Tuy nhiên, từ trước đó nhiều tuần, phóng viên Dòng Đời đã thâm nhập và tìm hiểu về nguồn gốc của sản phẩm được cho là thần dược này. Những chuyến thâm nhập thực tế trải dài từ các bệnh viện, phòng khám tại Thủ đô, tới bệnh viện đa khoa các tỉnh), rồi vùng biên Móng Cái và thậm chí là “du lịch” sang Trung Quốc với chỉ một mục đích tìm hiểu thực hư về An Cung Ngưu Hoàng Hoàn.
Một số cửa hàng bán thuốc An Cung Hoàn tại Móng Cái mà phóng viên vào hỏi mua.
Rẻ mạt, trôi nổi tại các chợ vùng biên
Theo đó, An Cung Ngưu Hoàng Hoàn (gọi tắt là An Cung Hoàn) vốn được dân ta “rỉ” tai nhau cho rằng đây là loại thần dược khống chế được bệnh tai biến mạch máu não với những công dụng được đúc kết và miêu tả theo kiểu: Cải tử hoàn sinh; người bị tai biến sẽ nhanh chóng hồi phục và trở lại cuộc sống bình thường; người không bị thì cứ uống để đề phòng… Vì vậy, loại thuốc này dần dần len lỏi tới khắp các vùng miền và được coi là thuốc gối đầu giường của rất nhiều gia đình.
Bác sỹ Trần Thị Tuyết Lan - Trưởng Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Thái Bình đang bán thuốc An Cung hoàn cho phóng viên.
Theo thông tin trên phóng viên đã đi hỏi ở một số hiệu thuốc lớn ở Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức, Viện 103 và một số chợ thuốc như Giảng Võ… thì không có loại thuốc này. Tuy nhiên, những người bán thuốc tại đây cũng mách nước phóng viên nên tìm tới các cửa khẩu gần Trung Quốc thì chắc chắn sẽ mua được loại thuốc này. Ngày 23.8, phóng viên có mặt tại Thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) để lần tìm dấu vết của An Cung Hoàn.
Tại Móng Cái, chúng tôi dò tìm tại các hiệu thuốc lớn trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, những nơi này đều lắc đầu “quầy quậy”. Theo chia sẻ của những người bán hàng này thì những cửa hàng bán thuốc tân dược có uy tín, có giấy phép hẳn hoi thì chắc chắn không bán loại thuốc này bởi nó nằm trong danh mục bị cấm.
Khi gặng hỏi thì nhân viên bán thuốc nói: “Anh thử đến Khu Trung tâm Thương mại Thành phố Móng Cái, lên tầng 3 thấy chỗ mấy người Trung Quốc bán may ra thì có”. Tại khu vực này, theo quan sát của chúng tôi chỉ có 3 quầy thuốc nhỏ nhưng đều bán An Cung Hoàn và đây cũng là mặt hàng duy nhất họ bầy bán. Chủ nhân của các quầy thuốc này là người Trung Quốc mang hàng sang và thuê người Việt Nam bán.
Đến hiệu thuốc đầu tiên, cô nhân viên tên Thu nói có bán An Cung Hoàn với “giá bán lẻ là 750 nghìn/ viên, còn bán buôn là 650 nghìn/viên nhưng với điều kiện là phải mua nhiều”. Theo quan sát thì loại thuốc này được đựng trong một hộp màu vàng nhạt bên ngoài ghi toàn chữ Trung Quốc mà không hề có hướng dẫn bằng chữ Việt Nam, hay thành phần thuốc, công dụng… Thay vào đó, quy cách sử dụng sẽ do những người bán hàng hướng dẫn. Mở ra, khám phá tiếp bên trong thì có 2 viên màu đỏ và được dán tem kỹ lưỡng. Cô nhân viên cho biết: “Bên trong viên thuốc có màu nâu, tròn như viên bi”.
Tôi có ý muốn mua loại thuốc ít tiền hơn nên chuyển sang hiệu thuốc tiếp theo thì được chủ nhân người Trung Quốc và cô nhân viên người Việt Nam đưa cho tôi loại thuốc cũng có tên An Cung Hoàn nhưng là một hộp gỗ vuông màu xanh bên ngoài cũng ghi chữ Trung Quốc như loại thuốc ở quầy số 1 và được bọc túi bóng, bên ngoài trong hộp có loại 2 viên hoặc 4 viên tùy vào nhu cầu. Giá của loại này thì cao hơn khoảng từ 950 nghìn đến 1,2 triệu/viên, tùy vào số lượng mà giá cả được điều chỉnh. Lấy cớ muốn tìm hiểu thêm một vài nơi nữa, tôi rút về phòng và chuẩn bị cho chuyến đi sang Trung Quốc tìm hiểu thêm về loại thuốc này.
Đúng 4 giờ 30 phút chiều ngày 24.8, chúng tôi có mặt tại cửa khẩu Móng Cái để sang Trung Quốc. Khi đặt chân tới đây điều đầu tiên là chúng tôi đáp một chuyến xe ôm tới thẳng những hiệu thuốc lớn thuộc thị trấn Đông Hưng, Khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.
