1. Suốt từ giữa tháng 10 năm ngoái tới nay, câu chuyện liên quan tới bản quyền truyền hình giải Ngoại hạng Anh (EPL) giai đoạn 2013-2016 diễn tiến cứ như… ma trận. Loanh quanh một hồi với các loại công văn, văn bản qua lại từ các nhà đài, Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPay TV), Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban điều hành đàm phán mua bản quyền EPL… đến nay, tất cả lại trở về vị trí xuất phát!
Các nhà đài, các doanh nghiệp đang đua nhau "móc túi" người dân thông qua EPL? |
Diễn biến mới nhất, Ban điều hành đàm phán gồm đại diện các đài VTC, AVG, Viettel, Truyền hình cáp TP.HCM, SCTV đã cùng ký vào văn bản sau cuộc họp ngày 10.6, gửi VNPay TV tái khẳng định các quan điểm đã rất… cũ: Không chấp nhận tình trạng độc quyền bản quyền phát sóng EPL tại Việt Nam dưới bất kỳ hình thức nào.
Công văn này khẳng định, các thành viên Ban điều hành đàm phán và các đơn vị hoạt động truyền hình khác không quan tâm tới gói bản quyền phát sóng EPL còn lại (gói gồm các trận không độc quyền ngày thứ 7, các trận ngày thứ 2 và một số trận trong tuần, tổng cộng hơn 250 trận cho mỗi mùa giải– PV). Cũng cần phải nhắc lại rằng Canal+ đã sở hữu 2 gói bản quyền quan trọng nhất là gói 1 và gói 2 và chuyển giao cho K+.
Công văn này cũng khẳng định, các thành viên Ban điều hành đàm phán và các đơn vị hoạt động truyền hình khác chỉ cân nhắc việc tham gia đàm phán, chia sẻ bản quyền phát sóng EPL tại lãnh thổ Việt Nam khi giá bản quyền phát sóng giai đoạn 2013-2016 cao hơn giá bản quyền phát sóng 3 mùa giải trước (19 triệu USD-PV) không quá 15%-20%.
Qua công văn, Ban điều hành đàm phán cũng yêu cầu VNPay TV có ý kiến với Bộ Thông tin và Truyền thông và VTV. Đại ý là yêu cầu VTV lưu ý việc phát sóng các chương trình thuộc EPL trên các kênh chương trình của VTV (trong đó có K+) đều do VTV quyết định.
VTV là đầu mối đàm phán mua bản quyền EPL theo đề xuất của VTV và đã được Bộ Thông tin - truyền thông đồng ý.
Trong trường hợp VTV không thống nhất được với IMG và ban tổ chức EPL, các thành viên ban điều hành đàm phán và các đơn vị hoạt động truyền hình trả tiền tại VN cùng thống nhất không phát sóng EPL 2013-2016 vì lợi ích lâu dài của người xem truyền hình VN.
Nhưng đáp lại, ông Nguyễn Thành Lương-Phó Tổng Giám đốc VTV, đã khẳng định trong trường hợp Canal+ chuyển giao độc quyền hai gói thứ bảy và chủ nhật cho K+ thì VTV cũng không can thiệp được vào việc K+ sẽ phát sóng EPL tại Việt Nam, dù VTV đang nắm 51% cổ phần tại K+.
“Việc can thiệp để K+ không được phát sóng EPL nếu Canal+ chuyển giao, không trong thẩm quyền của VTV, bởi hội đồng thành viên là người quyết định mua gì, phát gì... VTV là người kiểm soát nội dung nếu K+ vi phạm nhưng bóng đá thì có vi phạm gì đâu…”, ông Lương nói.
Chốt lại, thời gian tới, những ai muốn thỏa mãn niềm đam mê EPL thì gần như chỉ có cách mua đầu thu K+ (?!).
2. Chưa hết bực mình với chuyện gần như chắc chắn phải oằn lưng chịu phí để được thoải mái xem EPL, người hâm mộ Việt Nam tiếp tục lại “sốc” khi nghe tin mệnh giá vé thấp nhất để được xem trận giao hữu giữa tuyển Việt Nam và Arsenal thay vì là 400 nghìn đồng (vốn đã cao) sẽ tăng lên 700 nghìn đồng/vé.
