Dân Việt

Nhớ điệu Páo dung ở xứ Tuyên

Vĩnh Minh 09/09/2014 11:23 GMT+7
“Hôm nay số may được gặp cô nàng, sợ cô nàng không đồng ý tâm sự với nhau, thì mai sau chỉ biết thương nhớ ở đằng sau thôi…” - ngay thuở còn thơ những đứa trẻ người Dao xứ Tuyên đã được đắm mình trong những làn điệu Páo dung giao duyên ngọt ngào, mê đắm của bản làng nằm chênh vênh bên núi. 

Trong tâm thức của bà con quê tôi, điệu Páo dung là khúc tâm tình vọng ra từ trái tim, mang bóng dáng của lao động sản xuất, từ nhu cầu đời sống tinh thần và tín ngưỡng có cội nguồn từ thuở ông cha khai sơn, phá thạch.

img Hát Pao dung - một nét văn hóa đặc sắc của người Dao. (Nguồn ảnh: Làng Việt)

Cộng đồng người Dao ở Tuyên Quang với 9 nhóm (ngành) từ Dao Quần chẹt, Dao Coóc mùn, Dao Coóc ngáng, Dao Quần trắng, Dao Ô gang đến Dao Đỏ, Dao Thanh y, Dao Tiền, Dao Áo dài thì ứng với mỗi nhóm, lối hát Páo dung có sự khác biệt trong âm hưởng của làn điệu nơi thì bè kéo dài, trầm ấm, nơi lại réo rắt bay bổng. Dù cho yếu tố địa lý, đặc điểm sinh hoạt có tạo ra vô vàn các làn điệu Páo dung khác nhau ở mỗi địa phương, song những bài hát đều có chung nội dung thống nhất là đề cao tinh thần lao động sáng tạo, lẽ sống, phép ứng xử, ca ngợi tình yêu đôi lứa. Nét độc đáo trong hát Páo dung giao duyên là lời ca được ứng khẩu ngay tại chỗ, thể hiện trình độ tư duy, tài năng ứng biến của từng người hát.

Ở quê tôi, hầu như bản làng nào cũng có phường, hội Páo dung khoảng chục thành viên do một bà trùm hoặc ông dẫn là người khéo léo, có kinh nghiệm về nghề nghiệp, giỏi về ca từ, có kiến thức về chữ Nôm - Dao dẫn dắt. Ngoài trùm Páo dung cao tuổi còn lại các thành viên khác trong phường, hội đều là sơn nam, sơn nữ, tuổi độ trăng tròn, hăng say luyện tập trước mùa hội mở. Hội ở xứ này dài suốt mùa xuân và những giai điệu Páo dung khi ấy có khi ngân nga cả tháng khắp trong bản, ngoài non.

Ngày hội mở rộn rã núi rừng, sơn nam, sơn nữ người Dao sau khi được trùm Páo dung tập hợp hội ý sẽ diện trang phục truyền thống rực rỡ để cùng nhau đi hát từ bản nọ sang bản kia, ngày này qua đêm khác. Cuộc hát say sưa khiến họ tưởng chừng như quên ngày, quên tháng, nên dẫu có tàn cuộc, chia tay, nhưng dường như giai điệu, âm hưởng Páo dung vẫn không hề kết thúc. Để rồi đến khoảng tháng 8, tháng 9 âm lịch năm kế tiếp, khi vụ mùa đã xong, lại vẫn những chàng trai, cô gái ấy dẫn thêm một vài các em lứa dưới muốn theo học, tiếp tục lời hẹn Páo dung độ xuân. Ngay cả những người có gia đình rồi cũng đi “dung” với nhau như để cùng sẻ chia bao nỗi niềm trong cuộc sống.

Chẳng thế mà ngay cả hiện nay, khi nhịp sống hối hả của thành thị đã ảnh hưởng không nhỏ đến các bản làng của người Dao xứ Tuyên thì trong lao động sản xuất, hay trong các đám cưới, bà con vẫn thường xuyên tổ chức những canh hát Páo dung với ý nghĩa để làn điệu dân ca truyền thống của cộng đồng mình được lưu truyền bền vững trong đời sống cộng đồng, để lớp trẻ luôn nhớ, ý thức được trách nhiệm bản thân trong việc gìn giữ các giá trị văn hóa phi vật thể của cha ông để lại.

“Những làn điệu Páo dung chứa đựng sâu nặng chất trữ tình đằm thắm, mượt mà, nét tươi sáng và giản dị của tâm hồn người Dao ta. Páo dung có giá trị giáo dục để con trẻ hiểu biết thêm về cội nguồn dân tộc, quê hương mình, biết gìn giữ và phát huy những nét đẹp, nết nhân văn trong mối quan hệ giữa gia đình, họ hàng, anh em, tình yêu đôi lứa và trong lao động sản xuất… Ta tin, Páo dung sẽ còn sống mãi với thời gian, đại ngàn...” - Nghệ nhân Phàn Phú Văn, người cao tuổi nhất bản Thuốc Hạ, Tân Thành (huyện Hàm Yên) quê tôi bảo vậy.