Trước đây làng Le ở tít trên núi, đói nghèo đeo đẳng. Cám cảnh với đói nghèo, lại muốn giúp làng, nhưng khổ nỗi khi đem chuyện xuống núi bàn với dân làng ai cũng bảo “hắn bị ấm đầu”. Không ngại khó, A Dói tự xuống núi, làm nhà, làm ruộng nước như người Kinh. Phải đến khi lúa, ngô đưa về thì người làng mới trố mắt nhìn.
Rồi người làng phục, theo A Dói về ở làng Le bây giờ. Hiện nay nhà nhà làm ruộng, trồng cao su, đi làm công nhân cao su (Công ty 78, Binh đoàn 15). Người Rơ Mâm ở làng Le đã thoát đói nghèo, làm giàu. Ban đầu, được Công ty 78 hỗ trợ cây giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, bón phân, già A Dói trồng 1ha cao su, thừa thắng xông lên, A Dói tiếp tục khai hoang, trồng thêm 4ha cao su nữa. Để lấy cái ăn, già trồng xen cây sắn và trồng cây lúa nước. Giờ đây, 5ha cao su của già A Dói đã cho dòng nhựa trắng đầu tiên. Với 3ha mì và 3,5ha lúa nước, cùng đàn heo đông đúc và 2 con trâu… tính sơ sơ mỗi năm A Dói thu về hơn 400 triệu đồng. “Trước đây, mình chỉ nghĩ mình và dân làng hết nghèo thôi. Giờ thì khác rồi, mình và dân làng Le đều biết, muốn no cái bụng thì biết học cái hay, cái tay phải làm việc”.
Từ thành công ban đầu của A Dói, bà con trong làng Le dần thay đổi nếp nghĩ và nếp làm. Nhiều người học cách làm của A Dói để phát triển kinh tế gia đình. A Dói không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trồng trọt, thậm chí hỗ trợ vốn liếng cho bà con thay đổi cuộc sống. Nhờ đó, nhiều hộ đã thoát nghèo, nhiều hộ khá giả, điển hình như hộ A Glong, Rơ Chăm H’len… Không biết từ bao giờ, già A Dói đã trở thành một “cây Kơ Nia” của làng Le. Tin tưởng già A Dói, dân làng nhất trí bầu ông làm thôn trưởng.