Cây Lê ki ma rất dễ trồng, có thể mọc trên những vùng đất ở độ cao trên 1.000m so với mực nước biển. Một loại cây ăn quả cho vài trăm trái/năm, có thể dùng làm thức ăn khi thiếu hụt lương thực. Những năm mất mùa đói kém, bản thân nó cũng “hỗ trợ” được phần nào cái ăn cho con người, bởi “nhét cua thì lòi giam”, Lê ki ma lắm chất bột đường nên cũng no được khá lâu...
Cây trứng gà trong vườn nhà Ngoại
Cây trứng gà sai trĩu quả
Do có tính năng trị liệu với nhiều tác dụng diệu kỳ mà Lê ki ma trở nên một loại quả rất được ưa chuộng. Nó có tính khử độc cho cơ thể, khả năng chống lão hóa và tái tạo da, có giá trị dinh dưỡng cao và nguồn hydrat cacbon lớn, vitamin và khoáng chất dồi dào, giúp tăng cường khả năng miễn dịch. Trái cây có chứa nhiều beta-carotene, hàm lượng niacin vitamin B3, sắt và chất xơ và các nhóm vitamin B khác, rất cần thiết cho hoạt động của cơ thể, đặc biệt tinh dầu chiết xuất từ hạt lêkima còn có khả năng làm lành vết thương, giúp tăng tỷ lệ hồng cầu trong máu, kích thích hoạt động của hệ thần kinh, chống trầm cảm, giảm cholesterol và triglecirid trong máu, ngăn ngừa các bệnh tim mạch và béo phì và tăng lực rất tốt...
Lê ki ma có hương vị hấp dẫn nên trở thành nguyên liệu chính cho nhiều món tráng miệng, bánh, salad, kem lạnh, yaourt, nước cốt, thức uống... Lêkima còn được chế biến thành bột, có thể bảo quản lâu dài khoảng một năm. Nhưng cũng không nên ăn nhiều trái lêkima cùng một lúc vì nó có thể khiến bạn bị say.
Quả trứng gà
Ngày tôi còn thơ bé quả "trứng gà" gắn liền với rất nhiều ký ức tuổi thơ vô cùng hồn nhiên nơi miền thôn dã nghèo xơ nghèo xác, từ những trái trứng gà đơn sơ đó nó đã đong đầy ăm ắp trong tôi biết bao những kỷ niệm buồn vui cùng bè bạn đồng trang lứa với đủ thứ trò chơi trong khu vườn rợp bóng Lê ki ma, từ trò chơi thùy mị của con gái đến những trò nghịch ngợm của đứa con trai, để rồi khi lớn lên phải rời xa quê, lúc nào cũng đau đáu những kỷ niệm luôn đọng mãi trong tâm trí tôi... Loại trái này ở quê tôi nhiều lắm, rụng vàng cả gốc cây bọn trẻ con chúng tôi toàn đi lượm ăn hoặc trèo lên cây hái lúc quả bắt đầu vàng già rồi đem về “dú” chín ăn dần chứ đâu có ai bán ai mua gì !
Thấy trong làng nhà nào có cây trứng gà, là cả bọn rủ nhau vào nhặt trái rụng đầy gốc, nứt toe toét hoặc trèo lên cây hái trái chín xuống. Chủ nhà chẳng những không la mắng mà còn khuyến khích bọn trẻ lượm cho bằng hết kẻo phải mất công hốt dọn.
Hồi đó tụi con nít miền quê nghèo rất vô tư hồn nhiên và trong sáng, nhưng cũng nghịch ngợm phá phách lắm, ăn thì ít mà chủ yếu là bóc ra chọi nhau, trét lên mặt trên cổ nhau thì nhiều, đứa nào cũng cố ý làm cho bẩn hết cả lũ, để “kiếm cớ” rồi kéo nhau ra sông mà tắm táp nô đùa...
Ở các vùng thôn quê của cái xứ Phan Thiết quê tôi, trước đây cây này nhiều lắm nhưng rất ít ai ăn. Đa phần cây trứng gà mọc dại bên bờ dậu bờ rào rồi để vậy theo năm tháng lớn lên chứ có mấy ai trồng. Nếu có trồng chủ yếu để lấy bóng mát nhưng ai cũng rất ngại quét lá và hốt trái rụng. Mà hồi đó thôi, chứ giờ cũng không còn thấy mấy cây này nữa.
Thời gian cứ theo năm tháng lặng lẽ trôi đi, cuộc đời con người cũng ví như chiếc thuyền nan “dật dờ” trôi theo dòng nước, có lúc êm đềm, có lúc lại đầy sóng gió, dẫu cho phong ba bão táp nhưng trong tiềm thức vẫn mãi nhớ như in những ký ức của thời ấu thơ, lại càng không thể bào mòn những kỷ niệm về một thời niên thiếu, cứ mường tượng “diễn biến” trong trí nhớ theo từng thời điểm, từng giai đoạn khác nhau.
Tôi bây giờ đã là người của phố xá, như con thuyền đang lênh đênh trên biển đời bao la nhưng “có lẽ” cũng đã gần về tới bến đợi, thỉnh thoảng những cơn mưa đêm đi qua, thức giấc bật người dậy, bất chợt nước mắt chảy dài trong nỗi nhớ vườn quê xưa trong veo...