Phóng viên đi mua An Cung hoàn tại một hiệu thuốc ở Trung Quốc.
Tôi bước vào một hiệu thuốc lớn và ngỏ ý muốn mua một số lượng lớn thuốc An Cung Hoàn về bán tại Việt Nam. Cô nhân viên bán thuốc rất niềm nở giới thiệu các loại thuốc bao gồm: 3 loại thuốc An Cung Hoàn với giá cả khác nhau, trong đó loại thuốc với giá rẻ nhất đựng trong một chiếc hộp hình chữ nhật màu đỏ nhạt và bên trong có 6 hộp nhỏ cũng màu đỏ để bọc viên thuốc, với giá 108 đồng Nhân dân tệ (khoảng 370 nghìn tiền Việt Nam). Loại thứ 2 cũng tương tự nhưng hộp và vỏ đậm hơn, giá cả thì cao hơn một chút với giá 156 Nhân dân tệ (khoảng 530 nghìn tiền Việt Nam). Loại thứ 3 là hộp bằng gỗ hình chữ nhập trong đó có 4 viên được chia làm 4 hộp gỗ nhỏ với màu xanh nhạt in chữ Trung Quốc có giá 560 tệ (khoảng 1 triệu 900 nghìn tiền Việt Nam). Khi hỏi về công dụng của thuốc, uống như thế nào, thì được hướng dẫn là: “Thuốc này trị tai biến mạch máu não, tê liệt, tiền đình, tim mạch, ngày uống 1 viên khi đang bị và sau đó duy trì 1, 2 viên nữa rồi thôi đến khi bị lại thì uống tiếp. Thuốc này là thảo dược nên anh cứ yên tâm là uống không có tác dụng phụ”, rồi còn không quên đưa cho tôi số điện thoại để nếu có gì thắc mắc có thế hỏi thêm.
Đi tới các quầy thuốc khác thuộc các khu chợ tại thị trấn Đông Hưng, chúng tôi cũng gặp thái độ săn đón niềm nở của những người bán thuốc nơi đây khi biết về dự định lấy số lượng nhiều thuốc An Cung Hoàn. Thậm chí, họ còn không ngần ngại tiếp thị các mức giá tới mức thấp kỷ lục khi quy ra tiền Việt chỉ có hơn 150 ngàn/viên.
Nhiều người sử dụng an cung ngưu hoàng hoàn không hiệu quả hoặc nguy kịch hơn
Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Xuân Hướng - nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho biết trên báo Sức khỏe gia đình, ông đã tư vấn điều trị bằng thuốc An cung ngưu hoàng hoàn cho 13 bệnh nhân theo yêu cầu của gia đình. Tuy nhiên, chỉ 3 trường hợp có kết quả, 10 trường hợp không có tác dụng, nằm liệt một chỗ hoặc tử vong. Đặc biệt, trong đó có 3 trường hợp bị xuất huyết lần thứ hai.
Trong khi đó, tại Bệnh viện Bạch Mai có hai bệnh nhân liên tiếp nhập viện vì hôn mê sâu sau khi sử dụng An cung ngưu hoàng hoàn. Một bệnh nhân nam 50 tuổi, nhập viện Bạch Mai trong tình trạng hôn mê sâu, xuất huyết tiểu não, nhiễm trùng phổi, thở yếu, đồng tử giãn…Nguyên nhân là ngay khi người bệnh có biểu hiện đột ngột liệt nửa người, không nói được, người nhà đã cho uống viên An cung ngưu hoàng. Vài ngày sau bệnh nhân kêu đau đầu dữ dội, nôn ói rồi hôn mê. Trước đó, một bệnh nhân nam 74 tuổi có tiền sử tăng huyết áp, tiểu đường, đột quỵ, phải nhập viện sau 15 ngày uống An cung ngưu hoàng hoàn. Bệnh nhân rơi vào hôn mê, rối loạn đông máu, chảy máu mũi, miệng… Sau khi bệnh nhân được chỉ định ngừng thuốc an cung ngưu hoàng hoàn thì hiện tượng chảy máu dừng lại.
Trong khi đó, trả lời Dòng Đời, bác sĩ Hoàng Văn Sầm - Chủ tịch Viện Y học Bản địa Việt Nam phân tích thêm: Dùng An Cung Hoàn rất kén người vì đây là thuốc dành cho điều trị xuất huyết não vì gan nóng. Tuy nhiên, xuất huyết não có thể xuất phát từ các nguyên nhân khác như thận âm kém, hỏa vượng; hoặc do tâm hỏa huyết nhiệt. Vì vậy, không phải cứ dùng là sẽ có tác dụng. Ngược lại, đây là thuốc có tác động rất mạnh nên khi uống không đúng sẽ gây hậu họa rất lớn.
