Dân Việt

Chuyện đời tướng cướp hạnh phúc vì được... công an bắt

05/09/2014 20:20 GMT+7
Sau khi gây án cướp tài sản, Phạm Minh Lương nhanh chân trốn chạy, suốt 15 năm biệt tích, mãi đến khi tiếp tục gây án tại Lào, hành tung của Lương mới bị phát giác. Ngày bị Công an tỉnh Quảng Nam di lý từ Lào về Việt Nam chịu án, Lương coi như một cơ hội để Lương, một kẻ trốn nã, nghiện ngập làm lại cuộc đời...
Tướng cướp “thỏ đế”

Phạm Minh Lương (SN 1966, còn gọi Lương “Sài Gòn”, ngụ xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) sinh ra trong gia đình có tới 7 anh chị em, năm 1984, cậu trai xứ Quảng khăn gói vào TP.HCM học đại học, mang bao hy vọng của cả dòng tộc. Thế nhưng, nơi đô hội phồn hoa, bị đám bạn ăn chơi rủ rê, trong 2 năm tiếng theo học, nhưng thực chất Lương dùng tiền gia đình gửi cho chỉ để lao vào các cuộc nhậu nhẹt thâu đêm, kết băng nhóm đi gây hấn, đánh đấm. Sau khi tậu được vài món “hàng nóng”, Lương bỏ để về miền Trung.

img

Phạm Minh  Lương thời điểm bị di lý từ Lào về Việt Nam trả án. Ảnh: Công an tỉnh Quảng Nam

Theo hồ sơ lưu trữ của Công an tỉnh Quảng Nam, do Lương luôn “nhái giọng” TP.HCM nên được đám đàn em đặt cho biệt danh “Lương Sài Gòn”. Trong 6 năm ở quê nhà, Lương luôn có tên trong danh sách bị quản chế ở địa phương, do lực lượng chức năng chưa đủ bằng chứng nên mới chưa bắt.

Cho đến một đêm cuối tháng 7.1993, Lương tìm đến nhà văn hóa thể thao Tam Kỳ (Quảng Nam) để xem xiếc rồi gây án. Tại đây, Lương rủ thêm Hoàng Văn Đức (SN 1965, ngụ Núi Thành, Quảng Nam) uống rượu. Trong lúc say lại không có tiền tiêu khiển, cả hai liền rủ nhau đi cướp.

Trước khi rời quán nhậu, Đức lấy trộm một con dao làm hung khí. Sau 5 lần 7 lượt rình mò các sòng bài của cánh xe ôm vẫn không kiếm chác được gì, Lương lại rủ Đức lang thang các ngả đường tìm “con mồi”.

Đường vắng và đi bộ nên đến mãi đến 3h30’ sáng hôm sau, Lương mới phát hiện có người đang đạp xe đi làm. Hai tên cướp lao ra chặn xe nạn nhân. Lương dùng dao khống chế, Đức soi đèn pin lục tìm tài sản và cướp được 140 ngàn đồng. Số tiền trên, hai tên cướp dùng trả tiền ăn sáng một phần, còn lại Lương giữ.

Nhận được trình báo từ bị hại, Công an TP.Tam Kỳ vào cuộc điều tra và nhanh chóng tóm gọn Đức, riêng Lương đã bỏ trốn. Sau này bị lực lượng truy nã bắt, Lương khai nhận, gây án xong, cả 2 chia tay, thân ai nấy lo. Lương vượt biên qua thủ đô Vientiane (Lào), đổi tên thành Lê Thương và xin vào làm công nhân cho các công trình xây dựng.

Nhờ hiểu biết, khôn khéo, Lương từ từ leo lên vị trí thầu công trình xây dựng rồi thầu sửa chữa máy cày, buôn bán ô tô cũ... Công việc thuận lợi, tiền kiếm được nhiều nhưng Lương vẫn không cảm thấy vui vẻ vì nỗi đau đáu quê nhà.

Không người thân, Lương tìm đến những mối tình để mua vui. Thế nhưng, khi đã thực sự yêu và mê muội một phụ nữ người Việt Nam qua Lào làm ăn, Lương lại bị phụ tình. Buồn thêm chuyện tình cảm, Lương bập vào ma túy, nghiện nặng lúc nào không hay.

Tiền làm ra không đủ nuôi “cái chết trắng”, túng bách, Lương còn thu mua, tiêu thụ xe máy gian, rồi theo bạn bè trộm cắp ô tô ở Lào đưa về Việt Nam tiêu thụ…

Đầu tháng 4.2006, Lương bị Công an Lào bắt giữ về hành vi trộm cắp tài sản. Gần 1 năm sau, Lương bị Tòa án Vientiane xử phạt 3 năm tù giam, thi hành án tại Trại giam Phôn Toong thuộc Cục Cảnh sát quản lý trại giam Bộ An ninh Lào.