Nguyên nhân dẫn tới việc tăng giá vé xem trận đấu này được ban tổ chức “đổ lỗi” cho Ban quản lý Khu Liên hợp thể thao (LHTT) Mỹ Đình khi đã “hét giá” phí thuê sân Mỹ Đình lên tới 1,5 tỷ đồng. Lãnh đạo Ban quản lý Khu LHTT Mỹ Đình thì cho rằng chắc chắn ban tổ chức trận đấu chắc chắn sẽ lãi đậm. Mà ban tổ chức đã có “cơm ăn”, thì phải chịu để cho phía Mỹ Đình “ngụm nước, cốc bia”!
Và màn “khẩu chiến” này có lẽ sẽ còn kéo dài tới tận… sát ngày diễn ra trận đấu Việt Nam – Arsenal (ngày 17.7-PV) khi phía ban tổ chức trận đấu cho rằng mục đích của họ hoàn toàn “trong sáng”, muốn mang một đội bóng tầm cỡ tới sân đáp ứng kỳ vọng của người hâm mộ. Và rằng chẳng có đồng lãi nào, thậm chí còn lỗ tới vài chục tỷ đồng (?!). Ban tổ chức trận đấu còn "dọa" sẽ chấp nhận chịu phạt để hủy hợp đồng, còn hơn chấp nhận phải chi tới 1,5 tỷ đồng trả phí thuê sân.
Ô hay, làm ăn biết lỗ cả chục tỷ đồng mà vẫn làm là sao? Mà nếu đã chấp nhận hy sinh, chấp nhận lỗ vài chục tỷ đồng vì người hâm mộ như vậy rồi, thì chi thêm chút đỉnh cho phía Khu LHTT Mỹ Đình cùng “vui vẻ” thì có sao (chẳng mấy khi mà!)?
Chỉ lo loanh quanh một hồi, mọi thứ đâu lại vào đó. Ban tổ chức trận đấu và cả phía Khu LHTT Mỹ Đình chẳng ai chịu thiệt. Và cuối cùng, trận đấu vẫn diễn ra đúng kế hoạch nhưng giá vé sẽ tiếp tục được đẩy lên mức “trời ơi!”. Người dân nào có nhu cầu vào xem thì ráng chịu.
Nói theo cách “rào trước” của ông Lê Hùng Dũng, Phó Chủ tịch phụ trách tài chính VFF: “Chúng tôi đã phải bỏ ra chi phí cao để đưa Arsenal sang Việt Nam (khoảng 50 tỷ đồng). Sau khi ban tổ chức trận đấu được thành lập, chúng tôi sẽ cân đối để đưa ra một giá vé hợp lý nhất, nhưng chắc chắn đó không phải là cái giá bình dân”.
3. Đến đây cần nhớ lại trận đấu lịch sử giữa tuyển Việt Nam và Olympic Brazil năm 2008. Thời điểm đó, ban tổ chức đã đưa ra 4 mệnh giá vé: 200, 300, 500, 700 nghìn đồng. Nhưng rồi vé đến được tay người hâm mộ rất ít. Phần lớn “chạy” ra chợ đen bằng nhiều cách và thời điểm đó, muốn vào sân xem những Ronaldinho, Pato, Diego, Anderson “làm xiếc” với trái bóng, không ít người hâm mộ đã phải chi hàng triệu đồng.
So với Olympic Brazil, chắc chắn Arsenal sang Việt Nam sắp tới có chất lượng không bằng. Về sức hút, chẳng có ai ở Arsenal hiện nay có thể so sánh với Ronaldinho thời điểm cách đây 5 năm. Vậy mà giá vé lại bị đẩy lên cao khủng khiếp (dự kiến vé thấp nhất là 700 nghìn đồng, vé cao nhất là 1,5 triệu đồng).
Thực tế, Arsenal thì cũng “oách” đấy, nhưng nếu ban tổ chức “làm quá”, dân mình ở nhà xem TV truyền hình trực tiếp hết thì rõ là mất cả "chì lẫn chài". Bài học của K+ độc quyền các trận ngày Chủ nhật EPL giai đoạn 2010-2013 tới nay vẫn còn nóng hổi. Và giờ cố “chữa cháy” bằng cách này hay cách khác vẫn đang rất long đong, lận đận mà vẫn… lỗ!
Người Việt mình thích bóng đá thật, đặc biệt là EPL thì cả thế giới đều mê! Nhưng khi cảm thấy tình yêu chân chính của mình cứ bị các nhà đài, doanh nghiệp lợi dụng để kiếm lời hết lần này tới lần khác, thì e sẽ có lúc “tức nước vỡ bờ”, tẩy chay hàng loạt!
Chính Minh