Dân Việt

"Bài học" đổi mới từ Campuchia: 3/4 học sinh trượt đại học

03/09/2014 11:52 GMT+7
Gần 90 nghìn thí sinh Campuchia đã tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học, nhưng chỉ có 11 thí sinh đạt điểm loại A.

Các kỳ thi trước đây của Campuchia thường "sặc" mùi gian lận thì giờ đây đã được người dân nước này đánh giá là kỳ thi trong sạch nhất từ trước đến nay nhờ một chiến dịch chống gian lận trong thi cử của Bộ Giáo dục với việc triển khai thêm hàng ngàn giám thị để giám sát nghiêm ngặt các kỳ thi.

Theo kết quả của kỳ thi tuyển sinh đại học vừa được công bố, Chan Samnang, 18 tuổi đang ngày càng tiến gần tới cánh cổng trường đại học Luật mơ ước.

Mặc dù kết quả thi loại E của cô còn "xa" mới đạt tiêu chuẩn nhưng cũng đủ cho cô nộp đơn tới các trường đại học và vượt xa hầu hết những bạn đồng trang lứa.

img

 

Gần 90 nghìn thí sinh đã tham gia kỳ thi tuyển sinh vào ngày 4/8 và 5/8, nhưng chỉ có 11 thí sinh đạt điểm loại A, 219 thí sinh đạt điểm B, 907 người đạt điểm C, 907 thí sinh có điểm D và 20,157 thí sinh có điểm loại E – điểm thấp nhất. Còn lại toàn bộ thí sinh đều đã trượt.

So với năm 2013 - 87% thí sinh thi đỗ trong kỳ thi này - thì kết quả chính thức của Bộ Giáo dục được công bố cho thấy năm 2014 chỉ có 25,75% học sinh vượt qua được kỳ thi tuyển sinh vừa rồi. Kết quả này thậm chí còn thấp hơn so với chỉ tiêu 30% do Thủ tướng Hun Sen đặt ra trước đó.

Samnang cho biết: “Em đã cố gắng bởi vì biết rằng kỳ thi năm nay được tổ chức rất nghiêm ngặt.” Cô mỉm cười mãn nguyện sau khi xem kết quả kỳ thi tại trường Trung học Sisowath Phnom Penh.

“Em hài lòng với kết quả mình đạt được. Nhưng khi nghe tin rất nhiều người bạn trượt, em lại không thể vui được nữa.” – Samnang nói.

Tri Veng Seang, 18 tuổi, một trong 3 người bạn của Samnang đứng gần đó đang ngước nhìn cơn mưa phùn ảm đạm. Kết quả kỳ thi tuyển sinh của Seang rất kém nhưng cậu không đổ lỗi cho những cải cách của chính phủ. “Em không giận Chính phủ hay những cải cách vừa được thực hiện nhưng em tức giận với chính mình.” – cậu nói.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục Campuchia Hang Chuon Naron trả lời báo chí về việc thực hiện cải cách giáo dục cho biết: “Kết quả của kỳ thi tuyển sinh năm nay cho thấy các học sinh năm nay đã thành công, họ đã thành công vượt qua căn bệnh thành tích".

“Tuy nhiên, cũng có rất nhiều thách thức được đặt ra trong việc cải cách giáo dục. Trong vài năm tới, cải cách sẽ hướng tới khuyến khích học sinh học tập chăm chỉ hơn và tập trung vào cải cách sách giáo khoa, đổi mới chương trình dạy học và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên giảng dạy”.

Đồng thời, ông cũng bác bỏ nhưng lời chỉ trích từ một số học sinh cho rằng Chính phủ đã thực hiện cải cách giáo dục quá nhanh mà không có cảnh báo rõ ràng:

“Ngày 28/9 năm ngoái, Bộ đã công bố 8 điểm ưu tiên cho cải cách giáo dục, bao gồm siết chặt các quy định trong các kỳ thi, nâng cao nhận thức của học sinh trong thời gian thực hiện cải cách,… Năm ngoái, chúng tôi cũng đã tổ chức một buổi họp báo, nhưng nhiều học sinh lại coi thường những việc làm đó của chúng tôi”.

Tuy vậy, các học sinh đã trượt trong kỳ thi tuyển sinh đại học vừa qua vẫn có một cơ hội khác. Thủ tướng Hun Sen công bố sẽ có một đợt thi lại giống với kỳ thi tuyển sinh vừa qua vào ngày 13 và 14 tháng 10.

Ông Naron cho biết Bộ Giáo dục sẽ sớm đưa ra những bài kiểm tra thử miễn phí cho học sinh và tổ chức các lớp học cho những học sinh không đủ khả năng trả chi phí cho các lớp học thêm.

Trong khi đó, San Chey, điều phối viên giáo dục của tổ chức phi chính phủ ANSA-EAP nêu quan điểm: Năm tới, Chính phủ chỉ nên tổ chức một kỳ thi cho các học sinh trung học nhưng với đề thi ở mức độ dễ hơn và sẽ tổ chức một đợt kiểm tra đột xuất vào năm 2017.

“Nếu cứ tổ chức những đợt thi lại hay tái kiểm tra sau khi đã thắt chặt "đầu vào" đại học thì cải cách giáo dục sẽ chẳng thay đổi được bất cứ điều gì,” – San Chey nói.