Dân Việt

Nguyễn Đức Chi “Rusalka” kể lại quãng đời trên cả khốc liệt

Mai Khuê (Dòng đời) 14/09/2014 14:05 GMT+7
Dự án Rusalka (tiếng Nga có nghĩa là Nàng tiên cá) sau hơn 10 năm bỏ hoang, vừa rồi bỗng dưng bị cháy 2 căn nhà. Khi dư luận lo lắng thì trong một cuộc trò chuyện cùng Dòng Đời, ông chủ - từng bị gọi là “siêu lừa” Nguyễn Đức Chi - lại cho rằng đó chỉ là một rủi ro nhỏ trong chuỗi rủi ro lớn của một quãng đời “trên cả khốc liệt”, từng làm ông bị rụng cả hàm răng và toàn bộ móng chân sau hơn 4 năm biệt giam...

“Nàng tiên cá” sẽ phải thức giấc

Thưa ông, dự án Rusalka – Nàng tiên cá đã bốc cháy khi cái tên mới Champarama chưa được khởi công xây dựng lại, ông nói gì về điều này?

-Bản thân tôi riêng dành cho dự án Rusalka cũ và Champarama mới này nhiều niềm yêu. Hồi đó, tôi lấn biển để thực hiện dự án vô cùng khó khăn, bạn bè bỏ đi hết mà tôi vẫn cứ làm. Nên, tôi là người mong muốn nhất dự án được xây dựng trở lại. Hiện nay, vì đang vướng mắc với nhà thầu chính nên tôi chưa thể thực hiện tiếp tục dự án, nếu hết vướng mắc, trong vòng 8 tháng dự án có thể đi vào khai thác hoạt động vì hiện tại dù hoang hóa nhưng công tác xây dựng cơ bản đã xong. Tôi vẫn đang kiên trì đàm phán, thuyết phục nhà thầu chính (Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng BMC) và tôi rất hy vọng mọi vướng mắc sẽ được kết thúc trong tháng 9 này.

Và vì Rusalka dù hoang sơ nhưng vẫn đẹp nên chiều chiều, ngày nghỉ, sinh viên vẫn vào đó pic-nic, người người vào đó chụp ảnh cưới…vv… rồi có lẽ do sơ suất mà xảy ra việc cháy. Do được khống chế, dập tắt kịp thời nên tổn thất không quá lớn. Hơn nữa, cháy chỉ làm hỏng mái nhà mà mọi mái nhà ở đây rồi sẽ đều phải dỡ đi, làm lại vì sau hơn 10 năm bỏ hoang đã bị mối mọt xông. Nên việc bị cháy hai căn nhà vừa rồi chỉ như mất một phần vật tư thôi, là một rủi ro nhỏ trong cái rủi lớn và tổn thất lớn nặng nề của 10 năm bị đóng băng. 

img
Ông Nguyễn Đức Chi. (Ảnh: Mai Khuê)

Nhưng nếu mọi nỗ lực đàm phán không mang lại kết quả, Nàng tiên cá sẽ ra sao?

- Nếu hai bên không thể thỏa thuận được, tôi sẽ yêu cầu chính quyền họp lại và xử lý rốt ráo. Dự án không thể “treo” mãi mãi, tài sản của các bên bị đóng băng như thế mãi là rất phản cảm. Hướng xử lý như thế nào thì không thể nói, nhưng nếu hai bên không thể thỏa thuận được thì buộc cơ quan hành chính hoặc tư pháp phải vào cuộc.

Tôi đã từng muốn BMC đưa ra tư pháp, nhưng BMC không muốn như vậy. Tôi cho rằng những gì đã và đang xảy ra với tôi và dự án này là một rủi ro pháp lý trong quá trình phát triển của xã hội nên hiện tại về cảm xúc, với tôi không còn gì quá nặng nề, về kinh tế không thể để lâu dài hơn vì thiệt hại cho chủ đầu tư, cho nhà thầu BMC, cho xã hội và cho cả tài nguyên du lịch…

"Lúc bị bắt, con gái tôi 11 tuổi, con trai sau 1 tuổi. Vợ và mẹ tôi già sọm đi. Khi ra tòa, tôi thậm chí không dám nhìn mặt mẹ lần thứ hai, rất đau đớn. Nhưng an ủi lớn nhất là, người thân không tin tôi phạm tội, bạn bè không tin tôi phạm tội, và tôi cũng có niềm tin như vậy. Con cái rồi sẽ hiểu bố mẹ chúng đã buộc phải đi qua một giai đoạn thăng trầm của cuộc đời"  - ông Nguyễn Đức Chi.

