Dân Việt

Hành pháp đừng buồn

15/06/2013 20:04 GMT+7
(Dân Việt) - Việc lấy phiếu tín nhiệm đại trà chưa hẳn là hay. Người được cao phiếu hãy đừng vội mừng vì rất có thể chỉ là người tròn trĩnh vô thưởng vô phạt, và người được phiếu thấp hãy đừng buồn.

Ngày 11.6.2013 Quốc hội công bố công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm 47 vị quan chức cao cấp được Quốc hội tổ chức hôm trước. Số phiếu “tín nhiệm cao” của các vị bên Chính phủ không cao, còn số phiếu “tín nhiệm thấp” lại khá cao so với các vị lãnh đạo Quốc hội.

img
 

Báo chí trong nước và nước ngoài đã rầm rộ đưa tin về sự kiện chưa từng có này ở Việt Nam. Dưới đây chỉ bàn về sự so sánh kết quả.

Báo chí đưa tin nhiều vị bộ trưởng cảm thấy rất buồn vì nhận được nhiều phiếu “tín nhiệm thấp”. Các vị hãy đừng buồn!

Việc bỏ phiếu (bất) tín nhiệm một thành viên của Chính phủ hay cả Chính phủ lẽ ra phải là chuyện bình thường và người bị truất khỏi chức vì sự bất tín nhiệm của Quốc hội cũng chưa hẳn đã nên buồn. Đấy là chuyện ở các nước tiến bộ. Và Việt Nam cũng nên học càng nhanh càng tốt. Đã có bản lĩnh làm quan to thì chắc phải đủ bản lĩnh để học và vượt qua chuyện như vậy.

Không ở đâu người ta bỏ phiếu tín nhiệm tổng thống và các quan chức quốc hội cả. Tổng thống có thể bị phế truất, nhưng không bị lấy phiếu tín nhiệm. Các đại biểu quốc hội là các đại biểu dân bầu. Các quan chức quốc hội, kể cả chủ tịch, không có quyền quyết định hơn một đại biểu thường.

Họ không phải là cấp trên của đại biểu quốc hội khác. Thế nhưng ở ta người ta vẫn quan niệm sai rằng họ là cấp trên. Tập quán ấy cũng phải thay đổi nếu muốn đất nước phát triển. Sở dĩ không cần bỏ phiếu tín nhiệm các quan chức quốc hội vì người dân đánh giá họ bằng lá phiếu của mình và có sự chế ngự của các nhánh quyền lực khác.

Việc các đại biểu quốc hội bỏ phiếu “tín nhiệm cao” cho các quan chức quốc hội như thế là điều dễ hiểu. Đó là chưa nói đến chuyện họ ít khi phải đối mặt trực tiếp, chịu trách nhiệm trực tiếp về các vấn đề nóng của xã hội như các thành viên chính phủ.

Như thế, không cần lấy phiếu tín nhiệm các quan chức quốc hội, như Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng đã nhận ra. Nếu không lấy phiếu tín nhiệm các quan chức quốc hội, thì chẳng có chuyện so sánh giữa người này và người nọ, bên hành pháp và bên lập pháp. Ngay cả bên trong Chính phủ cũng không thể so sánh bộ trưởng này và bộ trưởng khác. Việc bỏ phiếu (bất) tín nhiệm các thành viên chính phủ hay bản thân Chính phủ cũng chỉ được tiến hành khá hãn hữu. Đánh giá chủ yếu phải diễn ra tại các cuộc điều trần ở các ủy ban và chỉ trong trường hợp đặc biệt mới đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm.

Việc lấy phiếu tín nhiệm đại trà chưa hẳn là hay. Người được cao phiếu hãy đừng vội mừng vì rất có thể chỉ là người tròn trĩnh vô thưởng vô phạt, và người được phiếu thấp hãy đừng buồn.