Dân Việt

Sực nhớ làng

Nguyễn Quang Thân 31/01/2014 07:36 GMT+7
Còn gì sâu và xa hơn nỗi nhớ làng trong lòng người xa xứ như chú tôi hay lũ chúng tôi, những kẻ vẫn thường về làng mà không bao giờ còn nhìn thấy ngôi làng xưa, cái tổ chim ấm cúng…
Chú cháu tôi chung nhau một cái làng nhưng có hai kho tàng ký ức khác nhau. Vả lại, tất cả cũng đã thật sự trở thành kỷ niệm rồi.

Tôi có một ông chú, nếu còn sống thì cũng đã đến tuổi một trăm, rời quê hương ra Hà Nội học Trường Bưởi rồi sau đó tốt nghiệp kỹ sư nông nghiệp, cùng lớp với nhà thơ Huy Cận. Năm 1943 ông có về làng thăm nhà một lần. Sau 1975, ông sang Pháp. Cuối thập kỷ tám mươi thế kỷ trước, ông và bà về thăm quê được hai lần nữa. Và ông mất ở Paris vào năm đầu tiên thế kỷ 21, thọ 85 tuổi.

Tính ra trong chừng ấy năm hưởng dương, ông chỉ có khoảng 15 năm sống ở làng, khoảng còn lại bôn ba khắp Nam Trung Bắc và thế giới, ở lâu nhất là nước Pháp. Cuộc đời ông cũng không khác gì mấy đời chúng tôi và nhiều người khác trong làng, cứ 15, 18 là ra khỏi lũy tre, như bầy chim non đủ lông cánh, bay khắp bốn phương.

img

Chú thím tôi sống những ngày cuối cùng trong một căn hộ cũ, có thể gọi là cổ ở Paris. Cậu em họ tôi cho biết: “Những ngày ấy thật buồn. Ba em trở nên lặng lẽ, ít nói. Thay vì đọc sách, xem TV, ổng ngồi, chờ đợi một tiếng gõ cửa. Ba em chờ thư bên nhà, thư của các bà cô và của các anh chị…”.

Dạo đó email chưa phát triển, tôi thỉnh thoảng gửi thư qua bưu điện cho ông. Hầu như thư nào cũng phải chia sẻ những băn khoăn, ký ức, trả lời các câu hỏi. Ông luôn hỏi tôi về làng Xuân Trì, xóm Sắn với những hàng cây sắn xảm thuyền cổ thụ hàng trăm năm bên đường, những cái tên chỉ có người làng lứa tuổi tôi còn nhớ vì nó đã biến mất sau cách mạng tháng Tám và cải cách ruộng đất để nhận tên mới như Quyết Tâm hay Chiến Đấu gì đó.

Ông hỏi những câu chuyện bất ngờ. Cháu có biết cây sắn thứ ba kể từ cổng nhà ông bà mình đi về phía Rú Chuối còn không? Cây sắn này rất đặc biệt, có một cái chạc ba hình chữ Y, rộng và rất bằng phẳng, có thể kẹp hai chân vào rồi ngủ trưa một giấc ngon lành”. Hoặc, “Trời ơi, chú nhớ dãy lũy tre đoạn nhà ông Cửu H, tre ken dày như thành như lũy, đám tre đực chắc phải có vài trăm năm tuổi vì nó dày đặc đến nỗi không ai len dao vào mà chặt được, có chặt thì cũng không kéo ra được”. Hoặc, “cháu biết không, vào đầu tháng Tư, khi gió Nam (gió Lào) bắt đầu về hây hẩy, gió thổi nhẹ thôi nhưng làng ta thơm nức mùi hoa dại từ cánh rừng trên núi Chuối đưa sang”.

“Còn chuyện này nữa, không biết giờ đây người làng còn rủ nhau đi đập chồn. Mỗi người một cây sào, xua đàn chó vào bãi tha ma, chó đuổi đàn chồn bạc má, nhiều lúc có cả chồn hương ra khỏi hang, bọn chú lấy sào tre dài đuổi theo đập lia lịa ăn may, có buổi được năm sáu con nhưng nhiều lúc chỉ được một con, không biết chia nhau thế nào đành vất cho lũ chó…”. Cháu còn nhớ, cháu còn thấy, cháu còn… quả thật khó trả lời cho người hỏi khi chính ông biết rõ những chuyện ấy hơn cả tôi.

