Dân Việt

Hạn chế án treo với các vụ án tham nhũng, kinh tế

15/06/2013 14:16 GMT+7
(Dân Việt) - Tại phiên chất vấn Viện trưởng Viện KSND Tối cao ngày 14.6, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã tập trung xoáy sâu vào những vấn đề nóng như án tham nhũng, kinh tế xử án treo nhiều gây ra sự hoài nghi của dư luận...

Viện trưởng Viện KSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình thừa nhận, hiện các vụ án kinh tế, án tham nhũng phức tạp, các bị cáo được xử án treo vẫn nhiều. Chính vì thế, Nghị quyết 37 của Quốc hội vừa qua cũng đã lưu ý khắc phục tình trạng này, không để quá nhiều án treo trong lĩnh vực tham nhũng, kinh tế, tạo ra suy nghĩ chúng ta không tích cực trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí. Theo dẫn chứng của Viện trưởng Viện KSNDTC, án treo trong các vụ án tham nhũng, kinh tế là 30,8%, cao hơn các loại án khác 21%. Ông Bình cũng cho biết:

Đối với án kinh tế có 2 phần quan trọng là thu hồi tài sản do tham nhũng mà có và hình phạt. “Đối với loại tội phạm lấy đồng tiền làm phương tiện và mục đích phạm tội thì hình phạt phải là kinh tế. Trong loại án này khi đã khắc phục hậu quả hoặc tịch thu được tài sản thì yêu cầu án tù không phải là cao, cái này là định hướng cho việc sửa đổi Luật Hình sự và Tố tụng Hình sự”- Viện trưởng Bình giải thích.

img
 

Mặc dù tỷ lệ án tham nhũng, kinh tế được xử án treo có cao, nhưng theo khẳng định của Viện trưởng Viện KSNDTC, cũng là quan điểm của Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình, qua kiểm tra giám sát thì thấy việc xử án treo các vụ án này đã áp dụng đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên vừa rồi Viện KSND Tối cao cũng đã kháng nghị 39 trường hợp, được TAND Tối cao xem xét 26 trường hợp theo hướng tăng nặng hình phạt. Viện trưởng Bình khẳng định: “Sắp tới chúng tôi sẽ tổ chức hội nghị để bàn với cơ quan điều tra và tòa án về những biện pháp nhằm giảm tỷ lệ án treo trong các vụ án tham nhũng, kinh tế”.

Bổ sung cho phần trả lời của Viện trưởng Viện KSND Tối cao, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình cho biết: Tỷ lệ số vụ án treo năm 2010 là 36,5%, năm 2011 là 37,1%, năm 2012: 30,2%, nhìn chung có xu hướng giảm. Theo quy định pháp luật, nếu bị cáo hội tụ đủ điều kiện được áp dụng án treo thì phải cho người ta hưởng. “Một trong những giải pháp khi tòa cấp dưới có bản án treo là phải gửi lên tòa cấp trên để giám sát, kiểm tra xem việc cho hưởng án treo có đúng quy định không. Kết quả kiểm tra cho thấy, cơ bản các tòa cấp dưới đều làm đúng quy định” – Chánh án Trương Hòa Bình cho biết.

Một trong những tồn tại, hạn chế liên quan đến công tác cải cách tư pháp là việc tranh tụng tại tòa còn yếu cũng được nhiều ĐB đề cập. Viện trưởng Viện KSNDTC thừa nhận, trình độ kiểm sát viên cơ sở tranh tụng chưa sắc sảo, hiện nay đội ngũ này có vấn đề về chất lượng. Bên cạnh đó, việc tranh tụng tại tòa còn hạn chế. Có đến gần 80% số vụ án hình sự không có luật sư tham gia từ đầu, hơn 20% số vụ có luật sư thì một nửa do chỉ định. Luật sư chỉ định làm theo kiểu “miễn cưỡng” nên ra tòa không tranh tụng nhiều”- ông Bình thừa nhận.