Rùa bò về tiến độ
Hạn chế đầu tiên được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra là phần lớn các gói thầu xây lắp tại 7 tiểu dự án đều không đảm bảo tiến độ so với hợp đồng ban đầu và đều phải kéo dài thời gian thi công từ 1 - 3 năm. Đặc biệt, gói thầu số 4 đoạn qua trung tâm TP.Pleiku (do Sở GTVT Gia Lai làm chủ đầu tư) chậm tới 7 năm. Đây được nhận định là một trong những dự án “rùa” về tiến độ trong các dự án xây dựng hạ tầng của ngành GTVT quản lý.
Theo phân tích của Kiểm toán Nhà nước, nguyên nhân chậm tiến độ chủ yếu là do thời gian thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng chậm, không đáp ứng được tiến độ thi công, rồi thời tiết diễn biến phức tạp. Tuy vậy, nguyên nhân chủ quan theo đánh giá là do một số nhà thầu trong quá trình thi công không huy động máy móc, nhân lực thi công như yêu cầu trong hợp đồng, và năng lực tài chính yếu đã gây ảnh hưởng đến tiến độ.
Ngoài ra, khi khảo sát, lập dự án đã không phối hợp với địa phương khiến dự án phải điều chỉnh và bổ sung, như đoạn phía Bắc và phía Nam TP.Buôn Ma Thuột phải điều chỉnh mặt đường, tăng chi phí đầu tư lên hơn 23,6 tỷ đồng.
Theo một chuyên gia xây dựng, điều này thể hiện sự “nhẹ tay” của chủ đầu tư. Bởi, trong quá trình giám sát triển khai, chủ đầu tư đã không quyết liệt xử lý, thay thế một số nhà thầu năng lực tài chính yếu, không thực hiện theo cam kết hợp đồng mà vẫn để tồn tại kéo dài. “Chủ đầu tư cần làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của từng bên trong việc chậm tiến độ thực hiện hợp đồng để xử lý tài chính theo quy định” - đại diện Kiểm toán Nhà nước yêu cầu.
Khâu đấu thầu nhiều vấn đề
Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra những khiếm khuyết tại khâu lựa chọn nhà thầu thông qua việc chủ đầu tư và tổ chuyên gia đấu thầu đã mắc phải sai sót trong việc tính điểm, nhận xét các hồ sơ dự thầu. Thậm chí, chủ đầu tư là Sở GTVT Gia Lai còn chấp nhận cả các gói thầu có vi phạm tiêu chí loại bỏ (hồ sơ dự thầu của Công ty 508); thời gian xét thầu và thẩm định kết quả đấu thầu chậm so với quy định (gói thầu D3 đoạn qua TP.Pleiku). Một số đoạn giá dự toán sau khi điều chỉnh còn thấp hơn giá trúng thầu, điều này có thể làm ảnh hưởng tới kết quả lựa chọn nhà thầu…
Nhưng điểm “gợn nhất” trong công tác quản lý chất lượng các gói thầu là nhật ký thi công quá sơ sài, chưa đủ nội dung theo quy định; thiếu một số biên bản trong quá trình quản lý, như biên bản kiểm tra chất lượng, danh mục kiểm tra quy cách… Kiểm tra tại hiện trường cho thấy, một số hạng mục chưa đảm bảo theo thiết kế, chất lượng một số hạng mục có chỉ tiêu chưa đạt yêu cầu.
Kiểm toán Nhà nước đề nghị Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh xử lý tài chính hơn 4,6 tỷ đồng, trong đó thu hồi nộp ngân sách nhà nước hơn 600 triệu đồng, giảm thanh toán hơn 3,6 tỷ đồng… phối hợp cùng nhà thầu nước ngoài thực hiện nghĩa vụ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng vào ngân sách hơn 1,3 tỷ đồng. Ngoài ra, Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của từng bên trong việc chậm tiến độ thực hiện hợp đồng đê xử lý tài chính theo quy định.