Dân Việt

CẢNH BÁO: Bọ xít đen hại lúa

04/09/2014 14:55 GMT+7
Bọ xít đen (Black rice bug) là loại dịch hại ít quan trọng ở Việt Nam. Theo ghi nhận, bọ xít đen đơi khi xuất hiện và gây hại trong vụ HT vào giai đoạn lúa đẻ nhánh đến làm đòng. 

img

Bọ xít đen có tên khoa học: Scotinophora sp, thuộc bộ Hemiptera, họ Pentatomidae.

Thiệt hại

Ở Việt Nam, bọ xít đen là dịch hại tương đối ít phổ biến và ít gây hại quan trọng, có thể do vậy mà ít có báo cáo khoa học về dịch hại này. Ở miền Bắc, bọ xít thấy xuất hiện ở các vùng bán sơn địa như Thái Nguyên, Tuyên Quang, Cao Bằng, Hòa Bình, Điện Biên…

Ngược lại, ở miền Nam bọ xít xuất hiện và gây hại gần vùng đầm lầy Đồng Tháp Mười như Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, nhưng mật số nhìn chung tương đối thấp và ít gây hại cho lúa.

Theo ghi nhận bọ xít đen ít khi xuất hiện trong vụ ĐX (từ tháng 11 đến tháng 3), nhưng phổ biến hơn trong vụ HT (tháng 4 đến tháng 8) do thời tiết nóng, ẩm, mưa nắng xen kẽ. Bọ xít đen thường gây hại trong giai đoạn từ đẻ nhánh đến làm đòng, trổ (hiếm).

Ruộng khô hạn bọ xít gây hại nặng hơn ruộng có nước, ruộng sạ dầy bị hại nặng hơn ruộng sạ thưa, giống dài ngày bị hại nặng hơn giống ngắn ngày. Ngoài lúa, bọ xít đen còn ghi nhận gây hại trên bắp, cỏ dại như lác hến (Scirpus grossus, L), cỏ mồm mỡ (Hymenachne acutigluma, Gilliand).

Đặc điểm sinh học

Tại Việt Nam, theo chuyên gia BVTV Nguyễn Mạnh Chinh, vòng đời bọ xít đen trung bình 50 - 60 ngày, trong đó giai đoạn trứng từ 4 - 7 ngày, bọ non 40 - 45 ngày, trưởng thành đến đẻ trứng 10 - 15 ngày. Mỗi con cái đẻ khoảng 200 trứng. Trứng được đẻ thành từng ổ 10 - 15 trứng, xếp thành hàng dọc theo gân lá gần mặt nước.

Ấu trùng mới nở có màu đỏ nâu, dạng giống trưởng thành, không cánh, trên lưng có những chấm đen. Ấu trùng khi nở thành từng đàn, di chuyển xuống gốc lúa, ban đêm bọ xít có khuynh hướng di chuyển lên trên.

Bọ xít có 5 tuổi, trưởng thành có màu đen, dạng lục giác, dài khoảng 7 - 8 mm, hai bên đốt ngực có gai nhọn. Bọ xít non và trưởng thành đều gây hại bằng cách chích hút nhựa làm lúa vàng, héo, cây thấp lùn, đẻ nhánh kém, trổ bông kém, hạt bị lép, lửng, nếu mật số cao có thể gây cháy cục bộ như ghi nhận ở Tiền Giang và Long An khoảng năm 1999 - 2000. Trưởng thành thích ánh sáng đèn.

Trong điều kiện ruộng khô hay mùa đông, bọ trưởng thành trú ẩn trong các khe nứt trong đất hay các bờ cỏ ven ruộng lúa, khi gặp điều kiện thích hợp sẽ di chuyển đến ruộng lúa và gây hại.