Dân Việt

Nếu còn ngược đãi mẹ, Hào Anh có thể bị phạt tù

Xuân Lực 04/09/2014 06:50 GMT+7
Trong trường hợp Nguyễn Hoàng Anh (tức Hào Anh) bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định ở Điều 57 Nghị định số: 167/2013/NĐ-CP và chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý hành chính mà tiếp tục vi phạm thì sẽ đủ yếu tố cấu thành tội phạm của "tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình", hình phạt cao nhất của tội này là 3 năm tù.

Trao đổi với PV Dân Việt, Luật sư: Trần Tuấn Anh, Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết: Qua những thông tin mà báo chí đã đưa, bước đầu có thể xác định được hành vi của Nguyễn Hoàng Anh (tức Hào Anh) đã vi phạm khoản 1, Điều 57 Nghị định số: 167/2013/NĐ-CP ngày 12.11.2013 của Chính Phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.

Cụ thể: "Điều 57. Hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ” quy định: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng với hành vi buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ.

Trong trường hợp Nguyễn Hoàng Anh bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định nêu trên và chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý hành chính mà tiếp tục vi phạm thì sẽ đủ yếu tố cấu thành tội phạm của "tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình", hình phạt cao nhất của tội này là 3 năm tù.

img

Hào Anh (bìa trái) vui mừng bên gia đình khi có nhà mới trước đó.

Luật sư Trần Tuấn Anh cho biết: Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình được quy định cụ thể tại Điều 151 Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 1999, cụ thể: "Điều 151. Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình.

Người nào ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm".

Như vậy, khách thể của tội phạm này chính là mối quan hệ gia đình được pháp luật bảo vệ. Quan hệ này không chỉ nằm trong những người có quan hệ huyết thống, vợ chồng (như ông, bà, cha, mẹ...) mà còn đối với cả những "người có công nuôi dưỡng mình".

Ngược đãi, hành hạ ông bà, cha mẹ, con, cháu, người có công nuôi dưỡng là hành vi đối xử tàn ác, như đánh đập và những hành động bạo lực khác một cách có hệ thống được lặp đi lặp lại nhiều lần.

Thông thường, hành vi hành hạ được lặp đi lặp lại và kéo dài vài ngày, vài tuần, thậm chí hàng tháng, hàng năm.

Hành vi này không chỉ gây đau đớn về thể xác mà còn gây đau khổ về tinh thần cho người bị hành hạ, nếu hành vi này có gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người bị hành hạ, thì cũng chỉ là thương tích nhẹ chưa tới mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo Điều 104 Bộ luật hình sự.

Các hành vi trên chỉ cấu thành tội phạm khi người có hành vi ngược đãi hoặc hành hạ "gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính" mà còn vi phạm.

Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm là trước đó đã có lần ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình đã bị xử phạt hành chính bằng một trong những hình thức xử phạt hành chính khác hoặc bằng một trong những hình thức xử lý hành chính khác theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản pháp luật có liên quan (ở đây là Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính Phủ) và chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý hành chính, nay lại có hành vi ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình.