“Sao” World Cup cũng hóa… thường
Trước đây, “hàng ngoại” chỉ cần có thể hình, thể lực tốt là sẽ tìm được việc ở V.League với mức lương rất “ấm”. Sau một thời gian “làm quen”, những cái tên dần khẳng định được phẩm chất chuyên môn sẵn sàng làm mình làm mẩy, buộc ông chủ phải dốc hầu bao nếu không sẽ “đường ai nấy đi”. Tuy nhiên, từ năm ngoái tới năm nay, mọi chuyện đã khác xa. Ngoại binh phải đối mặt với vô vàn khó khăn cùng nhiều rủi ro nếu muốn tồn tại ở V.League.
Bỏ lại phía sau hào quang World Cup, Nastja Ceh (trái) cập bến V.League ở tuổi 35. Ảnh Minh Hoàng |
Lý do là khi V.League được biết tới nhiều hơn, các cầu thủ ngoại có chất lượng ở tuổi “xế chiều” cũng đua nhau tìm tới (tất nhiên là khi đã tham khảo nhiều nơi, nhưng cuối cùng không đâu bằng… V.League). Đương nhiên, những cầu thủ có chất lượng làng nhàng sẽ không có cơ hội cạnh tranh.
Ví dụ điển hình là trường hợp của tiền vệ 35 tuổi Nastja Ceh – người từng khoác áo đội tuyển Slovenia dự vòng chung kết World Cup 2002 (Nastja Ceh được vào sân trong khoảng 30 phút cuối trận gặp Nam Phi, Paraguay-PV) cập bến Thanh Hóa. Cỡ như Ceh nếu tới V.League sớm hơn mấy năm thì chắc chắn sẽ nhận được ít nhất 10.000 USD/tháng cùng số tiền lót tay 200.000-300.000 USD.
Nhưng lúc này, theo tìm hiểu của Dân Việt, Ceh chỉ nhận khoảng 5.000 USD/tháng ở Thanh Hóa, tiền lót tay cũng chỉ vài chục nghìn USD nhưng vẫn phải tận hiến tới những giọt mồ hôi cuối cùng trong vai trò “nhạc trưởng”.
Trao đổi với Dân Việt chiều 13.6, ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch CLB Thanh Hóa cho biết: “Trong hợp đồng chúng tôi cam kết không công bố lương của cầu thủ ngoại. Nhưng thời buổi này khó khăn lắm, lương của Ceh cũng thường thôi. Chúng tôi không đặt mục tiêu gì lớn lao cả, chỉ mong mỗi khi ra sân các cầu thủ ra sân thi đấu hết mình vì người hâm mộ”.
Đá hay cũng... loại
Ngoài Nastja Ceh, còn có một số tuyển thủ quốc gia châu Phi, châu Mỹ đang thi đấu V.League như bộ đôi tiền vệ Kizito, Moses của XMXT.Sài Gòn (Uganda), tiền đạo Kavin của SLNA (Jamaica), tiền đạo Plaza của SLNA (Trinidad & Tobago)...
Danh sách “dội bom” sau lượt đi V.League 2013 hầu hết đều là các ngoại binh. Dẫn đầu danh sách là Gonzalo (Hà Nội T&T, 11 bàn). Nhóm xếp sau có 5 cầu thủ ghi được 8 bàn gồm 4 ngoại binh: Samson (Hà Nội T&T), Abass (Thanh Hóa), Moussa (V.Ninh Bình), Antonio (V.Hải Phòng) và chân sút nội Lê Công Vinh (SLNA).
Một chi tiết nữa khiến các ngoại binh phải nỗ lực nhiều hơn là mùa giải năm nay mỗi đội bóng chỉ được đăng ký tối đa 3 “Tây”. Do việc thuê ngoại binh tốn kém hơn nhiều so với nội binh, lại dễ phải đối mặt với kiện cáo nếu có “vấn đề”, nên một số đội bóng đã chọn phương án ký hợp đồng ngắn hạn (3 tháng). Và khi ngoại binh không đạt yêu cầu hoặc đội bóng tìm được “hàng ngoại” tốt và rẻ hơn sẽ dễ dàng thay thế.
Điển hình là trường hợp chân sút Patiyo dù đã chơi không đến nỗi nào trong màu áo Thanh Hóa nhưng kết thúc lượt đi V.League 2013 vẫn bị “thải”. Thế chỗ Patiyo, Thanh Hóa đã đón về chân sút Danny (vừa chia tay SHB.Đà Nẵng sau khi kết thúc hợp đồng 3 tháng) để bổ sung vào danh sách thi đấu lượt về bắt đầu trở lại vào cuối tuần này.
Chính Minh