Cả trường hiện có 32 cán bộ giáo viên, nhưng những ngày đầu năm học mới này thì tất cả đều phải xuống từng bản vận động các em học sinh trở lại trường lớp.
Sau hè, trò “quên” tới lớp
Trường PTDTNT huyện Bố Trạch đóng ở trung tâm xã Thượng Trạch dành cho học sinh khối cấp 2 (THCS) của toàn xã. Đã thành thông lệ, cứ sau mỗi kỳ nghỉ hè là các thầy, cô giáo trong trường lại phải lặn lội vượt suối, băng rừng tới khắp các bản làng hun hút giữa đại ngàn Trường Sơn để vận động con em người Ma Coong và Arem trở lại lớp.
Ngay từ giữa tháng 8, khi năm học mới chưa thực sự bắt đầu nhưng từ thầy hiệu trưởng đến giáo viên, nhân viên nhà trường đã phải có mặt để dọn dẹp sạch sẽ trường lớp, chuẩn bị phòng ở, chăn màn, giường chiếu để chuẩn bị đón học sinh vào năm học mới. “Nhưng đó không phải là công việc nặng nhọc nhất đối với chúng tôi. Cam go và vất vả nhất là làm sao đón được đầy đủ các em học sinh trở lại lớp học”- thầy giáo Phạm Trường Thọ - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.
Theo thầy Thọ, đầu năm học cũng là mùa đi bẫy thú của người Ma Coong. Cuộc sống giữa núi rừng, trong hầu hết các em đều có chút hoang dã, thích phiêu lưu. Được nghỉ học là các em theo bố mẹ vào rừng, lên rẫy. Nhiều em mải mê theo dấu chân những con thú rừng mà quên mất việc trở lại trường đi học. Để các em trở lại trường, năm nào cũng vậy, các thầy cô giáo lại phải vào tận bản, đến từng nhà, lên tận rẫy để vận động, thuyết phục…
Sau bữa cơm trưa muộn, các thầy cô trong trường đều hối hả chuẩn bị lên đường vào bản, với hành trang cũng lỉnh kỉnh như dân đi rừng, đầy đủ các thứ cần thiết, áo mưa, mì tôm, nước uống và rượu… được gói cẩn thận trong những túi nylon. Các thầy cô chia thành nhiều mũi tỏa về các bản làng xa xôi giữa đại ngàn Trường Sơn để “kéo” học sinh trở lại lớp.
Hành trình không đơn giản
Chúng tôi theo chân hai thầy Nguyễn Hữu Tuấn và Dương Văn Hiếu lội bộ vào bản Cồn Roàng. Thầy Tuấn bảo, đây là một trong những bản khó vận động các em trở lại lớp nhất. Những năm trước, nhiều em đã trốn về phải đi tìm, động viên mãi mới chịu ở lại học…
Khởi hành từ bản Cà Roòng, chúng tôi cắt rừng đi bộ đến Cồn Roàng, một bản nhỏ nằm sát biên giới Việt – Lào. Cơn mưa rừng chiều hôm trước làm con đường nhão nhoét bùn, trơn trượt, có những đoạn leo lên được đỉnh núi mà như muốn đứt hơi. Khổ nhất là những đoạn phải vượt suối, mùa mưa nên nước chảy xiết trên triền đá gập ghềnh, sẩy chân một cái là có thể bị nước suối cuốn trôi. Có những con suối phải đi vòng qua 2 lần mới sang tới bờ.
Hãi nhất là những con vắt rừng. Thời điểm này, ở Thượng Trạch bắt đầu bước vào mùa mưa. Dưới những tán lá rừng ẩm ướt là môi trường thích hợp nhất để loài vắt rừng sinh sôi, nảy nở. Mới đi một đoạn đường ngắn mà chân người nào cũng đầm đìa máu vì bị vắt cắn.
Cái loài này cũng thật lạ, cứ thích bò vào “chổ hiểm” mà cắn, mà hút máu. Mà chúng đã cắn rồi thì máu cứ thế mà chảy, rất khó cầm máu nếu không biết cách. Dưới đất là vắt, còn trên không là muỗi và ruồi rừng cắn khiến cả đoàn, dù mệt bở hơi tai cũng không dám ngồi lại nghỉ giữa rừng…
Trên đường vào Cồn Roàng chúng tôi đi qua bản Cốc và Cồ Tồn. Mùa này, bản nào cũng vắng người vì bà con dời lên những căn nhà chòi cheo leo trên đỉnh núi để làm rẫy, canh lúa. Gần nửa ngày lội rừng, đoàn chúng tôi cũng vào đến bản Cồn Roàng. Ngồi bệt xuống vì mệt, vén quần lên kiểm tra thì mấy chú vắt lăn kềnh rơi xuống đất vì đã đánh chén no nê.
“Những ngày đầu mới lên đây công tác, thiếu thốn về vật chất, tinh thần nhưng các giáo viên dạy học ở Thượng Trạch không sợ, chỉ ám ảnh bị vắt cắn trong những chuyến luồn rừng “kéo” học sinh trở lại trường. Nhưng đi riết rồi cũng quen, vắt cắn chẳng qua cũng chỉ như đi “hiến máu nhân đạo” rứa thôi…”- thầy giáo Nguyễn Hữu Tuấn hài hước nói.