Có đến 7 đại biểu đặt ra những câu hỏi liên quan đến ngành du lịch khiến Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh khá bối rối. Ông không đi vào trọng tâm từng câu hỏi mà chỉ tập trung cung cấp những số liệu chung của ngành và giới thiệu những chiến lược lớn.
Chẳng hạn Bộ trưởng cho biết: “Cụ thể, trong suốt những năm qua, du lịch đã đóng góp nhiều cho nền kinh tế, ở thời điểm năm 1995, du lịch đóng góp 3,21% cho GDP, đến năm 2012 là gần 6%, giải quyết 1,4 triệu việc làm, chiếm 5% trong tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài..”.
Đi sâu vào nhóm những giải pháp để giải quyết những bất cập của ngành hiện nay, Bộ trưởng nêu lên nhóm 7 giải pháp cấp bách trong đó có việc xem xét lại chuỗi dịch vụ sản phẩm du lịch hoàn thiện đến đâu, đào tạo chuyên nghiệp tất cả các nghề bàn, bar, buồng.... Về việc du lịch các nước trong khu vực phát triển hơn Việt Nam, ông Tuấn Anh cho biết: “Khách sạn các nước nhiều hơn, đội bay quốc gia các nước hùng hậu hàng trăm chiếc máy bay với hàng trăm điểm đến, còn ở ta mọi thứ đều hạn chế”.
Họa sĩ Đỗ Đức (Hà Nội): Chỉ khoe là chính
Theo dõi phiên trả lời chất vấn, tôi thấy Bộ trưởng chỉ khoe thành tích là chính, mà lại khoe chưa tới nơi tới chốn, các giải pháp đưa ra thì toàn là chỉ thị, nghị quyết, thông tư, những thứ đó rất xa với thực tế cuộc sống. Ngay cả dẫn chứng về chuyện ông Bộ trưởng nước Anh khen ngợi Hà Nội, Bộ trưởng lấy đó để làm một tín hiệu tích cực về du lịch tôi cũng thấy không thuyết phục, có ai đến mà lại nỡ chê trách chủ nhà, nhất là trên phương diện ngoại giao. Về góc độ một cử tri, chúng tôi cần những giải pháp cụ thể hơn, không thể nói chung chung như vậy được.
Mai An (ghi)
Rồi tiếp đó, Bộ trưởng sa đà vào mô tả các đường bay trong nước khiến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phải lên tiếng nhắc nhở: “Xin Bộ trưởng nói ngắn gọn thôi, mô tả đường bay thì dài lắm. Yêu cầu Bộ trưởng tập trung vào vấn đề, năm 2020 liệu du lịch Việt Nam có phát triển ngang tầm với khu vực được không, các nước họ không có nhiều tiềm năng như mình sao họ vượt mình xa thế?”.
Trước câu hỏi có tính truy vấn này, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết: “Đến năm 2020, du lịch Việt Nam dự kiến đón từ 10--10,5 triệu lượt khách, doanh thu từ 18-20 tỷ USD. Tiềm năng của chúng ta thì rất lớn nhưng để biến thành hiện thực thì phải có sự chung tay giúp đỡ của tất cả các cấp các ngành. Nói chung chúng ta phải liệu cơm gắp mắm, cứ tuyên bố mà không làm được thì không hay, chỉ nên nói những gì trong khả năng cho phép”. Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng lại truy tiếp: “Vậy là đến 2020, chúng ta vẫn chưa thể vươn lên tầm khu vực đúng không?”. Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh thừa nhận: “Nên liệu cơm gắp mắm, làm được thì làm chứ không nên đặt chỉ tiêu quá cao”.
Về thắc mắc, việc thiếu các tác phẩm đỉnh cao trong nghệ thuật, nghệ sĩ chạy theo thị hiếu tầm thường không hướng khán giả đến chân thiện mỹ của đại biểu Nguyễn Trung Thu (Long An), Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho rằng: “Tiềm lực của đội ngũ sáng tác, nghiên cứu lý luận phê bình còn yếu, chính sách cho lực lượng này chưa tốt, trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn sân khấu, điện ảnh thì nghệ thuật truyền thống còn gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, sau khi có Thông tư 844 về đấu thầu, đặt hàng các tác phẩm nghệ thuật, Bộ đã đặt hàng 3 tác phẩm điện ảnh về chống Pháp, chống Mỹ và phong trào học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Về câu hỏi của đại biểu Lê Đắc Lâm (Bình Thuận): “Trong nhiều lĩnh vực có tình trạng văn hóa, đạo đức xuống cấp, với tư cách người đứng đầu ngành văn hóa, Bộ trưởng thấy trách nhiệm của mình đến đâu?”. Ông Hoàng Tuấn Anh cho biết: “Đây là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, còn trách nhiệm của Bộ thì chúng tôi đang đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tại khu dân cư, tổ chức nhiều hoạt động văn hóa thể thao để xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh”.
Anh Nguyễn Quang Thạch- người sáng lập mô hình Tủ sách dòng họ: Có sự ngụy biện về văn hóa đọc
Theo dõi phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng trước câu hỏi về sự xuống cấp văn hóa đọc, về hệ thống thư viện, tôi thấy chúng ta cần nhìn nhận nghiêm túc để trả lời rằng liệu Việt Nam đã có văn hóa đọc hay chưa? Tôi khẳng định Việt Nam chưa bao giờ có văn hóa đọc bởi rằng cả ngàn năm dưới chế độ phong kiến, người biết chữ trở thành ông cử, ông nghè, ông cống chưa đến 5% dân số thì chưa thể có văn hóa đọc.
Từ 1945 đến nay, hơn 30 năm chiến tranh và nhiều thập niên đói kém, người biết chữ tăng lên nhưng hệ thống thư viện còn rất nghèo nàn thì lấy đâu ra 50% dân số trên cả nước coi việc đọc sách như là một thói quen hàng ngày? Rất sai nữa nếu Bộ trưởng quan niệm rằng trẻ em nói riêng và người dân không đọc sách là do nhiều loại hình giải trí khác chi phối.
Ở xã An Dục, Quỳnh Phụ, Thái Bình, mỗi năm mỗi học sinh cấp 2 đọc ít nhất 20 đầu sách từ khi có Tủ sách phụ huynh đặt trong lớp học. Để tình trạng đọc sách tồi tệ như hiện nay là do hàng chục năm nay, hệ thống thư viện cấp xã lẫn cấp trường học chết lâm sàng, chỉ là nơi chứa sách. Nếu chúng ta cứ tiếp tục câu chuyện rằng ngành thư viện sẽ thực hiện việc luân chuyển sách như là sự đối phó với dư luận xã hội thì việc đọc mãi vẫn kém.
Chỉ cần đầu tư khoảng 200 tỷ mua sách để làm tủ sách đến từng lớp học thì mỗi đứa trẻ sẽ đọc ít nhất 30 cuốn sách/năm. Chỉ cần đưa tiêu chí dòng họ khuyến học phải có 1 tủ sách, mỗi làng văn hóa có tủ sách với 300 đầu sách…thì mỗi người dân trên 18 tuổi ở nông thôn sẽ đọc ít nhất 3 cuốn sách/năm.
Lê Tâm