Dân Việt

Liên tục giám sát cúm A H7N9

Diệu Linh 11/09/2014 06:31 GMT+7
Ngày 10.9, TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, vài tháng qua, các ca mắc cúm A (H7N9) tại Trung Quốc đã có xu hướng giảm.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn tiếp tục nâng cao cảnh giác, chủ động giám sát đối với cúm A (H7N9) trên cả gia cầm và người, phòng chống buôn lậu gia cầm, tuyên truyền, khuyến cáo người dân phòng chống bệnh cúm A (H7N9). Các hệ thống giám sát cúm tại các bệnh viện vẫn lấy mẫu xét nghiệm đối với các ca cúm nặng, viêm phổi, suy hô hấp cấp. Đến nay vẫn chưa phát hiện trường hợp nào mắc cúm A (H7N9).

img
Cúm A(H7N9) có thể lây từ gia cầm sang người.

 

Đồng thời, Bộ Y tế vẫn tăng cường giám sát tại các cửa khẩu 24/24 giờ thông qua kiểm tra khách nhập cảnh bằng máy đo nhiệt độ từ xa, để phát hiện những trường hợp nghi ngờ mắc cúm A(H7N9), chú ý giám sát các trường hợp đi từ vùng có trường hợp mắc. Từ tháng 6.2013 đến nay, Bộ NNPTNT cũng đã triển khai 3 chương trình giám sát chủ động trên gia cầm tại 11 tỉnh, thành phố phía Bắc, với tần suất lấy mẫu 2 tuần/lần. Hiện cũng chưa phát hiện ra gia cầm mắc cúm A(H7N9).

“Cúm A(H7N9) rất nguy hiểm vì xuất hiện trên gia cầm và lây sang người, tỷ lệ tử vong rất cao, lên tới gần 39%. Trong đó có đến 47% không tìm thấy mối liên quan về việc tiếp xúc với gia cầm. Virus cũng gây bệnh trên người nhưng lại không gây bệnh trên gia cầm, càng khó phát hiện để ngăn chặn. Bệnh dịch lại sát ngay biên giới. Do đó, nếu chúng ta lơi lỏng để một ca cúm A(H7N9) vào Việt Nam thì việc ngăn chặn, dập dịch rất khó khăn” –TS Phu nhấn mạnh.

Trước đó, Cục Y tế dự phòng cũng thông tin dẫn nguồn từ phía cơ quan chức năng Trung Quốc xác nhận thêm 2 trường hợp nhiễm cúm A(H7N9), trong đó 1 bệnh nhân đã tử vong tại quốc gia này. Hai bệnh nhân đều sống tại thành phố Urumqi, Khu tự trị Tân Cương và có tiền sử tiếp xúc với gia cầm sống. Tại Trung Quốc, tích lũy đến ngày 3.9 đã ghi nhận 453 trường hợp nhiễm cúm A (H7N9) trong đó có 175 trường hợp tử vong.