Không có thời gian để đòi đền bù oan sai

Thưa ông, khi vụ án xảy ra, tên ông bị gắn liền với hai chữ “siêu lừa”và ông đã trải qua một quãng đời trong tù, sao ông có thể nói rằng “không còn gì nặng nề”?

- Thực tế là không có vụ án Rusalka. Người ra chỉ gọi là vụ án Rusalka vì thời điểm xảy ra vụ án đó chính là thời điểm tôi đầu tư vào Rusalka, lúc đó là một trong vài dự án lớn nhất tại Nha Trang. Quá trình xảy ra vụ án chỉ là khi tôi bảo lãnh cho một đối tác nước ngoài mua gạo của Công ty XNK Lương thực Trà Vinh. Sau đó tôi sang nhượng một phần dự án để thanh toán.

Việc mua bán gạo đó đã xảy ra trước cả khi tôi đã đầu tư vào Rusalka. Nhiều người và ngay cả cơ quan cảnh sát điều tra lúc đó nghĩ rằng đối tác nước ngoài không thanh toán tiền gạo vì tiền gạo đã sử dụng cho dự án. Nhưng thực ra, giao dịch mua gạo xảy ra năm 2003 trong khi tôi đầu tư vốn chủ sở hữu là giai đoạn 2000 – 2003, còn từ 2003 - 2004 là sử dụng bảo lãnh của ngân hàng quân đội, có nghĩa là sử dụng tín dụng và hai việc bảo lãnh xuất khẩu gạo và đầu tư vào dự án là hai việc khác hẳn nhau.

Cơ quan điều tra quy kết tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản cho tôi hay không là liên quan đến gạo nhưng cuối cùng tòa đã phải tuyên là tôi không lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Còn tòa vẫn quy kết tôi tội câu kết với đối tác nước ngoài để sử dụng trái phép tài sản là gạo của Nhà nước thì đến tận bây giờ, tôi vẫn không thấy đúng bởi trên thực tế tiền gốc và lãi suất chậm tôi đều đã trả. Tuy nhiên, sau hơn 4 năm tạm giam, rốt cuộc người ta đã không thể kết cho tôi cái tội lừa đảo với cái tên “siêu lừa” hết sức nặng nề là tôi đã thấy thanh thản nên tôi không cãi nữa.

Sau khi cho tôi ra tù trước thời hạn thì 3 tháng sau Tòa án Nhân dân Tối cao đã ra quyết định hủy quyết định trước đó của Tòa phúc thẩm TP.HCM và trả lại toàn bộ tài sản cho tôi. Vì vậy, tôi nghĩ, có lẽ mọi người đã thấu hiểu nên không có lý do gì để làm thêm căng thẳng. Tôi không hề có ý thức về việc đòi đền bù hoặc đòi cơ quan nào đền bù tổn thất. Thời gian để đòi cho được việc đó, tôi dành để làm việc khác. 

Chuyện cũ tôi không còn ấm ức chỉ tiếc là đam mê của mình bị chững lại rồi dang dở với Rusalka. Tài sản của chủ đầu tư và của nhà thầu bị đóng băng không mang lại lợi ích gì và tiếc nhất là tài nguyên du lịch không được khai thác kịp thời. 
img 
Dự án Riviera Resort and Spa đang được gấp rút thi công. Ảnh: Mai Khuê

Thưa ông, khi đàm phán công nợ để khởi động lại Rusalka, ông từng đã nói “ra tù tôi không còn gì, chỉ còn lại cái đầu và cái máy tính, tôi sẽ làm lại tất cả”. Nhưng mấy năm rồi, Rusalka vẫn bất động? 

- Tôi không nhớ tôi đã nói như vậy với ai. Nhưng với Rusaka thì tôi tin là sớm muộn thế nào cũng phải tốt thôi. Vướng mắc với BMC không thể kéo dài mãi mãi được.

