Mở đầu bài viết, tác giả Claudia Fonseca Sosa đã đưa ra câu hỏi: “Thử hỏi có người Cuba nào lại không biết về câu chuyện David đã từng chiến thắng Goliat? Có ai lại chưa từng nghe những câu chuyện kể về các chiến sĩ Việt Nam dũng cảm trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và sau đó là cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước?”.
Bà Võ Thị Thắng phát biểu tại lễ bế mạc Liên hoan Thanh niên và Sinh viên Thế giới lần thứ 11 diễn ra tại Cuba năm 1978. Nguồn: Tư liệu báo Granma.
Chiến công hiển hách Điện Biên Phủ đã đưa đến sự sụp đổ của bộ máy quân sự Pháp ở Đông Dương năm 1954 là một hình ảnh thường được nhắc đến khi chúng ta nghĩ về lịch sử đấu tranh của Việt Nam. Cũng như vậy, chúng ta nhớ lại những quan niệm chính trị và chiến lược quân sự đã học được từ Hồ Chí Minh và tướng Võ Nguyên Giáp, cũng như khả năng kháng cự của hàng triệu người Việt Nam đã từng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ đất nước trong điều kiện thiếu thốn hơn nhiều về vũ khí.
Bài báo cho biết, trong số rất nhiều những nhân vật tiêu biểu của cách mạng Việt Nam nổi bật lên một người con gái tuổi chừng đôi mươi đã mặt đối mặt với kẻ thù, và chỉ bằng nụ cười. Đó là nữ anh hùng Võ Thị Thắng, người vừa qua đời ngày 22/8 ở tuổi 69 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Câu chuyện về bà từng nổi tiếng khắp thế giới.
Từ khi còn nhỏ Võ Thị Thắng đã tham gia hoạt động cách mạng ở quê hương Long An, sau đó tham gia phong trào thanh niên kháng chiến chống đế quốc và chiến dịch tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968. Vào thời kỳ đó, bà bị địch bắt và bị kết án 20 năm tù. Sau khi nghe tòa án quân sự của chế độ ngụy quyền Sài gòn tuyên án, bà đã mỉm cười và nói với các quan tòa rằng chắc chắn chế độ của họ không thể tồn tại đến 20 năm để bỏ tù mình. Một phóng viên ảnh người Nhật đã chụp được khoảnh khắc bà nở nụ cười kiêu hãnh trước tòa án của kẻ thù, và tấm ảnh đó đã trở thành một tác phẩm sống mãi với tên gọi “Nụ cười chiến thắng”. Niềm tin vững chắc vào sự nghiệp của Đảng và dân tộc Việt Nam đã giúp bà vượt qua mọi khó khăn gian khổ trong các nhà tù của giặc, kể cả “địa ngục trần gian” mang tên Côn đảo.
Sau ngày cách mạng miền Nam thắng lợi và thống nhất đất nước, do có nhiều công lao đối với cách mạng, bà từng được tặng thưởng huân chương Độc lập và huân chương Lao động cùng nhiều huân huy chương khác. Với 40 năm tuổi Đảng, Võ Thị Thắng từng là Ủy viên Trung ương hai khóa liền, ba lần được bầu là đại biểu quốc hội và từng giữ các chức vụ Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch.
Bà Võ Thị Thắng trong cuộc gặp với nữ anh hùng Vilma Espin, Chủ tịch hội phụ nữ Cuba. Nguồn: Tư liệu báo Granma.
Võ Thị Thắng gắn bó gần gũi với Cuba. Năm 1975, sau ngày miền Nam Việt Nam được giải phóng, bà đã thăm Cuba và gặp gỡ người nữ anh hùng Vilma Espin, Chủ tịch Hội phụ nữ Cuba. Ba năm sau đó bà trở lại thăm Cuba và tham dự Liên hoan Thanh niên và Sinh viên Thế giới lần thứ 11. Vào cuối thập kỷ 90 bà lại có dịp đến Cuba và thăm ngôi trường tiểu học mang tên Võ Thị Thắng ở quận Playa, thủ đô La Habana. Từ năm 2003, bà nhận nhiệm vụ Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam-Cuba và từng được Nhà nước Cuba tặng thưởng huân chương Hữu nghị và huân chương Ana Betancourt.
Bài báo kết luận, được cả thế giới biết đến với “nụ cười chiến thắng”, người chiến sĩ cách mạng kiên cường Võ Thị Thắng là biểu tượng cho phẩm chất anh hùng của phụ nữ Việt Nam nói riêng và của toàn thể nữ giới nói chung.