Mẹ là biểu tượng của sinh thành, dạy dỗ, là công ơn mang nặng đẻ đau, nuôi nấng ta thành người. Phụ nữ châu Âu đến nước ta, ấn tượng sâu sắc nhất của họ là sự khổ cực của người mẹ.
Hình ảnh con bồ nông (pélican) trút mồi trong họng ra nuôi con trong bài thơ bất hủ của thi hào Victor Hugo có lẽ là biểu tượng phù hợp nhất với bà mẹ Việt Nam. Có nơi nào nghèo đói khổ cực hơn, chiến tranh tao loạn liên miên dai dẳng hơn đất nước này? Và người mẹ đã gánh chịu trên đôi vai gầy mọi tai ách của lịch sử.
Phải “múc bụng” mình ra nuôi con khôn lớn, gặp thời chiến thì năm lần bảy lượt tiễn con ra trận, dù bên này hay bên kia chiến tuyến thì cũng chỉ một mẹ mà thôi. Hòa bình, mẹ cũng chẳng sung sướng gì hơn khi đất nước vẫn nghèo, vẫn gian nan gồng mình lên để tồn tại và tự vệ trước những thế lực muốn tranh cướp, xâm lấn từ đất liền tới biển đảo.
“Mấy trăm năm thấp thoáng mộng bình yên”(Hoàng Cầm), an lạc, hòa bình chỉ là chốc lát trong cuộc đời ngắn ngủi của một con người là mẹ.
Tổ tiên, ông bà, cha mẹ và cả những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh thân mình để duy trì cuộc sống trường tồn cho con cháu, tuy không hình vô ảnh, nhưng luôn đồng hành cùng chúng ta. Mùa Vu Lan nhắc những ai còn lương tri, suy nghĩ lành mạnh, bất hiếu là tội lỗi nặng nhất của một con người. Không chỉ tưởng nhớ người đã khuất mà phải biết báo hiếu cả những đấng sinh thành đang sống với chúng ta.
Đạo hiếu chưa thành luật (dù cũng đã được thể hiện trong một số điều khoản của Luật Hôn nhân và Gia đình) nhưng đã là đạo luật bất thành văn của ngàn năm truyền thống. Có ai tin được những lời trung hiếu đầu lưỡi với ai đó của những kẻ bất hiếu với chính cha mẹ, ông bà mình?
Có thể nói đạo hiếu hay đạo làm con lâu đời nay là chất kết dính từng con người trong một gia đình và cũng là những viên gạch nền tảng của một xã hội lành mạnh. Nó chi phối một cách bí ẩn nhưng mạnh mẽ đời sống mọi mặt của xã hội Việt dù ở chế độ nào, kể cả thời dưới ách thuộc địa.
Các chùa phía Nam có lệ gắn lên ngực áo những phật tử một bông hồng trắng (với những người đã mất mẹ) và đỏ (với những người còn có mẹ) trong mùa Vu Lan. Bông hồng ấy tỏa hương sắc trên ngực mỗi người, một cách nhắc nhở đạo làm người suốt cuộc đời chứ không chỉ trong mùa Vu Lan.
Nguyễn Quang Thân