Tôi có đam mê trong lĩnh vực du lịch. Sau khi ra tù, với vai trò là Chủ tịch HĐQT của Công ty TNHH Du lịch trọng điểm Nha Trang (Focus Travel Nha Trang) tôi đang thực hiện dự án Khu nghỉ dưỡng Riviera Resort and Spa tại Bãi Dài (Cam Lâm, Khánh Hòa) trên diện tích 10ha với 420 phòng, sẽ bắt đầu hoạt động từ tháng 1.2015. Tôi cũng đang triển khai dự án Công viên Bến du thuyền quốc tế tại phường Vĩnh Hòa, Nha Trang với diện tích 89,3ha. Đây là dự án sẽ khai thác tiềm năng của vịnh Nha Trang.

Hiện tại mấy trăm con tàu đưa du khách đi thăm vịnh Nha Trang đều là tàu cá, tôi muốn thay nó bằng du thuyền du lịch cao cấp đi tham quan và tàu du lịch nghỉ dưỡng. Hiện tôi đang thuê tư vấn từ Đức và Pháp để đang đóng 2 thuyền mẫu. Một ngày nào đó, với chiến lược của tôi, trên vịnh Nha Trang xinh đẹp sẽ có nhiều du thuyền như những khách sạn 3-5 sao nổi phục vụ du khách.

Sau khi ra tù ông có gặp khó khăn gì vì quá khứ không? Các đối tác có e dè khi làm ăn với ông không? 

- Tôi hầu như không có thời gian chấp hành án vì án tuyên gần như tương đương với thời gian tạm giam, khấu trừ tạm giam xong rồi thì lại giảm án cho nên tôi được tự do. Quá khứ đó, có ảnh hưởng đến tâm trạng công việc không ư? Tôi nói, lửa đam mê không tắt, chỉ bị ảnh hưởng đơn thuần về kinh tế vì đầu tư vào Rusalka hơn chục năm nay không mang lại hiệu quả.

Đến nay, tôi phải đền bù cho cả nhà thầu vì vụ án đó, thôi thì tôi coi như rủi ro, tai nạn nghề nghiệp, chấp nhận vậy. Sau khi được tự do, tài sản cũ bị đóng băng, tài sản mới chưa hình thành nên nếu không có sự ủng hộ, tin tưởng từ nhiều phía thì tôi không làm gì được. Đối tác mới không e dè và các cơ quan chức năng vẫn ủng hộ ý tưởng mới, phương án đầu tư, kinh doanh mới của tôi.

Các dự án mới vẫn triển khai và đầu tư tốt, doanh thu du lịch lữ hành vẫn tăng mạnh mẽ. Nếu tôi không được ủng hộ thì không làm gì được dù tôi vẫn còn nhiệt tình và đam mê trong công việc và cảm giác là còn làm được nhiều thứ khác. 

Có đam mê, có phương án đầu tư tốt, có ý tưởng hay, kết nối tốt, tóm lại “có cái đầu và cái máy tính” nhưng không có tiền, làm sao để thực hiện các dự án?

-Trong đầu tư, với tôi tiền không phải là quan trọng nhất. Phương án đầu tư kinh doanh hiệu quả, ý tưởng mới rồi chứng minh được việc kiếm và chia sẻ được lợi nhuận cho những nhà đầu tư thì sẽ thu hút được vốn. Cụ thể là tôi đang thu hút nhiều vốn nên các dự án tiến triển mạnh mẽ. Ví dụ, du lịch lữ hành của Focus Travel Nha Trang, muốn tiến triển tốt như hiện nay là phải thuê máy bay đưa thẳng khách Nga đến Nha Trang. Rồi phải đặt cọc trước khách sạn, resort cho khách.

Cụ thể như Diamond Bay, tôi phải đặt cọc 3 triệu đô/năm nhưng thực tế tôi không có sẵn số tiền đó, chưa nói gần 100 khách sạn khác cần tiền để đặt cọc vì phải có lưu trú mới thuê máy bay và phối hợp với đối tác thuê máy bay đưa khách sang… Nhưng vì sao công việc vẫn suôn sẻ? Vì tôi đã “kết nối” tập trung được nhiều người có chung ý tưởng, có niềm tin vào phân tích thị trường, định hướng phát triển của tôi mà đầu tư tiền vào cùng làm với tôi. Nên với tôi, tiền không phải là yếu tố quan trọng nhất.

