Dân Việt

Loanh quanh chuyện viên thuốc

Diệu Linh 31/03/2014 13:36 GMT+7
Ngày mai, 1.4, Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ phải ra “điều trần” trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về những vấn đề nóng của ngành y. Tồn tại của ngành y tế có thể nói không ít, như chuyện y đức, chuyện quá tải, chuyện viện phí và… chuyện viên thuốc đội giá quá cao.
Trong phiên họp vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phải kêu lên: “Hiện giá thuốc vẫn còn cao lắm. Cứ để giá thuốc cao mãi thế này thì làm khổ người dân quá”.

Dự thảo về Luật Dược sửa đổi vừa được trình Chính phủ. Rất nhiều ý kiến cho rằng, Bộ Y tế ôm một lúc 3 nhiệm vụ (quản lý xuất nhập khẩu, kê đơn, quản lý giá thuốc) chẳng khác nào vừa đá bóng vừa thổi còi, khó mà minh bạch. Những chuyện đẩy giá thuốc lòng vòng, chi tiền hoa hồng khiến giá thuốc cao ngất trời bao năm nay vẫn nằm trong “nghi vấn”.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng thừa nhận, nếu Bộ Y tế tiếp tục vừa đá bóng vừa thổi còi thì giá thuốc và các vấn đề về khác liên quan tới thuốc khó lòng mà minh bạch, khách quan được. Giá thuốc vẫn bị thả nổi theo thị trường, các công ty sản xuất, nhập khẩu thuốc tự ý thổi giá thuốc lên, Bộ Y tế chỉ bất lực nhìn.

“Việc dùng các mệnh lệnh hành chính để “ép” giá thuốc là không thể. Trên thế giới không ai làm vậy” – Bộ trưởng Tiến cho biết. Bà cũng “mời” Bộ Tài chính quản lý giá thuốc vì Bộ Tài chính mới là cơ quan quản lý giá, có bộ máy, nguồn lực để quản lý. Nhưng đại diện Bộ Tài chính cũng khăng khăng từ chối vì không am hiểu chuyên môn về thuốc.

Thông tư 01 về đấu thầu thuốc trong bệnh viện vừa ban hành năm 2012 đã kéo giá thuốc trong các bệnh viện xuống rất mạnh. Theo kết quả điều tra sơ bộ của Bộ Y tế tại 7 cơ sở y tế, đối với 20 loại thuốc thiết yếu, sau khi thực hiện đấu thầu theo Thông tư mới, giá thuốc đã giảm tới 28%, tương đương với hơn 115 tỷ đồng.

Nếu tính giá của hàng trăm mặt hàng thuốc trong bệnh viện, trên 63 tỉnh thành thì giá thuốc trong bệnh viện đã được giảm tới hàng nghìn tỷ. Một con số không hề nhỏ. Trong đó, có rất nhiều mặt hàng thuốc giảm giá tới 30-45% so với trước đó. Như vậy, không phải Bộ Y tế không có cách kiểm soát giá thuốc.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tổng giá trị tiền thuốc sử dụng của thị trường Việt Nam năm 2013 là hơn 60.000 tỷ đồng, trong đó quỹ bảo hiểm y tế chi hơn 28.000 tỷ (chiếm 47%). Như vậy, nếu quản lý được giá thuốc trong bệnh viện thì vẫn còn hơn 30.000 tỷ tiền thuốc bán ngoài thị trường, người dân phải bỏ tiền túi chi trả.

Theo quy định các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, buôn bán thuốc tự định giá, cạnh tranh về giá, do đó, giá thuốc luôn “nhảy múa” tùy ý thích của người buôn bán. Nhiều ý kiến cho rằng, trách nhiệm thuộc về Bộ Tài chính. Tuy nhiên, Bộ Y tế vẫn là cơ quan chủ trì quản lý “viên thuốc”. Khó khăn ở đâu thì cần kiến nghị để các cơ quan khác phối hợp giải quyết ở đó. Nếu cứ đá qua đá lại “viên thuốc” thì e rằng người dân sẽ tiếp tục “khổ quá” như lời Thủ tướng đã khẳng định.

Trong khi chờ đợi Chính phủ đưa ra quyết sách cho “viên thuốc”, hàng triệu người dân vẫn đang còng lưng chịu giá thuốc đắt đỏ, không ít hộ gia đình rơi vào bẫy nghèo từ viện phí.