Dân Việt

Quyết không sex và tuyệt chủng vì thủ tiết?

Đức Hoàng (Dòng đời) 14/09/2014 08:02 GMT+7
Cư dân mạng lại đang xôn xao bàn tán về phát ngôn của một nữ tác giả trẻ. Cô này tuyên bố “quyết không sex trước hôn nhân” và nhiều quy kết nặng nề khác về phẩm giá người phụ nữ. Thế là dư luận dậy sóng. Câu hỏi là: Tại sao đến giờ này chúng ta vẫn còn tốn năng lượng xã hội về cái chủ đề này?
1. Có thể bạn chưa biết: người Nhật Bản cuối cùng sẽ ra đời vào năm 3011, rồi sau đó, khi người này chết, thì dân tộc Nhật chính thức diệt vong.

img

Sex khi nào, bao nhiêu, nên là lựa chọn của mỗi người. (Ảnh minh họa)

Đây không phải là kịch bản của một bộ truyện tranh hay phim viễn tưởng Nhật, mà là tính toán nghiêm túc của các nhà khoa học dựa trên tỷ lệ sinh của người dân nước này. Với tỷ lệ sinh thấp như hiện nay, thì dân số Nhật sẽ liên tục giảm cho đến khi không còn mống nào.

Một trong những lý do quan trọng nhất, là hứng thú tình dục của người Nhật ngày càng giảm. Điều tra năm 2010 cho thấy có đến 28% đàn ông và 23% phụ nữ trong độ tuổi từ 18 đến 34 không có và cũng không muốn có người tình. “Đáng sợ” hơn là có đến 28% đàn ông và 26% phụ nữ tuổi từ 35-39… chưa từng có trải nghiệm về sex.

Trong khi nghệ thuật tình dục Nhật Bản đang được xuất khẩu đi khắp thế giới, thì người Nhật không còn thích sex nữa. Một số người nói rằng họ quá stress với công việc. Một số khác nói rằng “có thứ vui hơn để làm”. Họ trở thành nước có số lần quan hệ ít nhất thế giới trên đầu người (45 lần/năm, theo điều tra năm 2005). Và vận mệnh dân tộc bị đe dọa một cách hết sức nghiêm trọng, vì lối sống “thủ tiết” kiểu này.

Kể chuyện Nhật Bản để thấy rằng việc tôn thờ sự thủ tiết cũng chẳng ích lợi gì cho xã hội. Có lẽ sẽ không phải là chủ quan khi khẳng định rằng giữa việc hạn chế quan hệ tình dục và tình trạng trầm cảm tăng cao trong xã hội Nhật có mối quan hệ “con gà quả trứng”. 

Nhưng tất nhiên ở thái cực ngược lại, việc quan hệ tình dục quá sớm và quá tràn lan cũng tạo ra những hệ quả tiêu cực. Tại Anh, 39% số học sinh 15 tuổi được hỏi thừa nhận mình đã quan hệ tình dục. Vấn đề này đang làm các nhà giáo dục và quản lý xã hội rất đau đầu. “Đây là một thách thức xã hội” – bộ trưởng Sức khỏe công cộng của Anh thốt lên. Tỷ lệ phá thai tuổi vị thành niên ở Anh vẫn đang thuộc hàng cao nhất châu Âu.

Tại Anh, luật chăm sóc sức khỏe cộng đồng cho phép các cô thiếu nữ được phá thai mà không cần tiết lộ danh tính, cha mẹ không cần biết. Và điều này khiến cho họ trở nên “vô tư” hơn, có ít lý do để ngần ngại trước đòi hỏi của bạn trai hơn.

Quan hệ tình dục sớm quá cũng không ổn, mà “thủ tiết” đến tận năm ngoài 35 tuổi thì bức tranh xã hội cũng ảm đạm không kém.

Cuối cùng, thì chuyện “sex hay không sex” không phải là thứ để chúng ta đưa ra quan điểm, để định hướng và gò ép theo quan điểm của mình. Đây là vấn đề không có đúng có sai, mà chỉ có sự hợp lý.

