Khó hình dung về kỳ thi quốc gia
Rất nhiều học sinh lớp 12 trong cả nước đang băn khoăn và cả lo âu về kỳ thi quốc gia khi bước vào năm học mới. Ngày 8.9, em Nguyễn Thị Hoa – học sinh lớp 12 Trường THPT Ninh Giang (Hải Dương) bày tỏ: “Theo dự kiến của Bộ GDĐT thì năm nay chúng em sẽ không phải lên Hà Nội thi đại học (ĐH). Vậy chúng em sẽ được thi tại trường như thi tốt nghiệp năm vừa rồi hay là phải gộp với trường khác để thi theo cụm như cách đây mấy năm? Tháng 3 tới đây chúng em có phải nộp hồ sơ dự thi đại học nữa không hay đợi đến thi chung xong mới chọn trường nộp hồ sơ?”.
Mặc dù đã đọc rất nhiều thông tin về kỳ thi quốc gia trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng thầy Nguyễn Văn Tình – giáo viên một trường THPT ở Nông Cống (Thanh Hóa) vẫn chưa thể hình dung ra cách làm của kỳ thi chung quốc gia – kỳ thi sẽ tác động trực tiếp đến học sinh lớp 12 của mình trong năm học này. Thầy Tình cho biết: “Rất nhiều chuyên gia, nhà quản lý giáo dục đều đi vào phân tích, góp ý về việc chọn phương án môn thi thế nào. Trong khi đó, điều mà học sinh và giáo viên quan tâm là việc thi ra sao, sử dụng kết quả thi như thế nào thì chưa thấy Bộ GDĐT bàn đến cụ thể, chính điều này mới làm cho học sinh hoang mang”.
Thầy Tình cho biết thêm, vào năm học mới điều làm nhiều thầy cô bối rối nhất chính là không thể giải thích cho trò của mình những câu hỏi về kỳ thi chung trong khi chính bản thân mình còn rất mơ hồ. Cùng mối quan tâm, cô Nguyễn Thị Hương – giáo viên Trường THPT bán công Tiền Hải (Thái Bình) cho rằng: “Lẽ ra, đi kèm với các phương án thi Bộ GDĐT cần nói rõ luôn phương án để tổ chức thi thế nào? Đặc biệt, việc công nhận tốt nghiệp và xét tuyển vào đại học cụ thể ra sao, chứ không chỉ nói chung chung là thi để lấy kết quả xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH được?”. Cô Hương cho biết, từ mấy tháng nay, học sinh của cô hoang mang lắm, học sinh khá giỏi thì rủ nhau đi học thêm cả ngày, cả đêm cho các môn sẽ dự kiến chọn thi. Ngược lại, những học sinh trung bình, yếu lại thờ ơ việc học vì cho rằng chỉ cần được công nhận tốt nghiệp thì… chả khó.
Nên thi thế nào?
Theo dự kiến của Bộ GDĐT, kỳ thi quốc gia sẽ được tổ chức vào tuần thứ 2 của tháng 6 hàng năm và tổ chức thi được bố trí thành cụm thi theo địa bàn tỉnh. Hội đồng coi thi, hội đồng chấm thi là cán bộ, giáo viên của Sở GDĐT và cán bộ, giáo viên của các trường ĐH, cao đẳng... Bộ GDĐT vẫn chưa công bố phương án triển khai cụ thể và những chế tài để “khống chế” tiêu cực nhưng nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, nếu thực hiện kỳ thi quốc gia tại địa phương những rủi ro được báo trước sẽ rất lớn.
Không bàn đến vấn đề môn thi, phương án thi, TS Lê Trường Tùng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, cao đẳng ngoài công lập cho rằng khi bệnh thành tích, cơ chế xin cho, hiện tượng “chăm sóc” con ông cháu cha… vẫn còn nhan nhản thì tổ chức thi tại địa phương rất mạo hiểm. Ông Tùng cho biết, để hạn chế tiêu cực thì từ kết quả thi chung, xét tốt nghiệp cần dựa thêm vào kết quả 3 năm học và thi đại học vẫn cần thêm kỳ thi bổ sung của các trường.
Trong khi đó, ông Phan Huy Chú – Hiệu trưởng Trường ĐH Thăng Long thì cho rằng, kể cả cán bộ của các trường ĐH, cao đẳng xuống coi thi tại địa phương cũng không chắc đảm bảo công bằng vì họ bị “yếu thế” trong địa bàn lạ: “Tốt nhất là phân chia thành 2 loại thí sinh, thí sinh nào có nhu cầu thi để xét tuyển ĐH thì các trường ĐH tổ chức thi tại trường, còn thí sinh nào thi chỉ để được công nhận tốt nghiệp thì thi tại địa phương do địa phương tổ chức”.
Bàn về cách làm, một chuyên gia giáo dục hiến kế: “Nếu thi cụm tại địa phương như dự kiến của bộ, ngoài việc cán bộ coi thi, giám sát, thanh tra là của trường ĐH, cao đẳng thì phải rọc phách chuyển việc chấm bài thi cho các hội đồng thi cách xa nhau giữa tỉnh nọ đến tỉnh kia, miền này đến miền khác. Làm thế nào để hội đồng thi này không biết mình đang chấm thi bài của hội đồng thi nào, như vậy mới mong khách quan, chính xác được”.