Dân Việt

Nghệ sĩ Giang “Còi“: Cầm tay cô nào đó hay tiến sâu hơn có thể day dứt cả đời

12/09/2014 07:04 GMT+7
"Tôi là một nghệ sĩ và cũng đa tình. Nhưng mà tôi bị một cái là day dứt, chẳng hạn như cầm tay cô nào đó hay là mình tiến sâu hơn nữa thì cảm giác day dứt đó sẽ theo tôi rất lâu, có thể suốt đời", nghệ sĩ Giang Còi tâm sự.
Tôi không để con thiếu thốn điều gì

Lâu rồi khán giả không thấy anh xuất hiện trên ti vi cũng như trên sân khấu, không biết cuộc sống hiện tại của anh thế nào?

- Sáng 5 giờ tôi dậy thả gà, rồi thả chó, lấy thức ăn trong tủ lạnh ra nấu cháo cho chó. Riêng việc dắt chó chỉ mình tôi làm được vì đàn chó khá dữ. Xong đâu đó tôi ăn sáng, thường thì hay ngồi ăn sáng tại nhà với mấy ông bạn nghỉ hưu hay mấy người xung quanh nhà. Nếu không đi làm thì tôi ở nhà viết kịch bản phim. Chiều rảnh rỗi thì làm cây cỏ trong nhà, hoặc là đi nhậu với bạn ở nhà hoặc ở ngoài. Chỉ đơn giản vậy thôi! (cười).

img 

Kể từ khi lấy vợ trẻ và sinh con trai, dường như anh ít xuất hiện trên báo chí hơn?

- Thực sự tôi không muốn lên báo kể nhiều về gia đình quá. Bản thân tôi trước kia gia đình cũng không được êm ấm như người khác nên cũng ngại!

Chia sẻ
img
Nghệ sĩ Giang "còi"  
  Tôi không phải là kiểu ăn bánh trả tiền, hoặc là vào quán karaoke, thấy cô em thì bảo “em ơi vào đây ngồi”, rồi cầm tay, sờ đùi, sờ ngực để lát nữa cho 100-200 ngàn rồi xong. Tôi không làm được như thế. Tôi hay bị day dứt ba cái chuyện vớ vẩn như vậy. Bạn bè toàn chửi tôi là thằng dở hơi…  
Kỵ nói chuyện vợ con nhưng cũng thấy anh hiếm khi nhắc tới cha mẹ hay tuổi niên thiếu của mình?


- Cha tôi là bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc. Khi tôi 3 tuổi, chị em tôi phải đi sơ tán. Bây giờ hỏi tôi nhớ nhất điều gì những ngày tháng ấy, tôi nói thật là nhớ nhất đậu phụ, sợ nhất phải ăn đậu phụ và sợ ghẻ. Đẻ ra trong chiến tranh thì chỉ có đào hầm, đội mũ rơm, tránh bom đạn, cơm độn, chấy rận (cười).

Khi hòa bình lập lại, ba tôi được điều về làm thủy đội Hải Phòng, ba tôi làm máy trưởng, lương hơn 150 đồng/ tháng. Ba tôi đi suốt, lâu lâu mới được về nhà nghỉ, đi về ông mua bao nhiêu đồ chơi về cho con, so với bọn bạn như vậy là sướng rồi nhưng mà tôi đâu cần những điều ấy, chơi đồ chơi cũng được 5,7 phút là chán rồi, cái mình cần là người bố!

Dường như việc cha anh đi suốt ám ảnh anh mạnh mẽ?

- Có những lúc cần có người cha nhưng cha tôi đi suốt (im lặng). Sau này tôi không bao giờ để con cái thiếu thốn cái gì, nhất là những cái ngày xưa mình không có, kể cả là mang tiếng chiều con nhưng tôi không sợ con hư. Bây giờ biết thế nào là hư, ngày xưa tôi như vậy còn chẳng hư thì thôi.

