến, mà còn là vì những nguy cơ, hiểm họa khôn lường về biến đổi khí hậu và môi trường sống do hiệu ứng nhà kính... Đây là những thách thức thực sự đối với sự phát triển bền vững ngành năng lượng nói riêng, cộng đồng xã hội nói chung.

Ông Trần Viết Ngãi-Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cũng nhấn mạnh: Vấn đề tiết kiệm ở đây cần phải hiểu rõ, tiết kiệm từ khâu khai thác, sản xuất, chế biến, đến khâu tiêu dùng đối với các sản phẩm năng lượng. Hiện nay, một số cơ sở sản xuất tiêu dùng năng lượng lớn là sắt thép, xi măng, khách sạn, nhà hàng, các công sở Nhà nước và các DN khác. Nhà nước cần có cơ chế chính sách, hỗ trợ vốn (không phải 5 tỷ đồng cho 1 DN như trước đây) mà trên cơ sở đề xuất của các đơn vị cần vốn để đổi mới công nghệ, đổi mới thiết bị để sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả cho vay với gói tín dụng ưu đãi đáp ứng nhu cầu của họ.

Ông Ngãi kiến nghị cần phải có những chính sách hỗ trợ như, miễn giảm thuế nhập khẩu cho các dây chuyền công nghệ, các thiết bị TKNL. Giảm thuế cho những cơ sở và hộ tiêu dùng có kết quả TKNL tốt.

Xây dựng định mức để tiết kiệm

Để đạt được mục tiêu TKNL đến năm 2015 đạt 5-8% và đến năm 2020 đạt 8-10% tổng năng lượng tiêu thụ, ông Ngãi cho rằng, chúng ta cần sớm điều chỉnh giá năng lượng theo cơ chế thị trường, bởi vì giá năng lượng Việt Nam hiện nay đang thấp hơn giá khu vực và trên thế giới. Bên cạnh đó, cần xây dựng định mức đối với các DN, các nhà máy, các hộ tiêu thụ khác về sử dụng năng lượng. Hàng năm cần phải có kiểm toán đặc biệt đối với các hộ sử dụng năng lượng lớn để đánh giá được kết quả thực hiện và đi đôi với việc thưởng, phạt nghiêm minh. Cần có chủ trương để các DN, các nhà máy sản xuất 3 ca (đặc biệt là ca 3 từ 10 giờ đêm - 6 giờ sáng), tránh căng thẳng việc sử dụng năng lượng vào các giờ cao điểm. Cần khai thác sử dụng các dạng năng lượng khác như: Biogas trong chăn nuôi nông nghiệp, xây dựng nhà tiết kiệm năng lượng đối với ngành xây dựng, thay thế những xe, máy tiêu hao nhiều năng lượng trong ngành giao thông.

Ông Trịnh Quốc Vũ-Vụ trưởng Vụ khoa học -Công nghệ (Bộ Công Thương) nêu thực tế: Cơ chế hỗ trợ cho các DN đầu tư thay thế dây chuyền công nghệ lạc hậu bằng dây chuyền công nghệ hiệu suất cao, TKNL còn gặp nhiều hạn chế. Hiện nay, chương trình hỗ trợ 30% tổng số vốn đầu tư về dây chuyền công nghệ, thiết bị hiệu suất cao cho các DN và không quá 5 tỷ đồng cho một DN không còn thu hút được các DN lớn đầu tư vì mức hỗ trợ nêu trên là khá thấp so với tổng mức đầu tư của DN.

Theo ông Nguyễn Tấn Lộc – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cần phải tháo gỡ các vấn đề vốn cho đầu tư công nghệ khai thác/sản xuất sao cho TKNL nhất; vấn đề hành lang pháp lý và các giải pháp hỗ trợ đồng bộ cho DN áp dụng... Hiện hầu hết các DN sản xuất đều nêu những khó khăn, vướng mắc trong triển khai, áp dụng các giải pháp về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Trong đó, đầu tư cho công nghệ, đổi mới dây chuyền sản xuất có hiệu suất tiêu hao nhiên liệu thấp thường rất tốn kém, và không phải DN nào cũng đủ tiềm lực để triển khai đồng bộ.

Ông Trần Viết Ngãi còn mạnh dạn đề nghị Đảng, Nhà nước cần phát động phong trào sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, quán triệt từ hệ thống chính trị đến các DN, địa phương, đến mọi người dân, sử dụng công cụ truyền thông để tuyên truyền mạnh mẽ.