Dưới cái nắng chang chang của những ngày hạ tuần tháng Bảy, tôi về xã Hạnh Phúc, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa), tìm gặp chàng kỹ sư xây dựng Hoàng Quang Minh. Quang Minh đi một chiếc xe đạp cà tàng từ công trường ra đón tôi. Anh chàng kỹ sư trẻ có vóc người cao to, nước da sạm nắng, đầu đội chiếc mũ vải lưỡi trai đen sì, chân đi dép tổ ong…
Hạnh phúc đến từ những gánh hàng
Hỏi về gia cảnh của chàng kỹ sư người Hà Thành, Quang Minh như vui hơn, cười rất hiền: “Bố mẹ em chỉ có mỗi mình em. Nhà em trong ngõ 295 Bạch Mai, phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng. Gia đình em cũng khó khăn lắm. Bố là thương binh, hằng ngày phải chạy xe ôm để kiếm thêm tiền phụ giúp mẹ. Còn mẹ em, sáng sáng vẫn bán xôi ở cạnh cổng trường Đại học Xây dựng Hà Nội.”
Quang Minh cho hay, sau khi tốt nghiệp Đại học Xây dựng, em được Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng - Bộ Xây dựng tuyển dụng. Cơ quan giao cho chàng kỹ sư trẻ này đảm nhiệm công việc quản lý, chỉ đạo phần thi công công trình ở Thanh Hóa. “Lương em hiện nay mỗi tháng được 5 triệu. Mỗi lần lĩnh lương, em thường bớt chút chi tiêu một phần, để gửi cho mẹ ở nhà. Hiện nay, cuộc sống của bố, mẹ em ở nhà thì cũng đủ chi tiêu hàng ngày thôi, không dư dả.
Ngày trước, khi em còn đi học, thì bố và mẹ vất vả hơn. Dù bố là bệnh binh chạy xe ôm, còn mẹ sống nhờ vào gánh xôi, lại phải nuôi em ăn học. Nhưng bữa cơm hằng ngày cho cả gia đình thì vẫn đầy đủ. Ngày ấy, em biết mẹ thương em, thương bố lắm, nên em luôn bảo mình phải cố gắng học thật giỏi. Cũng may, trong 4 năm đại học, em phấn đấu giành được học bổng, nên mẹ chỉ lo nuôi cơm và chi tiêu hàng ngày cho em thôi. Còn tiền đóng góp học ở trường, mẹ em không phải lo”.
Chia tay kỹ sư Quang Minh, chúng tôi tìm về ngõ 295 Bạch Mai (Hà Nội) đến căn nhà của cha mẹ Minh đang ở. Trong căn nhà nhỏ nằm sâu tít, dường như mẹ của Quang Minh- bà Lê Thị Dung (54 tuổi), chưa bao giờ nghĩ tới hai từ nghỉ ngơi, trong suốt 18 năm liền với gánh xôi sáng. Bởi lẽ, gánh xôi sáng của bà là chỗ dựa, là kế sinh nhai cho cả gia đình 3 người, cậu con trai ăn học, người chồng thương binh ốm yếu và bà. Hai vợ chồng bà Dung và ông Hợi cũng chỉ có 1 người con, mọi nguồn thu, tiền kiếm được hai vợ chồng đều dồn vào cho Minh ăn học, để cậu có thể nên người.
Kể về cậu con trai của mình, bà Dung bảo: “Từ khi Minh lên 10 tuổi, cu cậu đã bắt đầu biết nghĩ. Hằng ngày, cậu chạy tới chạy lui sau giờ học phụ giúp mẹ những gánh hàng. Một bữa nọ, mẹ đang loay hoay với những rọ xôi thừa ban sáng, mồ hôi nhễ nhại khắc khổ đong thành từng bát, bất chợt cu Minh hỏi: “Mẹ ơi, mỗi một buổi bán xôi sáng mẹ kiếm được bao nhiêu tiền?”. Thấy con trai mình hỏi lạ, nên tôi cũng buột miệng nói thật: “50 ngàn đồng con ạ!”.
“Vậy lạ quá, tiền học cho con mỗi ngày chia ra cũng đã gần chục ngàn đồng, tiền ăn của cả nhà mình mỗi bữa cũng đã 20 ngàn đồng rồi, còn tiền tiêu vặt, mua sắm đồ, tiền cho con ăn kem, ăn bánh, thế sao đủ hả mẹ?” – Minh tiếp tục hỏi. Lúc đó, tôi buồn bã, nói với con rằng- vậy cuộc sống nhà mình mới khó khăn, biết làm thế nào hả con, đi làm vất vả như thế đấy!”.
“Thôi vậy từ nay con không ăn sáng ngoài nữa, cả trưa, cả tối luôn, cả nhà mình ăn xôi thừa cũng đủ no mẹ ạ”– những câu nói hồn nhiên của cu cậu lúc mới lên 10 khiến tôi không tài nào cẩm nổi nước mắt, giọng bà Dung nghèn nghẹn, mắt rớm nước.
Hoàn cảnh gia đình đã khó khăn, người trụ cột gia đình cũng không thể trụ vững, mọi sinh hoạt của cả gia đình 3 người trong căn nhà nhỏ 15 mét vuông nơi cuối ngõ đều phụ thuộc vào gánh xôi của bà Dung và những đồng lương chế độ thương binh ít ỏi của ông Hợi. Dẫu vậy, người cha già ấy vẫn luôn bao bọc, bảo vệ cho cậu con trai mình.
Hồi Minh học cấp hai, nơi gia đình Minh sống là một ổ ma túy rùng rợn của khu phố Bạch Mai. Tình trạng trấn lột, ve vãn, tiêm chích của các con nghiện khiến đường đi học về của Minh và các bạn như đường qua địa ngục. Nhận thấy những mối lo đó, ông Hợi ngày ngày tính giờ, canh đồng hồ đợi con tan học rồi đi xe máy tới cổng trường đón con về tận nhà.
Dù phải đi làm xa, tháng lương đầu tiên Minh đã gửi về cho bà Dung 4 triệu đồng để bố mẹ đỡ vất vả, đảm bảo cuộc sống ổn định. Cậu chỉ giữ lại một chút cho bản thân để chi tiêu chốn xa nhà. “Thương con thì thương cho trót”, biết con đi làm xa vất vả, lại dành dụm tiền gửi cha mẹ, bà Dung và ông Hợi cũng quyết định dồn tiền tích góp bấy lâu nay, mua cho Minh một chiếc máy tính xách tay.
Bà Dung nói: “Về phần chúng tôi, bấy lâu nay sống khổ đã thành quen, miễn sao con mình được ăn học, được đi làm là chúng tôi đã mãn nguyện lắm rồi.”