Tôi ở ngoài có thể rất cứng rắn nhưng dễ mủi lòng và cũng dễ khóc khi nghe một bài hát hay một bộ phim.

Theo anh, khó khăn nhất của người làm cha là gì?

- Cái khó nhất là không làm được mẹ được để cần thì tâm sự với con!

Có vẻ anh là người cha rất tâm lý?

- Cũng không tốt lắm đâu, con nó cũng bật lại  tôi choanh choách: “Bố ngày xưa thế chứ giờ bọn con đâu thế”, rồi đứa nọ nháy đứa kia bảo: “Ông già lại kể chuyện cổ tích rồi”. Nhiều lúc tin nhắn rác mình chịu, kêu: “Mày xem thế nào sao mà ngày 3 cái tin thế này, tao mất 45 nghìn một ngày đấy”. Thì chúng nó bảo đùa: “Đấy, bố giỏi bố làm đi”. Mình quát: “Nói thế nói làm gì, tao nuôi mày từng này đấy!”.

Nói như thế là để hiểu rằng con cái có thế mạnh của tuổi trẻ, già có thế mạnh của già, mình làm gì nghĩ gì, muốn dạy con thì cũng nên đặt mình vào hoàn cảnh và thế hệ của chúng nó mới hiểu được, nhưng cũng chỉ được một phần nào đó thôi.
img

 Cặp bài trùng Quang "tèo" & Giang "còi".

Tôi là người đa tình nhưng không "ăn bánh trả tiền"

Nghệ sĩ thì thường rất đào hoa và đa tình, bản thân anh dù qua một “lần đò”,“kém mã” nhưng vẫn lấy được vợ trẻ đẹp kém 20 tuổi. Vậy đứng trước“cái đẹp”, anh thường cư xử thế nào?

- Đã là nghệ sĩ phải lãng mạn, lãng mạn tràn bờ (cười). Người bình thường nhìn phụ nữ đẹp mình ngây ngất, cảnh đẹp mê hồn thì cũng ngây ngất, nhìn nghèo khổ còn rớt nước mắt. Nghệ sĩ tâm hồn dễ xao động hơn, cứ như dây đàn, khẽ búng là lên cả ngàn tiếng.

Tôi là một nghệ sĩ và cũng đa tình. Nhưng mà tôi bị một cái là day dứt, chẳng hạn như cầm tay cô nào đó hay là mình tiến sâu hơn nữa thì cảm giác day dứt đó sẽ theo tôi rất lâu, có thể suốt đời.

Tôi không phải là kiểu ăn bánh trả tiền, hoặc là vào quán karaoke, thấy cô em thì bảo “em ơi vào đây ngồi”, rồi cầm tay, sờ đùi, sờ ngực để lát nữa cho 100-200 ngàn rồi xong. Tôi không làm được như thế. Tôi hay bị day dứt ba cái chuyện vớ vẩn như vậy. Bạn bè toàn chửi tôi là thằng dở hơi…

Đối với cái đẹp thì không phải cứ cô nào đẹp là thích, còn xấu là tránh xa. Nếu tôi có thể gặp ai hơi xấu một tí, cười hơi lộ sỉ một tí, thấp một tí, gầy một tí nhưng mình tìm đến những cái duyên, đáng mến nhất.

Tôi thì cô xấu thì ở lại vì cô đẹp nhiều người ở lại rồi, cô xấu thì mới cô đơn cho nên mình đừng làm họ tủi thân nữa. Họ cô đơn thì cần tới mình, sao mình bỏ người ta. Người xấu hay rơi vào trạng thái tự kỉ, không ai săn đón, còn mình nếu xem người ta là bạn, cho người ta một lời khuyên biết đâu họ sẽ vui vẻ, tiếp tục sống ý nghĩa hơn. Tôi nghĩ điều đó là trách nhiệm của người nghệ sĩ, cái gì trách nhiệm tôi sẽ làm hết mình.

