Ông Nguyễn Trọng Tín – Phó Cục trưởng Cục QLTT (Bộ Công Thương) cho biết: Tình hình buôn lậu, vận chuyển, buôn bán thuốc lá nhập lậu ở trong nước vẫn diễn biến phức tạp, thuốc lá nhập lậu chủ yếu qua khu vực biên giới Việt Nam – Campuchia; Việt Nam – Lào và Việt Nam - Trung Quốc qua các tỉnh Quảng Trị, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Quảng Ninh... sau đó vận chuyển về các tỉnh, thành để tiêu thụ. Trong đó, khu vực biên giới của tỉnh Long An là địa bàn trọng điểm về nhập lậu thuốc lá, TP.HCM là địa bàn buôn bán, tiêu thụ thuốc lá nhập lậu lớn nhất.
Mới kiểm soát được 0,5% lượng thuốc lá lậu.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, từ đầu năm đến nay, Cục QLTT đã chỉ đạo lực lượng QLTT cả nước triển khai nhiều phương án kiểm tra, kiểm soát và mở đợt kiểm tra cao điểm ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển, kinh doanh thuốc lá nhập lậu từ 1.4 đến 30.6. Với hàng loạt các hoạt động tăng cường kiểm tra, kiểm soát, số vụ thuốc lá nhập lậu bị bắt giữ đã tăng lên đáng kể, bước đầu hạn chế việc bày bán công khai.
Theo báo cáo của Cục QLTT, từ đầu năm 2014 đến nay, lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra trên 7.935 lượt, xử lý 4.712 vụ, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính gần 14 tỷ đồng, tịch thu hơn 1 triệu bao thuốc lá các loại...
Ông Vũ Văn Cường – Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam phản ánh, mặc dù lực lượng chức năng đã quyết liệt, nhưng từ đầu năm tới này mới chỉ mới kiểm soát được 0,5% lượng thuốc lá điếu nhập lậu vào nội địa.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, để chống buôn lậu thuốc lá được hiệu quả cả trên tuyến biên giới và thị trường nội địa, phải nêu cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu, nếu để xảy ra buôn lậu, gian lận thương mại kéo dài hoặc nghiêm trọng trên địa bàn nào thì người đứng đầu đơn vị phải chịu trách nhiệm...
Theo kết quả nghiên cứu của Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, hiện nay, thuốc lá điếu nhập lậu vào thị trường Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng, chiếm trên 20% tổng thị phần, trong đó 90% là thuốc lá Jet và Hero. Đáng chú ý, sản phẩm này có chứa nhóm chất Coumarin (là loại không có trong danh mục được phép sử dụng trong thực phẩm của Bộ Y tế), gây nguy hiểm nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Coumarin vốn không có tự nhiên trong sợi thuốc lá nguyên liệu mà do nhà sản xuất chủ động đưa vào thông qua việc gia liệu cho thuốc lá do hợp chất này tạo nên cảm giác hương thơm thích thú, quyến rũ, vị đậm, dễ gây nghiện cho người tiêu dùng. Tuy nhiên đã có các nghiên cứu về tác hại của coumarin làm phụ gia trong thực phẩm (tác dụng độc hại trên hệ thần kinh, tim, mạch máu, và gan động vật, cũng như gây khối u ung thư và điều kiện độc hại trong cơ thể người. Do sự độc hại của coumarin như vậy, 10 năm trở lại đây, để đảm bảo sự an toàn cho người tiêu dùng, tất cả các công ty thuốc lá điếu thuộc Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam cũng như trong Hiệp hội thuốc lá đã tuyệt đối không sử dụng coumarin trong các sản phẩm thuốc lá điếu.