Trao đổi với NTNN về phương án này của kỳ thi, TS Nguyễn Tùng Lâm nói: Tôi rất hoan nghênh việc Bộ GDĐT đã sớm công bố phương án thi ngay đầu năm học mới để học sinh bớt hoang mang. Đánh giá chung phương án của Bộ đã có nhiều điểm tạo thuận lợi cho thí sinh như môn tự chọn, ngoại ngữ có thể thay thế, xét tuyển sau khi thi tuyển, bổ sung cán bộ giảng viên vào coi thi… tuy nhiên Bộ cần giải thích rõ hơn về quy trình xét tốt nghiệp. Cụ thể, việc xét tốt nghiệp sẽ được thực hiện như thế nào, Bộ có tham gia hay giao toàn quyền cho trường, sở làm, 50% điểm xét là học bạ có được thực hiện xét như năm trước không?
Về việc kỳ thi chung sẽ phân loại đối tượng thi để tổ chức các cụm thi khác nhau theo các mục đích thi khác nhau với đề thi chung, TS Lâm cho rằng Bộ GD ĐT cần xem xét lại điểm này. Theo ông, nếu đã là thi quốc gia mà vẫn phân chia thành 2 loại thí sinh tự dưng sẽ trở thành phân biệt đối xử với các em. Sẽ có thí sinh loại 1, thí sinh loại 2, dư luận sẽ đặt câu hỏi về việc tổ chức thi: Cụm thi sở tổ chức thì không nghiêm bằng cụm thi trường ĐH- CĐ tổ chức, như thế nhiều thí sinh sẽ phải chịu thiệt về mặt tâm lý.
Ngoài ra, trong trường hợp nếu thí sinh ban đầu không muốn thi ĐH chọn thi ở cụm địa phương nhưng sau đó kết quả thi ở cụm tại địa phương lại rất tốt, các em lại muốn được xét tuyển ĐH thì sẽ phải làm thế nào. “Không thể tước quyền vào ĐH-CĐ của các em được. Bộ GDĐT đã nghĩ đến các trường hợp này chưa?”- ông Lâm băn khoăn.
Để mọi thí sinh đều “thỏa mãn” với kỳ thi, TS Lâm góp ý: “Nếu đã là kỳ thi quốc gia thì phải thực hiện việc đồng bộ đối với tất cả các đối tượng dự thi, không được phân loại theo kiểu phân biệt đối xử như vậy. Đề vẫn là đề thi chung, cái anh cần làm là tổ chức thi cho an toàn trong đó có các khâu, giám thị, thanh tra, chấm thi phải thực hiện nghiêm khắc. Có thể giảm lực lượng thanh tra lấy tiền đó đầu tư vào trang bị camera theo dõi ở các khu vực thi, điều đó sẽ đảm bảo công bằng”.