Đây được kỳ vọng sẽ là biện pháp “hạ nhiệt” cho những mùa hè nóng nực mà học sinh và phụ huynh phải chạy đua với 2 kỳ thi mệt mỏi và tốn kém: Tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ. Thay vì bố mẹ phải bán bò, bán lợn… rồi các em phải “khăn gói quả mướp” lên thành phố dự thi, các thí sinh chỉ phải thi một kỳ thi duy nhất lấy kết quả vừa xét tốt nghiệp, vừa xét vào ĐH, lại được thi ở chính địa phương mình.
Một mục tiêu rất “nhân đạo” khác của kỳ thi quốc gia chung này là thí sinh sẽ được chọn trường ĐH để xét tuyển sau khi có kết quả thi – cách làm mà các chuyên gia giáo dục ví von: Thí sinh sẽ được “mở mắt chọn đường đi” chứ không phải bị: Bịt mắt làm liều” như trước nữa. Điều này sẽ không có tình trạng thí sinh đạt 27 điểm vẫn trượt ĐH trong khi có thí sinh chỉ được 10 điểm vẫn đỗ.
Đề án rất hay, mục đích rất tốt, nhưng để kỳ vọng một kỳ thi lấy kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ mà được tổ chức như một kỳ thi tốt nghiệp THPT thì dường như Bộ GDĐT đang… lạc hướng.
Với kỳ thi tốt nghiệp THPT, rất nhiều giáo viên thừa nhận, nhiều năm qua việc tổ chức tại địa phương với tất cả các cách nhằm hạn chế tiêu cực như: Thi cụm, thanh tra cố định, thanh tra đột xuất, rọc phách, chấm chéo… đều có lỗ hổng. Thực tế là, có nơi thanh tra đến các hội đồng thi chỉ “ngồi chơi xơi nước” tại văn phòng mà không dám xuống các phòng thi vì đã được chủ tịch hội đồng thi “nhờ cậy”. Có giáo viên đi coi thi ở hội đồng thi khác cũng xác nhận họ được chủ tịch hội đồng thi này nhắn nhủ rằng phòng nọ, chỗ kia có con, cháu của thầy cô này, cán bộ nọ... mong được các giám thi “lưu tâm”. Trong tình cảnh đó, nhiều giám thị cũng chỉ còn biết… nhắm mắt làm ngơ (!?).
Năm học vừa qua, với việc xét tốt nghiệp THPT bằng 50% điểm học bạ 3 năm học, nhiều trường THPT “bói không ra” một học sinh trượt tốt nghiệp. Vậy điều gì khẳng định kỳ thi quốc gia sẽ không xảy ra những vấn đề tương tự?
Bộ GDĐT dự kiến sẽ cử giảng viên các trường ĐH, CĐ về coi thi, chấm thi, thanh tra thi! Nhưng, việc phân công cán bộ giảng viên sẽ được thực hiện như thế nào khi mà họ không biết thí sinh ở hội đồng thi này có phải là những thí sinh sau này sẽ xét tuyển vào trường ĐH, CĐ của mình hay không (nếu biết đó là những thí sinh thuộc “nguồn đầu vào” của trường mình thì việc siết chặt, làm kỹ sẽ là đương nhiên). Còn trước mắt, lúc này họ vẫn là những giám thị hoạt động trên một địa bàn xa lạ, khó để công tâm và khách quan giữa rất nhiều “sức ép” của việc địa phương đó sẽ là nơi tạo điều kiện ăn, ở, sinh hoạt cho họ...