Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm là người bị tạm giam, tạm giữ được hưởng chế độ thế nào. Theo điều 41 của dự thảo luật thì người bị tạm giữ, người bị tạm giam được bảo đảm tiêu chuẩn định lượng về gạo, rau, thịt, cá, đường, muối, nước mắm, bột ngọt, chất đốt. Ngày lễ, tết, theo quy định của pháp luật, người bị tạm giữ, người bị tạm giam được ăn thêm nhưng mức ăn không quá 5 lần tiêu chuẩn ăn ngày thường. Ngoài ra, người bị tạm giữ, người bị tạm giam được sử dụng quà, tiền của mình để ăn thêm nhưng không được quá 2 lần định lượng trong 1 tháng cho mỗi người bị tạm giữ, người bị tạm giam.
Trả lời câu hỏi tại sao dự thảo luật không quy định cụ thể như Nghị định 89/1998, chế độ ăn của người bị tạm giam 15kg gạo/tháng, sau đó Nghị định 09/2011 nâng lên mức 17kg, ngoài ra còn thịt, cá, đường, rau xanh... TS Trần Thế Quân - Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an) cho biết: Dự thảo luật không quy định chi tiết, những cái đó để Chính phủ quy định sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế, ngân sách và biến động giá cả thị trường.
Lý giải việc tại sao dự thảo luật quy định cụ thể dùng báo Nhân Dân cho những người đang bị tạm giữ, tạm giam đọc giải trí, TS Quân nói: Theo Nghị định 89/1998 về quy chế tạm giữ, tạm giam: “Nhà tạm giữ, trại tạm giam được trang bị hệ thống truyền thanh. Trung bình 20 người bị tạm giữ, tạm giam được cấp một số báo Nhân Dân hoặc báo địa phương. Trưởng nhà tạm giữ, giám thị trại tạm giam tổ chức cho người bị tạm giữ, tạm giam nghe Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam, Đài phát thanh hoặc truyền thanh địa phương, đọc báo Nhân Dân hoặc báo địa phương. Nếu có điều kiện thì tổ chức cho họ xem một số chương trình truyền hình T.Ư và địa phương".
Quy định trên của nghị định được dự thảo luật kế thừa. "Tuy nhiên đây mới chỉ là dự thảo, còn lấy ý kiến rộng rãi, với điều kiện phát triển như hiện nay, chúng tôi sẽ tính toán, cân nhắc về đầu báo, tờ báo cho người bị tạm giữ, tạm giam đọc" - TS Quân nói.