Với điều kiện tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục đa dạng hơn và điều kiện kinh tế khá hơn so với các tỉnh khác, dân cư ở các TP trực thuộc trung ương có nhu cầu cao hơn về chất lượng dịch vụ công.
Dân TP lớn đòi hỏi cao, chính quyền chịu áp lực
Dân cư đô thị cũng có nhu cầu cao hơn đối với chính quyền đô thị. Có những người muốn được chủ động tham gia vào đời sống kinh tế, chính trị và xã hội. Có những người mong có được thông tin minh bạch hơn từ chính quyền địa phương để có thể ra quyết định việc đầu tư cho tương lai. Có những người lại mong muốn chính quyền giải trình mỗi khi đầu tư xây dựng một hạng mục hạ tầng nào đó. Và cũng có những người trông đợi cán bộ, công chức ở địa phương mình trung thực, liêm chính, không tham nhũng khi thực hiện chức trách cung ứng dịch vụ công…
Tất cả những mong đợi đó đang đặt chính quyền đô thị trước áp lực lớn trong việc đảm bảo để mọi người dân đều có điều kiện thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.
Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM và Cần Thơ đều phải đối mặt với những áp lực này. Hãy xem họ làm tốt đến đâu khi người dân, thông qua Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) đánh giá mức độ dân chủ ở cơ sở, mức độ công khai, minh bạch các chính sách kinh tế - xã hội, trách nhiệm giải trình và mức độ trong sạch của chính quyền địa phương.
Cả 5 TP đều được coi là các “đầu tàu” kinh tế-xã hội-văn hoá của một vùng. Đà Nẵng có quy mô dân số nhỏ nhất, với chỉ 1 triệu dân nhưng 87% là cư dân đô thị. TP.HCM đông dân nhất, với khoảng 8 triệu dân, trong đó hơn 80% là cư dân đô thị. Cần Thơ mới trở thành TP trực thuộc trung ương chưa lâu song cũng có đến 65% trong số 1,22 triệu dân là cư dân đô thị. Trong khi ở Hà Nội và Hải Phòng, dân cư thành thị chiếm chưa đến một nửa dân số.
Thành tích của các TP này trên các bảng xếp hạng về hiệu quả quản trị địa phương cũng khác nhau. Đà Nẵng luôn có vị trí cao trên cả bảng xếp hạng đánh giá của người dân (PAPI) hay doanh nghiệp (PCI). TP.HCM và Cần Thơ chỉ được đánh giá ở mức ‘tầm tâm bậc trung’ trong mắt người dân, nhưng lại được doanh nghiệp đánh giá cao. Hải Phòng được lòng doanh nghiệp nhưng chưa được lòng dân. Thủ đô Hà Nội ở cả hai bảng xếp hạng đều ở mức trung bình.
Chỉ cần nhìn vào bảng sau có thể thấy sự khác biệt về mức độ hiệu quả ở mỗi lĩnh vực được người dân đánh giá của mỗi TP qua ba năm từ 2011-2013 theo kết quả Chỉ số PAPI:
Về sự tham gia của người dân vào đời sống chính trị ở cấp cơ sở, chỉ có Hà Nội và Cần Thơ được đánh giá khá và tốt. Người dân ở Cần Thơ khá chủ động đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử QH và HĐND năm 2011. Khá nhiều người dân Hà Nội tự nguyện nộp các khoản đóng góp cho các công trình công cộng tại địa phương. Ở TP.HCM, người dân tham gia đóng góp tự nguyện cho các công trình công cộng còn khá ít.
Theo kết quả Chỉ số PAPI, công khai, minh bạch trong quản lý đất đai vẫn là kém nhất trong ba nội dung ở cả 5 TP. Ở Hà Nội, chỉ có khoảng 1/3 số người được hỏi biết đến các bản quy hoạch/kế hoạch sử dụng đất, và chưa đến 1/5 nói đã tham gia đóng góp ý kiến cho kế hoạch sử dụng đất ở địa phương. Cả hai tỉ lệ này ở 4 TP còn lại đều thấp hơn so với Hà Nội.
