Ngoài nguyên nhân dông lốc trực tiếp gây chìm tàu, phóng viên Dân Việt cũng tìm hiểu ra một số căn nguyên khác.
Liên quan đến tàu nghỉ đêm Tùng Trang mang số hiệu 2477 bị chìm lúc 14h30 phút ngày (28.8), khi phóng viên tiếp cận hiện trường được một nhân viên tàu này kể lại: “Tàu đang chạy đến khu vực Ba Hang bất ngờ gặp dông gió xoáy mờ mịt cả một khoảng. Để đảm bảo an toàn tàu đã dừng lại neo đậu và gọi các tàu khác của đơn vị áp sát để đón du khách sang nhưng gió lớn tàu hỗ trợ không cập gần được. Với kinh nghiệm đi biển biết tàu sẽ không chịu được cơn gió xoáy, các thuyền viên trên tàu lấy áo phao cho du khách mặc rồi tức thì bảo tất cả nhao xuống biển để bơi ra khoảng an toàn. Khi du khách dời tàu bơi ra xa chừng vài phút thì tàu bị sóng nhấn chìm".
Ước tính thiệt hại của chủ tàu Tùng Trang thì tàu chìm dẫn đến việc phải hủy tour, thuê khách sạn nghỉ ngơi sinh hoạt cho 12 du khách và thuê thợ lặn đồ, trục tàu lên đến vài trăm triệu đồng.
Chiếc tàu du lịch này bị chìm khi đang neo đậu tại cảng khách du lịch Bãi Cháy.
Theo cảng tàu khách du lịch Bãi Cháy thì tàu Tùng Trang được cấp lệnh rời cảng vào lúc 12h40 cùng ngày bị chìm.
Tuy nhiên, một điều khó hiểu là thời điểm trên vẫn đang xuất hiện mưa dông lớn kéo dài từ sáng mà cảng vụ vẫn cấp phép cho tàu Tùng Trang và nhiều tàu nghỉ đêm khác xuất bến. Sự khó hiểu này cũng là lý do nhiều chủ tàu bức xúc bởi ngay sau lệnh cấp dời lại nhận được lệnh phải cập cảng.
Trong điều kiện dông gió, sóng lớn, nhẽ ra cảng vụ phải hướng dẫn các tàu vào điểm neo đậu có núi đá chắn an toàn hơn là vượt sóng dữ quay về, dẫn đến hậu quả là 78 hành khách đi trên 3 tàu du lịch quay về cảng nhưng bị sóng lớn vật chao đảo không cập bến được. Để đảm bảo an toàn, các tàu này sau đó phải nhờ tàu của quân đội ra ứng cứu đưa du khách lên bờ.
Một chuyên gia trong ngành giao thông vận tải thủy tại Hạ Long chia sẻ: Điều nguy hiểm trên vịnh Hạ Long là cơn dông đằng Tây thường xuất hiện ngay từ đầu mùa hè, mỗi khi con nước kém nhiệt độ khô hanh, thời tiết oi bức, cơn dông kéo tích tụ thường tập trung vào chiều tối hoặc giữa đêm và gần sáng, gió rất mạnh gây nguy hiểm cho tàu thuyền ra khơi. Do vậy việc cấp lệnh dời cảng cho tàu du lịch trong điều kiện dông gió đang xảy ra trong ngày 28.8 là có phần chủ quan của Ban quản lý vịnh và đơn vị cảng vụ cấp phép.
Các tàu không neo buộc sát nhau khi cơn dông, cơn nồm kéo về.
Đối với 2 chiếc tàu neo an toàn ở cảng Tàu du lịch Bãi Cháy vẫn bị sóng đánh chìm trong đêm 28 và rạng sáng 29.8. Về sự việc này, chuyên gia này phân tích, bến cảng tàu du lịch Bãi Cháy được xây dựng đúng vị trí dòng chảy, khi nước xuống chảy siết sát ven bờ. Từ ngày đường đảo Tuần Châu lấp thì đường chảy này lệch đi hướng đầu gỗ. Do vậy, cảng tàu này trở thành cảng nước tĩnh, phù sa bồi lấp. Với những điều kiện như trên khi cơn dông và cơn nôm xuất hiện thường chạy hướng dọc từ đảo Tuần Châu qua cảng tàu Bãi Cháy đến bến phà Bãi Cháy. Trên đường đi nó sẽ gây ra sóng lớn. Nếu các tàu neo buộc sát nhau sẽ xảy ra hiện tượng va đập mạnh dẫn đến chìm tàu tượng tự như sự việc đêm 25.9.2007, 19/30 tàu đang neo buộc tại cảng tàu Bãi Cháy bị gió lốc mạnh trên cấp 9 gây ra va đập mạnh khiến tàu chìm vì bị vỡ.
Cũng theo ý kiến của chuyên gia này, cơn nồm sau bão cũng cực kỳ nguy hiểm. Nếu bão đổ bộ vào Quảng Ninh khi tan sẽ không có nồm nhưng bão vào Móng Cái hay tỉnh lân cận như Hải Phòng, Thái Bình thì cần cẩn trọng với các cơn nồm sau đó được sinh ra từ áp thấp tràn về vịnh. Chính vì thế, thông thường các chủ tàu đang neo trên vịnh phải nghỉ một ngày sau bão mới cho tàu cập cảng để tránh hiện tượng neo đậu tập trung gây ra va đập vỡ tàu.