Chiến tranh đã lùi xa hơn ¼ thế kỷ, nhưng trong nhiều gia đình trên mảnh đất hình chữ S vẫn còn tồn tại những nỗi đau âm ỉ, tột cùng. Nhiều người nói rằng, nỗi đau nào cũng có lúc nguôi ngoai nhưng nỗi đau chất độc da cam thì dai dẳng, không bao giờ có thể lành.
Nỗi đau bên 12 ngôi mộ cát
Đó là nỗi đau tê buốt của thể xác lẫn tâm hồn. Có một gia đình điển hình cho nỗi đau mang tên da cam quái ác đó là hoàn cảnh của bà Phạm Thị Nức ở thôn Hà Thiệp, xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình). Chất độc da cam đã khiến gia đình bà sống trong nỗi đau tột cùng, ám ảnh của 12 lần mất con.
Trên đỉnh cát sau làng, 2 vợ chồng bà Nức đau đớn chôn đứa con đầu tiên của mình. Lần thứ hai bà Nức sinh một bé gái, đặt tên cháu là Đỗ Thị Bình (nhân vật chính trong câu chuyện tình yêu sẽ được kể ở phần sau- NV). Bình càng lớn, vợ chồng bà Nức càng hồi hộp. Đêm đêm ôm con vào lòng, bà Nức cứ bị ám ảnh về một tai hoạ sẽ đến giống như đứa con trai đầu lòng. May mắn, Bình lớn lên bình thường, học hết cấp 3 thì đi học thợ may…
Ngày đó, Hải làm thợ may còn Bình làm nghề cắt tóc. Nhà ở cách mấy mái chèo, quán cách mấy ngã đường nhưng hai người vẫn không biết nhau. Mãi đến năm 2000, khi cùng đi tình nguyện ở miền Tây huyện Quảng Ninh họ mới quen mặt biết tên. Bạn bè gán ghép, Bình chỉ e thẹn quay đi. Kết thúc chuyến tình nguyện, ngày về, Hải mang nhánh lan rừng tặng người bạn mới. Hải ngỏ lời, Bình ngỡ Hải bông đùa nên từ chối. Tình yêu thôi thúc Hải kiên trì. Sự chân tình và ngay thẳng của Hải đã khiến Bình xúc động. Bình kể: “Khi anh ấy chính thức ngỏ lời muốn cưới em làm vợ, em mừng lắm, nhưng rất lo. Liệu tình yêu của chúng em có suôn sẻ như bao đôi lứa khác không? Mấy đêm liền em nằm không ngủ được. Lúc đó, ba em vẫn khuyên anh Hải: Cháu cứ suy nghĩ, quyết định cho kỹ, kẻo sau này lại hối hận”.
Nan giải nhất là gia đình, họ hàng của Hải không đồng ý khi biết chuyện. Là con trai duy nhất trong nhà nên bố mẹ anh muốn anh chọn được “đám” nào cho môn đăng hộ đối, hay chí ít cũng gia đình bình thường. Khi nghe tin, bố mẹ Hải đã qua nhà trách mắng bố mẹ Bình hết lời. Trước mặt bố mẹ Bình, họ tuyên bố sẽ không coi Bình là con dâu của gia đình, dòng họ Hoàng. Họ sợ những đứa cháu nội sinh ra sẽ bị nhiễm bệnh mà chết giống như các cậu, các dì. Rồi gia đình họ sẽ tuyệt tự tuyệt tôn. Thuyết phục gia đình mãi không được, Hải bàn với Bình chọn cách giả vờ “đã lỡ”. Chuyện đến lúc này, gia đình Hải đành chấp nhận, sự chấp nhận trong ghẻ lạnh…
Năm 2002, Bình chính thức làm cô dâu. Đám cưới, lối xóm, người lời vào, kẻ xì ra. Bố mẹ cho ở tạm trong căn nhà ngang bị đập bỏ. Hai người mừng mừng tủi tủi xây tổ ấm hạnh phúc bé nhỏ với hai bàn tay trắng…
Trước những cơn sóng ngầm từ phía gia đình nhà chồng, cuộc sống của anh chị cũng lao đao. Nhưng bằng tình yêu dành cho nhau, mái ấm nhỏ của họ vẫn trụ vững qua bao mùa giông bão...
Năm tháng trôi đi, nhìn lại quảng thời gian hơn mười mấy năm đã qua, vợ chồng Hải cũng không biết được họ đã lấy đâu ra “sức mạnh” để vượt qua những khó khăn, điều tiếng cuộc đời để giành giật sự sống. Nhưng Hải vui vì tình yêu của họ đã đơm hoa kết trái với 3 đứa con kháu khỉnh. “Khi sinh đứa đầu lòng, mẹ tròn con vuông, anh ấy bế con mà chảy nước mắt” – Bình nhớ lại giây phút hạnh phúc khi được làm mẹ.
Hiện tại thì đứa con gái đầu lòng của họ đã học lớp 7, xinh đẹp học giỏi. Đứa con gái thứ 2 đã vào lớp 4, cũng học rất giỏi. Vợ chồng Hải mới vừa sinh thêm một bé trai khoảng 3 tháng tuổi rất kháu khỉnh, đáng yêu. Hải cho biết, hai vợ chồng làm nghề thợ may, mỗi tháng chỉ thu nhập được khoảng 6 triệu đồng nên chi phí cho cuộc sống là vô cùng khó khăn, nhất là bây giờ gia đình đã có tới 5 miệng ăn. Nhưng Hải tin với sự cần cù, chịu khó của cả hai vợ chồng, anh chị sẽ vượt qua tất cả để vun đắp hạnh phúc cho gia đình nhỏ bé của mình.