Bán lén lút với giá cắt cổ trong bệnh viện
Theo các nguồn tin riêng, phóng viên đã có được số điện thoại của bác sĩ Trần Thị Tuyết Lan, hiện đang là Trưởng Khoa nội Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình. Trong vai một người đang có nhu cầu mua thần dược An Cung Hoàn vì lý do gia đình có người bị bệnh, tôi gọi cho bác sĩ Trần Thị Tuyết Lan vào một ngày trung tuần tháng 8, tôi trình bày: “Thưa chị, bố em có bị tai biến và từng điều trị tại Khoa Thần kinh Bệnh viện Đa khoa Thái Bình. Em được mọi người mách là mua thuốc An Cung Hoàn cho cụ uống thì sẽ đỡ rất nhiều. Họ có giới thiệu cho em số của chị nên em liên lạc với chị để mua vài viên”.
Sau khi nghe tôi trình bày, chỉ mất một thoáng ngập ngừng, bác sỹ Lan lập tức đồng ý và hẹn tôi cứ đến để lấy thuốc. Nếu chị ta ở bệnh viện thì vào gặp trong bệnh viện để lấy. Nếu đến mà chị ta ở ngoài hoặc ở nhà thì cứ ra chỗ có chị ta là sẽ lấy được hàng. Điều này chứng tỏ việc cung ứng hàng với vị bác sỹ này không hề khó nếu không muốn nói là mọi lúc, mọi nơi.
Theo lời hẹn, trưa ngày 27.8, tôi tìm tới địa chỉ với số nhà 723 đường Lý Bôn, TP. Thái Bình. Đây là nơi mà bác sỹ Lan nói là nhà riêng của mình. Quan sát, tôi thấy trước nhà có biển hiệu Phòng Khám Tuyết Lan khám chữa bệnh Tim Mạch - Nội Khoa. Khi tôi bước vào, bác sĩ Lan đã đợi tôi từ trước theo lời hẹn. Chỉ sau vài câu xã giao, vị bác sỹ này bắt đầu nói về thuốc An Cung hoàn: "Ở đây, chị có hai loại, loại thứ nhất có xuất xứ từ Trung Quốc với giá 7 triệu 1 hộp hình chữ nhật có màu vàng nhạt và loại thứ 2 có xuất xứ từ Hàn Quốc, hộp hình vuông với giá 3 triệu 300 nghìn. Cậu cứ cho người nhà dùng thuốc này, đảm bảo bệnh tình sẽ thuyên giảm luôn. Kể cả những lúc không bị sao cũng cứ cho uống để phòng. Thuốc này không có tác dụng phụ đâu, an tâm”.
Quan sát kỹ các hộp thuốc này, tôi thấy chúng chẳng khác mấy so với những hộp thuốc mà tôi đã thấy ở ngoài Móng Cái và bên Trung Quốc. Loại thứ nhất có xuất xứ từ Trung Quốc 1 hộp có hình chữ nhật có màu vàng viền đỏ bên ngoài vỏ hộp toàn chữ Trung Quốc và không có phụ đề tiếng Việt. Bên trong hộp to có 10 hộp nhỏ màu đỏ được dán tem và quanh hộp có tiếng Trung Quốc bên trong, viên thuốc có màu nâu, bé như viên bi, giá bán cả hộp có 10 viên là 7 triệu đồng, giá bán lẻ của 1 viên thuốc an cung hoàn là 800 nghìn. Loại thứ 2 có xuất xứ từ Hàn Quốc, hộp có hình vuông màu vàng, bên ngoài vỏ hộp có tiếng Hàn Quốc còn bên trong có 3 viên, bên ngoài được dán tem.
Tuy nhiên, qua so sánh thì có thể thấy 2 điểm khác căn bản giữa việc mua thuốc tại Móng Cái, hoặc Trung Quốc so với việc dò hỏi mua thuốc trong các bệnh viện hoặc từ các bác sỹ là việc mua thuốc tại các chợ vùng biên đơn giản và rẻ hơn nhiều. Việc mua trong bệnh viện từ bác sĩ thì kín đáo hơn nhưng giá cũng cắt cổ hơn.
Kịch độc
Ngày 26.8, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) Nguyễn Việt Hùng đã ký văn bản đề nghị Cục An toàn thực phẩm (ATTP) có biện pháp xử lý đối với thực phẩm chức năng (TPCN) An cung ngưu hoàng hoàn (Angungguhwanghwan) chứa hàm lượng kim loại độc quá cao.
Viện Kiểm nghiệm đã tiến hành lấy mẫu TPCN An cung ngưu hoàng hoàn tại showroom Hồng Sâm (đường Lạc Long Quân, Cầu Giấy, Hà Nội), do Korea General Manyon Health Corporation sản xuất. Kết quả phân tích cho thấy, mẫu TPCN trên có hàm lượng chì là 0,25 mg/gr, thủy ngân là 33,2 mg/gr và asen là 38,9 mg/gr.
Cục Quản lý dược nhận định: Căn cứ vào các quy định hiện hành về ngưỡng kim loại nặng ô nhiễm được chấp nhận đưa vào cơ thể qua đường thức ăn và liều dùng ghi trên nhãn sản phẩm thì lượng kim loại nặng như trên là quá lớn, gấp hàng nghìn lần ngưỡng an toàn cho phép, gây nguy hiểm cho sức khỏe.
Diệu Linh