Cái mà xã hội cần làm không phải là cổ xúy cho bên này, trù dập bên kia, mà là tạo ra một môi trường để mọi thứ được phát triển hợp lý. Một xã hội lành mạnh sẽ không tạo ra những con người trầm uất đến mức không buồn quan hệ tình dục, cũng không có những “cậu ấm cô chiêu” thiếu trò chơi đến mức lôi sức khỏe sinh sản ra… nghịch.
Sex không có đúng hay là sai. Sex khi nào, bao nhiêu, nên là lựa chọn của mỗi người, miễn là khiến cho họ cảm thấy thoải mái. 

2. Nếu không có đúng có sai, thì tại sao lại cứ phải cãi nhau? Đó là lựa chọn của mỗi con người.

Quay trở lại câu chuyện của cô nhà văn trẻ kia, người đã tuyên bố không ủng hộ trước hôn nhân, và khẳng định rằng: “Người phụ nữ quá buông thả bản thân mình, luôn ngụy biện đòi bình đẳng giới bằng việc cho mình có cái quyền lên giường với thật nhiều đàn ông, với bất kì người đàn ông nào, thì tôi cho rằng đó là một người phụ nữ ngu dốt, và thiếu hiểu biết, thiếu tôn trọng giá trị của bản thân cũng như giá trị của phụ nữ nói chung”.

Một quan điểm tương đối cực đoan. Nhiều người nghe sẽ có nhu cầu phản biện. Và trên thực tế thì những phát ngôn của nữ tác giả này đã tạo ra những tranh cãi lớn.

Nhưng hãy nhớ chúng ta đã khẳng định ở trên rằng việc này không có đúng hay là sai. Sex khi nào, bao nhiêu, nên là lựa chọn của mỗi người, khiến cho họ cảm thấy thoải mái. Cô này chọn không sex trước hôn nhân, thì... kệ cô ta.

Việc cứ mãi phải tranh cãi về sex hay không sex trước hôn nhân, chỉ thể hiện rằng chúng ta chưa học được cách tôn trọng lựa chọn của người khác; rằng đây vẫn là một chủ đề xa lạ và “nhạy cảm” với phần đông cả những người trưởng thành.

3 Bây giờ còn bàn về sex? Bản năng tính dục của mỗi con người đã hình thành từ năm 13-15 tuổi, và đáng ra bây giờ chúng ta đã phải lựa chọn xong thái độ của mình về vấn đề đó – không cần tranh cãi với nhau nữa.

Cuộc tranh cãi về sex, một cách ngẫu nhiên, xuất hiện trước ngày khai giảng năm học mới. Nó khiến người ta phải nhìn lại một thực tế là giáo dục giới tính vẫn là một mảng trống rất lớn trong nhà trường. Năm 16 tuổi, sau khi được luật pháp cho phép tự do quan hệ tình dục theo ý nguyện, các chàng trai và cô gái được dạy gì về điều đó? Những kiến thức rất chung chung về phòng tránh thai, cách sử dụng bao cao su, những buổi học thưa thớt nơi giáo viên nói vòng vo về tình dục mà không đi thẳng vào vấn đề.

Không ai nói với các em về ý nghĩa của tình dục, về việc tình dục gắn bó với tình yêu ra sao, chia sẻ với các em như những người trưởng thành. Tất nhiên là không ai dám làm thế vì như thế là “vẽ đường cho hươu chạy” – phần lớn đều ngụy biện như vậy.

Nhưng trên thực tế, không biết có bậc phụ huynh hay thày cô, hay nhà quản lý giáo dục nào nghĩ rằng chính khi chúng ta chia sẻ với các em về tình dục, lại là lúc dạy các em quý trọng bản thân và học cách đưa ra lựa chọn tỉnh táo hơn. Không phải cứ nói với chúng về tình dục thì đồng nghĩa với việc khuyến khích. Lờ đi mới là nguy hiểm.

Khi xã hội chúng ta có những con người mà hai mấy ba mươi tuổi đầu rồi vẫn còn gân cổ lên tranh luận xem sex như thế nào là đúng, thì đó là một xã hội hụt hẫng – hoang phí năng lượng – bởi vì cái lúc cần nói chẳng ai nói.

Chúng ta còn nhiều việc để làm hơn là nói mãi câu chuyện về tình dục trước hôn nhân, chuyện không có hồi kết (vì có đúng-sai đâu mà bàn). 

Đó là những chủ đề kinh tế-xã hội khác mà nếu không bàn ngay, thì sẽ đến một lúc xã hội chúng ta sẽ căng thẳng đến mức muốn sex cũng không được nữa.