Hàng chục năm sau chiến tranh nhưng vết thương của những làng quê vẫn chưa lành, được biết bộ phim đề cập đến “cái hố” của quá khứ mà một ngôi làng ở miền Trung vẫn chưa thể bước qua. Trong thời điểm hiện nay, đề tài này dường như đã trở thành một lối mòn, khó hấp dẫn, ông có cảm thấy e ngại?
- Khi đọc xong kịch bản “Những đứa con của làng”- một câu chuyện về hậu chiến ở vùng quê miền Trung, bản thân tôi thấy đây quả thật là một đề tài khó làm và khó hấp dẫn trong thời điểm này. Nhưng đó là một kịch bản viết có nghề và tâm huyết bởi đậm chất văn học. Nó được xây dựng trên các tính cách nhân vật rõ nét thông qua các xung đột của những tình huống chuyện khá độc đáo.
Tôi nghĩ kịch bản đã có “bột” làm sao phim lại không thể gột nên “hồ” nên quyết tâm nhận làm... Sau vài ba lần làm việc với biên kịch, chúng tôi thấy phim muốn đến với khán giả thì phải hấp dẫn, muốn hấp dẫn thì không chỉ chuyện của một làng quê miền Trung và không chỉ là chuyện của quá khứ. Chúng tôi bắt đầu chỉnh sửa kịch bản từ tháng 3.2013 và bắt đầu vào phim như vậy.
Chiến tranh, hậu chiến những đề tài đã giúp điện ảnh Việt Nam đoạt được khá nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Vậy phim “Những đứa con của làng” có một thông điệp gì đặc biệt hay không?
- Lịch sử của dân tộc ta gắn liền với những cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm và giải phóng đất nước. Nó hằn sâu vào tâm trí con người Việt Nam hết đời này đến đời khác bởi những đau thương và mất mát. Chuyện phim kể về những năm 1960. Trong cuộc chiến tranh khốc liệt giải phóng miền Nam, một ngôi làng ở miền Trung đã bị xã trưởng dẫn lính ngụy về thảm sát hơn nửa số dân trên một khúc sông. Ông Thập là chỉ huy du kích thoát chết, chứng kiến cảnh tượng đó và mối căm hận ấy cứ ám ảnh ông. Hai mươi năm sau, đất nước đã thống nhất, nhưng vết thương chiến tranh với ông Thập - nay là trưởng làng vẫn chưa lành được. Ông không thể quên được mối thù đó và cũng không cho dân làng quên nó. Ông cứ ôm cái vết thương đó sống cùng với nó, thậm chí quen nó đến mức độ khi nó lên da non thì lại cào ra cho tứa máu. Và có lẽ thông điệp của bộ phim là chúng ta không thể tiếp tục sống nếu cứ lầm lụi nhìn về quá khứ, phải biết học cách để quên nếu muốn đi tiếp đến tương lai.
Và những nhân vật trong phim của ông đã làm thế nào để quên được những vết thương quá khứ?
Được biết đoàn phim đã gặp phải rất nhiều khó khăn khi thực hiện những cảnh quay của bộ phim. Ông có thể kể lại một vài câu chuyện không thể quên trong quá trình làm phim?
-Thời điểm xảy ra câu chuyện đã cách đây 50 năm. Khó khăn đầu tiên khi bắt tay vào triển khai bộ phim là chúng tôi phải đi tìm một ngôi làng nghèo bên cạnh con sông dưới chân núi. Sau khi đi chọn cảnh khắp miền Trung thì thấy, nếu có làng nghèo dưới chân núi thì không sát sông và ngược lại có làng sát sông dưới chân núi nhưng lại không nghèo... thậm chí chúng tôi đi tìm ra cả ngoài Bắc cũng không có bối cảnh như vậy. Cuối cùng chúng tôi phải đi đến một giải pháp là tìm con sông gần suối rồi dựng ngôi làng nghèo, khi chọn được bối cảnh ưng ý là một nhánh của sông Ba Lòng ở huyện Đăkrông tỉnh Quảng Trị.
Với kinh phí làm phim từ nguồn vốn của Nhà nước rất hạn chế, chúng tôi phải giải phóng mặt bằng, bồi thường hoa màu với dân địa phương... để dựng một cái làng và ba cái cầu trên nhánh sông đó là cầu tre, cầu xi măng và cầu phao. Con đường duy nhất để đến bối cảnh là qua sông bằng đò. Để tập kết nguyên vật liệu dựng 3 cái cầu và làng đều phải đi bằng đò hoặc bè. Cầu phao vừa làm xong, lũ về phá tan. Lại phải làm lại. Chúng tôi làm xong bối cảnh mất gần hai tháng.
Đến giai đoạn quay, để đưa được thiết bị quay phim vào thì không thể chở bằng đò hay bè được, chúng tôi phải thuê xe ủi lên đầu nguồn làm tạm con đường để cho xe công nông chở thiết bị sang bối cảnh quay. Một tháng ròng, hàng ngày đi quay bằng đò qua sông Ba Lòng, chúng tôi chỉ cầu trời đừng có mưa to để lũ không về cuốn trôi cả người lẫn bối cảnh đi... Đúng là ông trời phù hộ, khi đoàn quay xong vừa đi khỏi Quảng Trị thì trời mưa to mấy ngày liền.
Xin cảm ơn ông!