Hiện nay, trở ngại lớn nhất đối với tôi chính là thủ tục hành chính. Dự án Công viên Bến du thuyền, tỉnh phê duyệt rất sớm từ cách đây hơn hai năm nhưng thủ tục qua Bộ Văn hóa, Bộ Tài nguyên - Môi trường, lấy ý kiến của các bộ, sở ngành kéo dài, thủ tục hành chính dây dưa mãi mới xong. Tôi thấy, càng ngày thủ tục hành chính càng rườm rà, rắc rối, nếu không nói là quá đà. Thay bằng 3 tháng như trước đây thì nay để làm đầy đủ thủ tục hành chính của một dự án phải mất 3 năm làm mỏi mòn ý chí, nhiệt huyết của nhà đầu tư.
Dự án Rusalka Ngày 25.6.2005, Nguyễn Đức Chi (Chủ tịch HĐQT Công ty Đầu tư và Phát triển du lịch Rus Invest Tur - RIT) bị bắt về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, kê biên, thu con dấu, giấy tờ tài liệu liên quan của RIT và toàn bộ tài sản đầu tư vào dự án Rusalka (43,8ha đất, công trình đã xây dựng trên đất…). Sau đó, trên cơ sở đề nghị của CQĐT, Bộ KHĐT đã chấm dứt hoạt động của dự án Rusalka; UBND Khánh Hòa thu hồi “sổ đỏ” của dự án.

Nhưng cơ quan bảo vệ pháp luật không đủ căn cứ buộc tội Nguyễn Đức Chi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau đó, Nguyễn Đức Chi bị TAND tỉnh Trà Vinh phạt 4 năm tù giam về tội “sử dụng trái phép tài sản”; TAND tỉnh Khánh Hòa phạt 18 tháng tù giam về tội “làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Năm 2009, Nguyễn Đức Chi được giảm án 6 tháng, năm 2010 Nguyễn Đức Chi được giảm hết thời gian chấp hành hình phạt còn lại.

Sau khi ra tù ông Nguyễn Đức Chi xin tiếp tục thực hiện dự án Rusalka. Tỉnh Khánh Hòa sau đó đã giao giấy chứng nhận đầu tư cho Focus Travel Nha Trang (do chính ông Nguyễn Đức Chi làm Chủ tịch HĐQT) tiếp tục thực hiện dự án Rusalka đổi tên thành dự án Champarama. Nhà thầu chính là BMC đã liên tục khiếu nại UBND tỉnh Khánh Hòa về việc này vì công nợ của họ là các công trình trên đất nền dự án Rusalka chưa được nhà đầu tư giải quyết rốt ráo.

Rụng răng, móng chân sau 4 năm biệt giam 

Tôi nhớ, trong các phiên toà, ông thường tự bào chữa hoặc tham gia bào chữa rất hiệu quả, vì rất thuộc luật pháp Việt Nam?

- Trong các phiên tòa, gia đình có thuê luật sư nhưng thực tế thì không ai hiểu việc tôi làm bằng chính bản thân nên tôi tự  bào chữa. Thời sinh viên, tôi từng học Học viện An ninh trong nước. Sau đó được Bộ Công an cử sang Liên Xô (cũ) học tiếp về luật và kinh tế. Không phải tôi thuộc Luật Việt Nam mà là vì nền tảng luật hình sự của các nước rất giống nhau. Có khác chăng chỉ khác chút ít và khác điều số bao nhiêu thôi.

Tại các phiên tòa tôi có vận dụng những gì mình đã học, đã biết và hầu như tất cả những gì tôi nói đều được tòa thừa nhận. Tôi hiểu pháp luật và tin tôi không vi phạm pháp luật nên ý chí không bị đẩy lùi. Tôi vẫn cho là kết cục của tôi có hậu so với nhiều trường hợp khác. Vì có những oan sai mãi không bào chữa nổi, có những oan sai hàng chục năm mới giải oan, còn với tôi, một vụ án được cho là tham nhũng điển hình với một người được báo chí gọi là “siêu lừa” đã được sáng tỏ rất sớm, chỉ trong 4 năm. 