Ông không hỏi tôi về những biến cố long trời lở đất như những cơn bão liên tục quét qua quê hương trong cách mạng và chiến tranh. Ông hỏi mà thực ra là chẳng hỏi gì. Bởi vì đó chỉ còn là ký ức, những gì còn sống và còn ý nghĩa trong tim ông. Tôi cũng có ký ức của tôi, những gì tôi còn nhớ được về cái làng chung của chúng tôi chắc không có gì giống với điều ông nhớ. Chú cháu tôi chung nhau một cái làng nhưng có hai kho tàng ký ức khác nhau. Vả lại, tất cả cũng đã thật sự trở thành kỷ niệm rồi.

Còn đâu dãy cây sắn cổ thụ? Sau hàng chục năm phiêu bạt, trở về làng tôi ngơ ngác như kẻ lạc đường vì cả hàng sắn có đến vài trăm cây chỉ còn lại dăm cây. Người ta chặt để làm nhà kho hợp tác, làm cầu hay chẳng làm gì cả. Những con đường trồng cây lộc vừng cổ thụ không kém hàng sắn cũng đã biến mất. Dãy lộc vừng có số phận may mắn hơn vì chúng được lái buôn Hà Nội về bứng lên, cẩu lên xe tải lớn. Chúng thật sự đổi đời vì được sống trong những khuôn viên sang trọng, ra hoa ban phát tài lộc cho đám quan chức hay đại gia thế lực, lắm tiền nhiều của. Cũng chẳng còn đâu mùi hương hoa dại được gió Lào đầu mùa mang tới từ dãy núi Chuối vì núi không còn cây to và tất nhiên chẳng còn hoa dại. Và những con chồn bạc má, chúng biến mất từ lâu khi trong làng có không ít súng săn và đèn pin. Không cần đàn chó, người ta đi săn đêm chiếu đèn vào mắt những chú chồn ngơ ngác, đoàng, thế là hết.

Làng có thêm nhiều nhà ngói. Làng không còn cảnh bùn lầy nước đọng mà chằng chịt đường bê tông nông thôn. Làng không còn nông dân chết đói, cũng chẳng còn lắm người nghèo, ước mơ ngày xưa của thế hệ chú tôi đã thành sự thật dù bao năm khói lửa chiến tranh và những thể nghiệm vô bổ tàn phá. Nhưng làng vẫn y nguyên như không thay đổi trong ký ức con người.

Còn gì sâu và xa hơn nỗi nhớ làng trong lòng người xa xứ như chú tôi hay lũ chúng tôi, những kẻ vẫn thường về làng mà không bao giờ còn nhìn thấy ngôi làng xưa, cái tổ chim ấm cúng…

Ký ức là những gì còn lại, vô hình vô dạng nhưng khó mà xóa được! Và nỗi nhớ làng luôn trỗi dậy trong mỗi chúng ta, đậm nhạt tùy theo tuổi tác. Nhớ cả niềm vui lẫn nỗi đau. Nhớ tiếng chó sủa trăng suông mơ hồ từ thôn vắng. Nhớ mõ trâu gõ lách cách đều nhịp len qua lũy tre dày khi mẹ đang ngồi bên bếp nhóm lửa cho bữa cơm chiều, củi ướt, rơm ẩm, lửa không chịu bén mà chỉ có khói, trong khi ngoài đường làng đàn trâu đang về, tiếng mõ gấp gấp báo chiều đã muộn.

Nhớ những bóng người say mê đến điên dại đuổi theo một con diều dài ngang mấy gian nhà bị đứt dây quyết không cho mất vào tay nào đó làng bên trên cánh đồng đất ải trắng phau phau. Nhớ đám cưới chạy tang trong mùa lũ lụt, cô dâu theo chồng bỏ cuộc chơi ngồi cạnh đám phù dâu đang vui cho bạn mà buồn cho mình. Người đi người ở, hạnh phúc hay đau khổ đang chờ ai, thật vô định.

Ngổn ngang trăm mối, sao nói hết nỗi nhớ làng. Và Hàn Mạc Tử, chàng thi sĩ sinh ra là để khổ đau đã thâu tóm đại dương vào một giọt nước, gom nỗi nhớ làng vào mấy câu thơ tuyệt mỹ: Khách xa gặp lúc mùa xuân chín/ Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng/ Chị ấy năm nay còn gánh thóc/Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?