Rất nhiều người muốn gặp tôi và hỏi "anh có vợ chưa?", mình nói có rồi. Nếu mà gặp thôi thì ra quán bia, cà phê ngồi và nói chuyện. Tôi đa tình nhưng nghiêm túc.

Lúc nào anh cũng rất nghiêm khắc với hình tượng nghệ sĩ nổi tiếng của mình như vậy sao?

- Tôi không nhận mình là người nổi tiếng. Bạn hãy nhìn đi, bên cạnh chúng ta có rất nhiều người giỏi nhưng thầm lặng, có khi những đóng góp của họ mang tính nhân loại nhưng chỉ là họ không có cơ hội thường xuyên lên ti vi nhiều.

Bây giờ ra đường nổi tiếng đơn giản lắm nên cái từ nghệ sĩ cũng dễ dãi khi gọi. Ngày xưa làm Gặp nhau cuối tuần, tôi với Quang Tèo được bình chọn cho cái giải khán giả yêu quý nhất, đó là điều quý giá với nghệ sĩ. Nhưng bây giờ vài người làm chủ nhà hàng, vài người có mối quan hệ quen biết được diễn vài ba tiểu phẩm, có tiếng chút rồi tự vỗ ngực là danh hài, làm gì có, ai phong anh là danh hài, hãy để cho công chúng đánh giá mình.   
                                                               

img

Ngoài thú nuôi chó cảnh thì NS Giang còi còn có thú mê ô tô, đến nỗi bán nhà mua ô tô...

Từng nhận mình là kẻ dở hơi, vậy chính xác anh "dở hơi" như thế nào?


- Tôi từng có hai lời thề, một là không lên báo chí, thứ hai là không đóng quảng cáo nhưng mà lời thề thứ nhất bị phá, còn lời thề thứ hai tới giờ vẫn giữ được dù bạn bè cũng chửi tôi nhiều.

Đối với Giang còi tiền quan trọng, Giang còi cần tiền nhưng không phải làm tất cả vì tiền dù có nhiều lúc trong túi không một đồng. Bạn thấy đấy tôi rất hiếm khi nhận lời chạy sô diễn.

Ngoài thú nuôi chó cảnh thì tôi còn có thú mê ô tô, đến nỗi bán nhà mua ô tô, may có Đỗ Hồng Quân và Chiều Xuân cho mượn nhà ở 5, ngõ 29 Thụy Khuê – Hồ Tây ở nhờ. Ở đó 1 năm, mình thấy thằng đàn ông mà đi ở nhờ thì hèn quá. Sau đó tôi mới bật lại và mua cái trang trại này. Sau 10 năm giờ mênh mông bát ngát cây cối ăn quả, vật nuôi có đủ. Bây giờ tôi có hai cái ô tô, so với nhiều người thì chả là gì, nhưng ô tô đó là do xương máu mình làm ra bằng nghề và tích cóp, không ai cho, không xin ai, thế là hạnh phúc rồi, dù tiền nhà, xe mình cộng lại không bằng cái xe ô tô của người ta (cười).

Trong mắt bạn bè, Giang còi là người thế nào?

- Tôi sống thật với chính mình. Bạn bè nói: “Thằng ấy chơi được”, tôi chỉ cần thế thôi. Từ bé tới lớn, cho tới khi vào nghề, thì tôi “Phú Xuân đã trải, Đồng Nai đã từng”, với bạn bè thì vẫn hào phóng dù có lúc nghèo khổ, nhà tôi lúc nào cũng tấp nập khách khứa. Tôi có thói quen là ăn sáng, hay ăn cơm phải có bạn bè. Vì vậy tôi mới có cái tính xấu là hay thích nhậu với bạn bè, vui đâu chầu đấy (cười). Mình tốt với bạn bè nhưng đổi lại mình cũng được nhiều bạn bè tốt.

Xin cảm ơn anh!