Phóng viên Báo NTNN đã có cuộc trao đổi với ông Trần Thanh Đức về vấn đề này.
Qua kinh nghiệm đã nhiều năm tổ chức thi cụm tại địa phương, ông thấy thi cụm thường gặp phải những vấn đề gì?
- Bản chất của việc thi cụm là khoa học nhưng trước đây chúng ta thất bại với thi cụm, chấm chéo là do chúng ta làm chưa sát sườn nên đã nảy sinh nhiều tiêu cực. Đã có hiện tượng các cụm thi “nhờ vả” nhau. Việc chấm chéo thì càng bất cập. Khi còn là Giám đốc Sở GDĐT Tiền Giang tôi đã nói với Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân là nếu làm thi cụm, chấm chéo thì phải làm phách theo cụm với điều kiện các tỉnh chấm lẫn nhau, nhưng anh không biết anh chấm bài của tỉnh nào.
Một vấn đề nữa là việc tập trung thi cụm nghe có vẻ dễ nhưng thực ra tổ chức rất phức tạp, đặc biệt là việc bố trí chỗ ăn, ngủ, nghỉ cho giám thị trong thời gian coi thi, chấm thi.
Tới đây kỳ thi quốc gia sẽ tổ chức các cụm thi theo đối tượng dự thi. Vậy theo ông những bất cập này có lặp lại?
- Có 2 vấn đề lớn sẽ xảy ra và Bộ GDĐT phải lường trước được. Thứ nhất, đối với các cụm thi do các trường ĐH, CĐ tổ chức, lượng thí sinh rất lớn thi trong 4 ngày thì tổ chức cụm trên địa bàn 1 tỉnh khó có thể đáp ứng được cơ sở vật chất. Chỉ tính riêng việc bố trí cho khoảng 500 – 600 giám thị, thanh tra đến coi thi, điều kiện ăn ở tối thiểu tại các nhà nghỉ, khách sạn bình dân cũng có thể không đủ. Hơn nữa, lực lượng coi thi và lực lượng chấm thi tại cụm lại khác nhau (vì các cụm sẽ phải thuê giáo viên THPT hoặc giảng viên các trường chuyên môn về chấm thi), sự luân chuyển này cũng sẽ rất phức tạp. Rồi bố trí cơ sở vật chất an toàn và lực lượng bảo vệ cho các hội đồng chấm thi có tính chất quốc gia ở địa phương sẽ giải quyết thế nào?
Thứ 2, đối với các cụm thi do Sở GDĐT tổ chức dự kiến phục vụ cho 20% thí sinh không có nhu cầu thi ĐH. Tôi nghĩ con số 20% sẽ giảm trong năm tới vì chắc chắn, rất nhiều học sinh sẽ có tâm lý chọn thi ở cụm tập trung thay vì thi ở cụm lẻ. Ở Tiền Giang tôi tin rằng đa số các em sẽ chọn thi ở cụm các trường ĐH tổ chức. Các em sẽ nuôi hy vọng thi ở cụm tập trung sẽ có cơ hội vào ĐH. Như vậy, bài toán về tổ chức cụm thi “siêu nhỏ” và “siêu khủng” sẽ không hề dễ giải.
Còn riêng việc có thể “nhờ vả” hay không, tôi tin rằng vẫn sẽ có nếu như chúng ta không có biện pháp quản lý, giám sát thật chặt, kỷ luật thật nghiêm các vi phạm để làm gương.
Việc gộp 2 kỳ thi, theo Bộ GDĐT kỳ vọng sẽ tiết kiệm cho xã hội, giảm được chi phí cho các gia đình sĩ tử, ông nghĩ gì về điều này?
- Tôi nghĩ chưa chắc, ít nhất là năm tới đây, khi nhiều trường ĐH chưa thực sự tin tưởng vào kết quả của kỳ thi quốc gia vẫn sẽ thi riêng. Kết quả là, các em sẽ phải 2 lần đi thi như đi thi ĐH. 2 lần “khăn gói quả mướp” tập trung tại địa điểm thi cách xa nhà, 2 lần phải thuê trọ, 2 lần phải chịu áp lực tâm lý. Và tất nhiên, vấn đề về kinh tế sẽ gấp đôi. Đối với thí sinh thi chỉ để đỗ tốt nghiệp, bình thường mọi năm các em thi ở trường THPT của mình, năm nay sẽ phải thi ở các cụm thi tập trung. Có những địa bàn miền núi, vùng sâu vùng xa, việc đi lại đến cụm thi của tỉnh cũng đã tính bằng vài chục km rồi, tất nhiên sẽ phát sinh ở trọ qua đêm, mức chi phí sẽ phải tốn hơn.
Còn việc coi thi, ông có nghĩ lực lượng giám thị là giảng viên các trường ĐH sẽ giải quyết được vấn đề công tâm, khách quan cho các cụm thi trường ĐH tổ chức?
- Đó cũng là một biện pháp, tuy nhiên chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng, nếu trường tổ chức thi chọn đầu vào cho trường mình thì việc công tâm, khách quan sẽ triệt để hơn. Còn việc đứng ra tổ chức thi cho một vùng thì tôi không dám chắc có sự khách quan.
Vậy theo ông kỳ thi quốc gia sẽ phải thực hiện thế nào để vừa đảm bảo khách quan, vừa tiết kiệm và không gây áp lực tâm lý cho học sinh?
- Phương án mà Bộ GDĐT lựa chọn là phương án tốt nhất có thể dùng ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, Bộ GDĐT cần cân nhắc thật kỹ các bước và các khâu làm, đặc biệt là khâu tổ chức thi và chấm thi. Có thể thêm nhiều cụm thi ở các địa phương để tránh việc đi lại bất lợi cho học sinh, giáo viên có thể di chuyển chứ học sinh thì không nên vì có thể nhiều em sẽ tiếp tục phải thi sát hạch ở các trường ĐH nữa.
Tiếp đó là sự phối hợp giữa các trường, sở, UBND các tỉnh trong việc tổ chức trên địa bàn tỉnh đó. Bộ cần phân cấp và yêu cầu trách nhiệm cho từng đơn vị trong các khâu tổ chức thi. Việc thi xong, các đơn vị trường ĐH rút rồi còn việc giải quyết hậu kiểm sẽ thế nào? Ví dụ như: Khiếu nại, tố cáo, phúc khảo… cũng cần phải phân tầng trách nhiệm.
Xin cảm ơn ông!