Vì vậy mà tôi thậm chí còn không yêu cầu các bài báo viết không đúng phải đính chính sau khi tôi ra tù. Nhà báo đưa tin cũng vì tích cực chống tham nhũng và tin vào nguồn tin, tin vào thực tiễn có thật, tiêu cực khắp nơi, nhà báo tin là tích hợp nhiều yếu tố có thật. Nhưng rốt cuộc có thật hay không thì nhà báo cũng đã nhìn thấy, có điều tiện nói hay không thôi.

Có một lần trong trại giam tôi có viết đơn yêu cầu khởi tố một số nhà báo vu khống nhưng cũng viết rõ là yêu cầu miễn trách nhiệm hình sự cho nhà báo nào hợp tác khai ra nguồn tin vì tôi không tin là nhà báo tự nghĩ ra. Tôi không tị hiềm với các nhà báo đã viết tin bài về tôi, không ai tách mình ra khỏi môi trường xã hội, môi trường pháp lý được.

Vậy ông nói gì về vụ làm giả tài liệu, giấy tờ?

- Vụ khởi tố tội làm giả tài liệu cơ quan tổ chức là vụ khởi tố sau cùng, sau khi giam 4 năm mà xử tôi có 4 năm (tội sử dụng trái phép tài sản). Tôi thừa nhận đã tự tay ký thay cho các cổ đông trong công ty trong một số văn bản, giấy tờ nhưng đó là hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đầu tư. Các nhà đầu tư đã có ủy quyền toàn quyền cho tôi rồi nên sai phạm về hình thức văn bản chứ không phải bản chất. Tôi không xâm phạm quyền và lợi ích của các cổ đông bởi các cổ đông đã ủy quyền hết cho tôi rồi.

Luật Hình sự chỉ có đủ các yếu tố sau đây mới là vi phạm luật: Đấy là hành vi phạm phải có thật; có động cơ xâm phạm quyền và lợi ích của người khác, tập thể khác; có hành vi vi phạm và để lại  hậu quả. Hồ sơ đó, công ty tôi đã xin rút về, hồ sơ đó vô hiệu như vậy không có động cơ xâm phạm quyền lợi ích của người khác, không gây hậu quả gì, chỉ có sai phạm hành chính nên không đủ để cấu thành tội hình sự. Đó là quan điểm của tôi nhưng tòa đã tuyên phạt tôi 18 tháng, đầu tiên tôi có kháng cáo nhưng sau tôi thấy không cần thiết phải làm phức tạp tình hình vì cộng dồn 2 án cũng gần bằng thời gian tạm giam. Nên theo đề xuất của đại diện VKS, họ đề xuất rút nên tôi rút kháng cáo dù chắc chắn không đủ yếu tố cấu thành tội.

Nói về thời kỳ bị tạm giam, với tôi là hơn cả khốc liệt. Được cho là vụ án lừa đảo, tham nhũng điển hình cả nước nên 4 năm tạm giam là biệt giam rồi di lý qua 9 trại khác nhau của 9 tỉnh thành trên cả nước để chống liên hệ, thông cung. Không được thăm thân, không được tiếp tế, ngoài vài lần gặp luật sư, không được gặp bất cứ ai. Ăn uống thiếu chất, móng chân rụng hết. Ra tù, thị lực còn 5/10, răng tôi xuất hiện những chấm đen, nha sĩ cứ đưa dụng cụ vào là rụng, tổng cộng rụng 19 cái răng, phải trồng răng giả, nên nay răng tôi rất trắng (cười).

Khi ra khỏi tù, mấy tháng liền nước mắt tôi cứ chảy ròng ròng vì không quen ánh sáng. Tôi nói vui với mấy ông điều tra là may mà thả sớm chứ thả muộn thêm nữa là tôi chạy trở vào phòng tối vì không quen nổi với ánh sáng nữa.

Nhưng nói về tổn thất tinh thần thì gia đình bị nhiều hơn so với tôi. Lúc bị bắt, con gái tôi 11 tuổi, con trai sau 1 tuổi, tác động tất nhiên là rất lớn. Vợ và mẹ tôi già sọm đi. Khi ra tòa, tôi thậm chí không dám nhìn mặt mẹ lần thứ hai, rất đau đớn. Nhưng an ủi lớn nhất là, người thân không tin tôi phạm tội, bạn bè không tin tôi phạm tội, và tôi cũng có niềm tin như vậy. Con cái rồi sẽ hiểu bố mẹ chúng đã buộc phải đi qua một giai đoạn thăng trầm của cuộc đời.