Lúc này, song song quá trình Lương chịu án, đại diện Bộ Công an Việt Nam tại Lào cũng có công văn đề nghị kiểm tra nhân thân lai lịch của đối tượng Lê Thương. Qua tra cứu, Công an tỉnh Quảng Nam xác định Lê Thương chính là Phạm Minh Lương, kẻ đang bị truy nã về hành vi “Cướp tài sản” 15 năm về trước.

Hạnh phúc ngày… bị bắt

Từ thông tin trên, Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45, Công an tỉnh Quảng Nam) làm các thủ tục đưa Phạm Minh Lương về Việt Nam xét xử. Ngày 19.10.2008, Công an tỉnh Quảng Nam cử một đoàn công tác phối hợp với Cơ quan đại diện Bộ Công an Việt Nam tại Lào và Cục Điều tra, Bộ An ninh Lào dẫn độ Phạm Minh Lương về Việt Nam.

img

Anh Lương nay đã cai nghiện, chấp hành xong bản án.

Cuối tháng 10.2008, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Quảng Nam đã phục hồi điều tra vụ án hình sự. Với hành vi cướp, Lương bị tuyên phạt 36 tháng tù giam, đồng thời trả thêm thêm 10 tháng tù giam còn nợ ở Lào, nâng tổng hình phạt thành 46 tháng tù giam. Nhờ cải tạo tốt, Lương được giảm án 15 tháng. Năm 2010 anh đã ra tù.

Với Lương, bên cạnh “tật” cũng có lắm tài. Chưa được đào tạo qua trường lớp chuyên nghiệp, nhưng Lương đặc biệt có năng khiếu về hội họa, làm thơ, viết văn.

Không những thế, ngày trước ở địa phương, Lương vốn nổi tiếng bởi khả năng nói tiếng Anh, tiếng Hoa khá lưu loát và thông thạo võ thuật. Sau này khi sang Lào, Lương lại biết thêm tiếng Thái và tiếng Lào. Từ lợi thế đó, cộng với mối quan hệ rộng, chấp hành án xong, Lương sớm hòa nhập cộng đồng và xây dựng cuộc sống mới.

Đặc biệt, khi hành tung con trai bị Công an Quảng Nam phát giác và bắt đưa về, mẹ đối tượng đã đến Cơ quan điều tra cảm ơn rối rít vì đã giúp bà tìm lại được con trai. Ngay cả Lương cũng vậy, ra tù cho đến nay, cứ có dịp, anh đều tìm gặp các cán bộ, trinh sát trong đoàn công tác tham gia dẫn độ để nói lời cảm ơn chân thành.

“Vì nông nổi mà tôi đã rẽ cuộc đời đi sai hướng. Lúc nghiện ngập ngày một lún sâu, tôi từng nghĩ đời mình đã hết. Cũng may, thời điểm đó, các anh Công an Quảng Nam sang di lý về, tôi mới được cai nghiện, được ở bên gia đình và thành người như hôm nay”, anh trải lòng. Nói về con đường hoàn lương, Lương chia sẻ thêm, khi mãn hạn tù, biết anh đã cai nghiện thành công, bạn bè đều đến động viên, nhiều người còn đứng ra vay vốn giúp để Lương làm lại cuộc đời.

May mắn hơn, hiểu quá khứ của Lương, một phụ nữ địa phương vượt lên mọi lời dị nghị, đã thương yêu nhận lấy Lương làm chồng vào năm 2011. Hạnh phúc nhân lên khi cuối năm 2012, vợ chồng anh có thêm thành viên mới kháu khỉnh. Cuộc sống hiện tại, theo Lương, tuy chưa dư giả nhưng cũng tạm gọi đủ đầy. Đối với Lương, lúc này vợ con luôn được đặt lên trên hết, không viển vông, ảo mộng như xưa nữa.

Riêng về công việc mua bán cây cảnh, lâm sản của mình, Lương tự hào cho biết, ngoài giúp nuôi sống gia đình, nghề này còn cho anh biết được giá trị của đồng tiền chân chính. Lương kể, từng có một đại gia đến thăm vườn cây của Lương và nhầm lẫn cây sưa đỏ với loại huỳnh đàn rồi trả giá 1,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, anh cương quyết không bán, mà giải thích cho người này rõ.

“Tôi bây giờ đã khác, không thể kiếm mấy đồng tiền lừa dối đó được”, anh nói như một cách khẳng định con đường hoàn lương của mình.