Ở các nước phương Tây, việc lấy tạng từ những người cho tạng đã chết hoặc còn sống rất hạn chế và được quy định rất nghiêm ngặt. Chính vì thế, ngày càng có nhiều bệnh nhân tìm kiếm các bộ phận cơ thể từ những người cho tạng còn sống ở các nước có thu nhập thấp.
Những người này sẵn sàng bán một bộ phận cơ thể để đổi lấy một khoản tiền phục vụ cho cuộc sống của gia đình họ. Hoạt động này thường là phi pháp.
Còn tại Việt Nam, nhận thấy vấn đề mua bán nội tạng con người là vô cùng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe con người và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đạo đức xã hội, Quốc hội nước ta đã thông qua Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác vào ngày 29.11.2006 (có hiệu lực từ 1.7.2007 – NXB Lao Động in năm 2009); Nhằm tạo hành lang pháp lý để các cơ sở y tế trong cả nước có điều kiện phục vụ tốt hơn cho bệnh nhân.
Điều 11 (Chương I): quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm, gồm: Mua, bán mô, bộ phận cơ thể người; mua, bán xác. Lấy, ghép, sử dụng, lưu giữ mô, bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại. Quảng cáo, môi giới việc hiến, nhận bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại.
Điều 34 của Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác cũng đã quy định rất rõ về việc ghép bộ phận cơ thể người có liên quan đến người nước ngoài: 1/ Người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được ghép bộ phận cơ thể của người Việt Nam tại Việt Nam trong trường hợp có cùng dòng máu về trực hệ hoặc có họ trong phạm vi ba đời với người hiến hoặc trong trường hợp người hiến đã có đơn tự nguyện hiến mà không nêu đích danh người được ghép. 2/ Người Việt Nam chỉ được ra nước ngoài để hiến bộ phận cơ thể người trong trường hợp có cùng dòng máu về trực hệ hoặc có họ trong phạm vi ba đời với người được ghép.
Luật cấm việc sử dụng bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại, trong đó có việc mua bán thận, là hợp lý. Điều 11 của Luật đề cập đến các hành vi bị pháp luật cấm trong lĩnh vực này như: cấm mua, bán, lấy trộm mô, tạng; cấm sử dụng mô, tạng vì mục đích thương mại… Tuy nhiên, Luật lại chưa đưa ra chế tài áp dụng khả thi khi vi phạm một trong những hành vi trên. Đây là một khó khăn cho quá trình áp dụng và ngăn chặn những loại tội phạm đó trên thực tế.
Lợi dụng kẽ hở này người bán và người mua vẫn có thể “lách luật”. Bằng chứng là có nhan nhản những ca ghép thận trên giấy tờ là tự nguyện hiến nhưng sự thật là có một thỏa thuận mua bán “ngầm”.
Nhiều người trong ngành tiết lộ nếu bệnh viện từ chối nhận ghép thận thì các bên mua bán thận luôn có cách lách luật riêng. Các cuộc gặp gỡ trao đổi thường được “bắt mối” từ các đơn vị chạy thận. Khi thỏa thuận xong, họ làm các xét nghiệm tại bệnh viện Việt Nam với giá rẻ hơn nhiều so với trên thế giới. Giả sử các kết quả xét nghiệm cho phép dung nạp thì họ sang nước ngoài ghép.
Một số bác sĩ nhiều năm trong nghề cho biết, khi tiếp nhận một ca ghép thận bằng cảm nhận nhiều khi cũng đoán được bệnh nhân chuyển vào phòng cấp cứu có thể cứu sống được hay không, do vậy việc phát hiện hiến tặng thật sự hay thông qua giao dịch mua bán trong các trường hợp ghép tạng hoàn toàn không khó.
Tuy nhiên, các bác sĩ không thể can thiệp được vào việc này và đành “bó tay” bởi trước khi làm các thủ tục để ghép thận, cả hai bên cho và nhận đều đưa ra đầy đủ các thủ tục giấy tờ, có xác nhận của chính quyền địa phương.