Có khoảng 1/3 số người được hỏi ở Hà Nội cho biết giá đền bù giải phóng mặt bằng xấp xỉ giá thị trường, trong khi ở Đà Nẵng và TP.HCM, không ai cho là như vậy. Có lẽ vì thế mà khiếu kiện liên quan đến đất đai chiếm đến 70% số khiếu kiện theo cơ quan có thẩm quyền trong thời gian qua.
Về mức độ và hiệu quả tương tác với người dân, Đà Nẵng ghi điểm cao hơn nhờ việc lãnh đạo chính quyền thường xuyên tiếp xúc với người dân.
Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công ở Hà Nội và Hải Phòng chưa được người dân đánh giá cao, trong khi chính quyền TP Cần Thơ dường như kiểm soát tham nhũng hiệu quả hơn so với 4 TP còn lại.
Ví dụ, theo đánh giá của người dân, để xin việc vào làm trong cơ quan nhà nước ở Hà Nội và Hải Phòng vẫn cần quen biết người có chức, có quyền. Người dân Hải Phòng cũng cho rằng tham nhũng trong lĩnh vực y tế và giáo dục chưa được kiểm soát hiệu quả. Chính quyền và người dân Hà Nội, Hải Phòng chưa quyết tâm ngăn ngừa tham nhũng mạnh mẽ như ở 3 TP còn lại.
Phát hiện nghiên cứu PAPI cho thấy việc phòng chống tham nhũng ở Hà Nội và Hải Phòng đang có những hạn chế. Khoảng một nửa số người dân được hỏi cho biết họ phải bôi trơn khi đi làm thủ tục liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, khi đi khám, chữa bệnh ở bệnh viện tuyến huyện/quận, hay khi xin việc vào khu vực công. Nếu ở Hải Phòng, giá trị trung bình chi phí không chính thức để làm xong sổ đỏ là khoảng 1,4 triệu đồng, thì ở Hà Nội, chi phí đó gần gấp đôi.
Đáng chú ý là ở cả 5 TP, chỉ khoảng một nửa số người được hỏi biết đến Luật Phòng chống, tham nhũng cũng như cho rằng các lãnh đạo địa phương đã nghiêm túc trong xử lý các vụ việc tham nhũng ở địa phương.
Với người dân Cần Thơ, nếu bị cán bộ "vòi vĩnh" đến khoảng 4 triệu đồng, họ có thể cân nhắc việc tố giác hành vi đòi hối lộ. Còn với người dân Hà Nội, số tiền bị "vòi vĩnh" phải lớn đến gần gấp 3 lần số đó thì khả năng chịu đựng mới tới giới hạn. Tuy nhiên, chỉ có một số ít người ở Hà Nội cho biết đã tố giác hành vi vòi vĩnh đó, còn người dân ở 4 TP còn lại thì không tố giác.
Nhìn chung, trong số 5 TP trực thuộc trung ương, Đà Nẵng vượt trội về điểm số ở nội dung công khai, minh bạch, và Cần Thơ có thứ hạng cao ở nội dung kiểm soát tham nhũng trong khu vực công.
Hà Nội cần theo kịp TP.HCM trong hiệu quả kiểm soát tham nhũng. TP.HCM cần học hỏi Hà Nội về trách nhiệm giải trình với người dân. Hải Phòng cũng có nhiều điểm có thể học hỏi từ Đà Nẵng và Cần Thơ.
Đối mặt với những thách thức khác nhau trong quản trị đô thị, song cả 5 TP đều cần nỗ lực hơn để xứng đáng với vai trò “đầu tàu” của mình.
(lược dịch từ bài viết của Đỗ Thanh Huyền, UNDP Việt Nam, đăng trên tạp chí Vietnam Law and Legal Forum)