Dân Việt

Nếu có tài, xin đừng kêu ca

Nguyễn Quang A 08/09/2014 05:10 GMT+7
Ngày 6.9.2014 Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã gặp gỡ 20 giáo sư đầu ngành để lắng nghe ý kiến của họ. Đưa tin về sự kiện này, một số tờ báo tường thuật rằng: Các nhà khoa học hết lời phàn nàn về việc họ không được trọng dụng, ý kiến của họ không được coi trọng, họ không được phản biện thực sự…

Ý kiến của họ có xác đáng không? Tất nhiên là có. Nhưng cũng phải hỏi lại: Họ phản biện cho ai? Phản biện để làm gì? Nếu các nhà khoa học tự trả lời được vài câu hỏi trên, tôi tin họ sẽ không quá thắc mắc và thất vọng đến vậy và có thể có cách nhìn và hành động khác.

Những người hay kêu ca, phàn nàn rằng không được Nhà nước hay xã hội (doanh nghiệp, các trường, các tổ chức khác) trọng dụng, theo tôi, không phải là những người thực sự có tài.

Nếu họ là những người tài giỏi, thông minh thì họ phải khá hơn số đông người thường, cả trong việc tự chủ tìm cách phát huy sở trường của mình và hạn chế những tồn tại. Những người như vậy ít than vãn. Nếu có tài thật, hãy đừng kêu ca! Hãy tự thể hiện mình bằng các công trình, các bài viết, những ý kiến thực sự có chất lượng, có ích cho xã hội.

Xưa kia khi tất cả mọi người đều lệ thuộc vào Nhà nước và Nhà nước lơ là một chút là hỏng ngay thì có thể trách Nhà nước (và trách hoàn toàn đúng). Nay đã hết rồi cái thời Nhà nước lo mọi thứ. Người nhận là có tài hãy lo cho mình trước tiên. Nếu không lo nổi cho mình hay cho tổ chức của mình mà cứ đổ lỗi cho khách quan (Nhà nước không chú ý đến tầm quan trọng của ngành mình, không cấp đủ tiền nghiên cứu, không sử dụng kết quả…) thì chỉ chứng tỏ một điều: Hãy tìm công việc khác phù hợp với mình và đừng hão huyền về “khả năng” của mình nữa.

Cũng xin các vị đừng than vãn “bao giờ chúng tôi mới được phản biện thật?”. Hãy đừng xin phản biện nữa mà cứ phản biện đi. Nhưng không thể bắt ép người ta nghe và làm theo ý của mình vì nhỡ ý kiến của quý vị mà sai (mà điều này là thường tình), rồi người ta làm theo thì sao? Nếu thấy người ta chưa nghe ý kiến của mình thì hãy lên tiếng tiếp với những lập luận thuyết phục hơn và đừng nản chí. Chuyện người khác không làm theo ý kiến của mình phải được coi là rất bình thường.

Điều quan trọng nhất của sự phản biện là khơi dậy, nuôi dưỡng tinh thần phê phán, tranh luận, thảo luận chứ không phải là việc bắt người khác phải nghe và làm theo ý mình.

Phản biện là quyền và trách nhiệm của mỗi công dân. Với những nhà khoa học, cái quyền và trách nhiệm này càng lớn và nặng nề hơn vì các vị có kiến thức, tiếng nói của các vị có trọng lượng hơn trong xã hội. Vì thế các nhà khoa học đừng xin phản biện nữa! Hãy phản biện đi và phản biện thật, chứ đừng giả vờ phản biện!