Ottosen là phóng viên ảnh tự do người Đan Mạch đến Syria từ đầu năm ngoái khi bạo lực tại đây đang leo thang. Gia đình của Ottosen rất lo lắng và hết sức ngăn cản con trai họ. Tuy nhiên, Ottosen vốn có máu liều lĩnh trong người và luôn khát khao chụp những tấm ảnh để đời giữa hai làn đạn hay trên một hố bom vẫn quyết ra đi.
Bị bắt cóc và những ngày trong tù
Điều đáng sợ nhất đã đến với nhiếp ảnh gia 25 tuổi này vào 17.5 năm ngoái khi anh đang đi lang thang trong một ngôi làng tại Syria và chụp cảnh hoang tàn với lũ trẻ chạy loạn. Trong lúc Ottosen đang giơ ống kính thì từ phía sau có 2 tiếng súng vang lên chát chúa. Hai tay súng đã bắn chỉ thiên dọa Ottosen. Anh giơ ống kính lên và gắng giải thích mình chỉ là phóng viên nhưng một gã cầm AK đã giật chiếc máy ảnh và đá anh một cái. Sau đó chúng ra hiệu anh lên một chiếc xe nhỏ rồi bịt mắt.
Ottosen cho biết: "18 người trong một căn phòng là quá chật chội nhưng trong hoàn cảnh đó, chúng tôi muốn càng nhiều càng tốt vì càng đông thì chúng tôi càng thấy đỡ sợ hãi... “.
Là một người thông minh, Ottosen trả lời theo cách tốt nhất như: “Cuộc chiến Trung Đông là do người Ả Rập bị áp bức” và “Phong trào Nhà nước Hồi giáo là tiếng nói chính nghĩa...”. Chúng hài lòng về những câu trả lời của Ottosen nhưng lại đưa ra yêu cầu: "Hãy cải đạo ngay hôm nay để chứng tỏ tình yêu với thế giới Hồi giáo". Ottosen nhanh trí trả lời: "Tôi cần có thời gian nghiên cứu để thật sự tin tưởng trước khi cải đạo một cách tự nguyện". Sau đó, chúng tống Ottosen trở lại phòng cũ.
Thật ra, việc hỏi cung như vậy nhằm để đánh giá xếp loại Ottosen đáng giá bao nhiêu trong việc đòi tống tiền. Một tuần sau, chúng gọi Ottosen lên và hỏi: "Anh có muốn được tự do không? Việc người phương Tây đến Trung Đông đáng phải giết một nghìn lần nhưng chúng tôi nhân danh Thượng đế nhân từ sẽ cho anh một con đường sống. Hãy nói với gia đình anh chuẩn bị 10 triệu USD để cứu lấy mạng anh". Khi Ottosen giải thích bằng tiếng Anh rằng: "Nhà tôi không thể lo nổi 1 triệu USD" thì bọn chúng nói: "Chính phủ của anh sẽ phải lo chuyện đó để cứu công dân mình".
Chúng còn nói rằng do Đan Mạch không dính líu nhiều đến cuộc chiến Trung Đông nên chúng mới lấy giá mềm như vậy chứ còn nếu là công dân Mỹ thì chúng đòi gấp 10 như trường hợp nhà báo Foley. Cuối cùng thì Ottosen cũng phải đọc những lời chúng viết sẵn và để chúng quay clip quăng lên mạng.
Sống để chờ chết
Sau khi quay clip, chúng để yên cho anh quay trở lại phòng biệt giam với lời đe dọa: Sau một năm mà không nhận được tiền thì sẽ hành quyết để trả thù cho người dân vô tội bị chết bởi bom đạn phương Tây. Cuộc sống của Ottosen, Foley và các tù nhân trong suốt một năm ở phòng biệt giam rất buồn tẻ và đơn điệu. Họ gắng giết thời gian bằng việc chơi cờ vua. Bàn cờ tất nhiên được vẽ trên nền gạch còn các quân cờ là bất cứ vật gì mà họ kiếm được trong phòng như cục phấn, nắp lon nước...
Cờ trở thành trò chơi duy nhất khiến mọi người trong phòng có thể chơi được vì họ bị cấm hát hò do bọn khủng bố sợ rằng tiếng hát có thể vang ra bên ngoài làm lộ tung tích. Từ một người gà mờ về cờ vua mà trong 1 năm bị giam cầm, Ottosen trở thành cao thủ về cờ vua vì ngày nào cũng chơi. Ngoài ra, mọi người còn kể cho nhau những câu chuyện về bản thân hay bàn tán những chủ đề liên quan đến thể thao, phim ảnh. Tất nhiên, họ không được bàn chuyện về chính trị tại Trung Đông vì có thể động chạm tới bọn khủng bố. Vui nhất là những lần chuyển ngục vì đó là cơ họi tốt để họ nhìn cảnh vật bên ngoài và tắm nắng một chút.
Về điều kiện ăn uống thì bọn khủng bố khá thoáng. Chúng cho tù nhân phương Tây ăn uống khá đủ vì sợ các con tin đau ốm và chết thì mất một khoản tiền lớn. Chỉ mỗi tháng Ramandan là hơi cực cho mọi người vì bọn khủng bố bắt các tù nhân phải ăn kiêng như người Hồi giáo, tức là chỉ được ăn sau khi mặt trời lặn.
Rồi thời gian địa ngục với Ottosen cũng kết thúc vào 20.6 khi anh được chúng thông báo thả tự do sau khi nhận được đủ tiền chuộc. Vui mừng vì thoát khỏi hang hùm nhưng Ottosen không khỏi chạnh lòng khi nhìn ánh mắt khao khát tự do của những người ở lại. Mọi người chúc mừng Ottosen và gửi anh những điều cần gửi gắm cho gia đình họ. Nhà báo Foley cũng gửi cho Ottosen một bức thư dài và hẹn khi nào được tự do sẽ tới Đan Mạch thăm anh.
Tuy nhiên, sau 2 tháng ra khỏi địa ngục, Ottosen nhận được tin dữ về Foley khi nhà báo này đã bị lũ man rợ hành quyết. “Cuối cùng thì ai cũng phải chết. Nhưng kinh khủng nhất là cảm giác của một con gà khi nhìn người ta mài dao chuẩn bị cắt tiết từng con trong bầy và rồi giết chính nó”, Ottosen bảo đó là lời mà Foley từng nói với anh khi trong ngục để mô tả về tâm trạng của mọi người trong thời gian bị giam cầm bởi bọn Hồi giáo cực đoan.