Bàn về các hiện tượng này, một số chuyên gia tâm lý cho rằng đây là vấn đề xã hội và có phần lỗi lớn của gia đình. Tuy nhiên, ít người để ý rằng chính sự truyền thông quá mức của báo chí về các ca sĩ, nhóm nhạc thần tượng Hàn Quốc trên những ấn phẩm, chương trình dành cho tuổi “teen” cũng đã góp một phần không nhỏ trong việc biến các em trở thành những fan cuồng hâm mộ như vậy.
Lạm phát thông tin
Hiện nay, rất nhiều ấn phẩm dành cho thanh thiếu niên đăng tràn lan nội dung nói về các nhóm nhạc, ca sĩ, diễn viên… thần tượng Hàn Quốc, trong đó đáng chú ý phải kể đến một số tờ báo, tạp chí lớn dành cho tuổi “teen”… Trong tất cả các ấn phẩm này đều có những mục riêng với nội dung liên quan đến các ngôi sao thần tượng Hàn Quốc trong tất cả các kỳ báo.
Thậm chí, báo T.T.N còn chứa một dung lượng lớn đưa tin về hoạt động, sự kiện, trong đó đính kèm rất nhiều những bức hình đẹp long lanh về các nhân vật “thần tượng” Hàn Quốc của các em. Những tạp chí này thu hút được rất nhiều độc giả thiếu niên, trước hết bởi tác động ấn tượng thị giác.
Em Yến Hương - học sinh lớp 7, ở thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, chia sẻ: “Em rất thích đọc các tạp chí thiếu niên vì nó chứa những nội dung trẻ trung và luôn cập nhật những thông tin về các nhóm nhạc, ca sĩ Hàn Quốc mà em yêu thích như Yoona, EXO, SNSD... Các bạn em ở lớp cũng rất thích các nhóm nhạc này. Chúng em thường cắt những bức ảnh đẹp về các thần tượng của mình trong các tạp chí đó rồi đem đến lớp trao đổi với nhau. Đôi khi em còn bán những bức hình đó lấy tiền, mỗi bức giá 5.000 đồng”.
Ngoài báo in, tạp chí giấy, các em còn thường xuyên tiếp xúc với những “thần tượng” này trên kênh iTV của vô tuyến. Đây là một kênh chuyên về nhạc trẻ, gồm các bài hát của cả ca sĩ Việt Nam và Hàn Quốc với tỷ lệ tương đương nhau. Bên cạnh đó, mạng Internet cũng là một nguồn dồi dào thông tin và đặc biệt được các bạn trẻ yêu thích để giải trí. Chiều 8.9, chúng tôi làm phép so sánh trên thanh công cụ tìm kiếm Google, tại địa chỉ www.google.com.vn gõ tên 2 nhân vật Yoona (ca sĩ trẻ Hàn Quốc) và Mỹ Linh (ca sĩ nổi tiếng của Việt Nam).
Kết quả là thu được khoảng 11.300.000 kết quả trong 0,22 giây đối với cụm từ tìm kiếm “yoona” và 1.160.000 kết quả trong 0,23 giây đối với cụm từ tìm kiếm “mỹ linh”. Kết quả trên cho thấy rõ ràng rằng sự truyền thông đối với những ca sĩ, nhóm nhạc thần tượng Hàn Quốc là quá mức, những thông tin tràn ngập trên các phương tiện truyền thông đại chúng khiến các em bị ngợp, cộng thêm phong trào yêu thích các ngôi sao Hàn Quốc cũng khiến các em bị ảo tưởng rằng đó chính là sở thích của mình giống như các bạn khác.
Ngôi sao K-pop làm được gì?
Không phải ngẫu nhiên mà các ngôi sao K-pop lại nổi đình nổi đám khắp châu Á, thậm chí được biết đến trên toàn thế giới. Riêng ở Việt Nam, có rất nhiều fan page được lập riêng cho những người hâm mộ các ca sĩ, nhóm nhạc Hàn. Riêng đối với nhóm EXO, trên mạng xã hội Facebook có Hội Những người phát cuồng vì EXO, Hội Những người suốt đời yêu EXO, Hội Những người thích chế ảnh EXO; trên mạng xã hội zingme có Hội Những người yêu thích EXO...
Nhiều người hẳn phải đặt câu hỏi rằng vì sao các ca sĩ, nhóm nhạc Hàn Quốc lại được nhiều bạn trẻ yêu thích như vậy. Khi được hỏi về điều này, em Thu Hoài - học sinh lớp 9, ở Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội, cười tươi và nói rất hồn nhiên: “Bởi vì họ xinh đẹp, hát hay và nhảy giỏi”. Ngoài ra, Hoài cho biết em không thích ca sĩ, nhóm nhạc nào của Việt Nam.
Bàn về sức hút của các thần tượng K-pop, trước hết phải nói đến tài năng của các ngôi sao này, bao gồm giọng hát, kỹ năng biểu diễn và biên đạo. Cả 3 điều này đều được kết hợp một cách chuyên nghiệp trong những sản phẩm âm nhạc của họ. Bên cạnh đó, những sản phẩm này còn được “lăng-xê” và quảng bá một cách rộng rãi trên toàn thế giới.
Trong khi đó, các ca sĩ Việt Nam tuy nhiều người thực sự có tài năng nhưng những tài năng ấy chưa được quản lý, sử dụng và khai thác một cách hiệu quả. Ngoài ra, công nghệ PR, quảng bá của chúng ta cũng kém xa so với giới giải trí Hàn Quốc. Sau tài năng, chính công nghệ truyền thông là đòn bẩy đưa những người làm nghề giải trí trở thành những “ngôi sao” trên bầu trời âm nhạc thế giới.
Việc truyền thông Việt Nam đưa quá nhiều thông tin về K-pop đã có những tác động xấu đến nhận thức, thái độ và tình cảm của các em, khiến nhiều thanh thiếu niên hâm mộ, thậm chí là “phát cuồng” thần tượng của mình. Cũng vì quá hâm mộ K-pop mà các em quay lưng lại với âm nhạc nước nhà.
Trao đổi với phóng viên, một số chuyên gia văn hóa, giáo dục cho rằng: Những người làm truyền thông cũng phải biết nâng tầm những giá trị văn hóa của dân tộc, đất nước mình, đừng để bị văn hóa ngoại bang làm lu mờ. Đối với các ấn phẩm văn hóa dành cho thanh thiếu niên càng cần phải bổ sung nhiều tính giáo dục về tình yêu văn hóa văn nghệ của dân tộc, đất nước mình. Bên cạnh đó, những người làm truyền thông cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về những ca sĩ, nhóm nhạc trong nước, đồng thời học tập giới giải trí Hàn Quốc trong việc “lăng-xê” những nghệ sĩ có tài năng của nước nhà để họ vươn tầm ra thế giới.