Dư luận đang hết sức bất bình trước việc cháu Đỗ Thị Kim Ngân (SN 2011) bị chính cha mẹ mình đánh gây thương tích phải cấp cứu tại bệnh viện. Theo thông tin ban đầu, Đỗ Trọng Minh (27 tuổi, quê phường Tân Vạn, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) và Nguyễn Thị Thùy Trang (26 tuổi, quê huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long) sống chung với nhau từ năm 2010 nhưng chưa đăng ký kết hôn.
Tới ngày 10.2.2011, Minh và Trang sinh được bé Đỗ Thị Kim Ngân (chưa làm giấy khai sinh cho bé) và cả gia đình cùng ở trọ tại một phòng trọ thuộc khu phố Nội Hóa 2, phường Bình An, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Ngày 10.9, do nghịch nên cháu Ngân bị bố mẹ đánh, bị trói rồi bắt quỳ nhiều giờ liền. Mặc dù cháu Ngân toàn mặt, mắt bị tím bầm, đầu sưng nhưng Minh và Trang không đưa cháu đi chữa trị. Đến chiều 12.9, hàng xóm phát hiện cháu Ngân bị thương mới đưa đi bệnh viện rồi báo công an. Theo nhận định ban đầu, cháu Ngân bị chấn thương sọ não.
Theo ông Nguyễn Thân (nguyên Thẩm phán TAND Tối cao) thì hành vi của cặp vợ chồng Minh - Trang có dấu hiệu của tội Cố ý gây thương tích hay tổn hại cho sức khỏe người khác. Hiện chưa xác định được cháu Ngân bị tỷ lệ thương tật là bao nhiêu phần trăm, nhưng theo quy định tại Khoản 1 của Điều 104 Bộ luật Hình sự thì hành vi của Minh - Trang có dấu hiệu phạm tội:
Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
...
d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ.
...
Theo LS Nguyễn Quang Tiến (Đoàn luật sư TP.Hà Nội), với hành vi của cặp vợ chồng Minh - Trang (báo chí nêu), cơ quan điều tra có đủ căn cứ để khởi tố vụ án. Tuy nhiên nếu quy vào tội cố ý gây thương tích thì chưa có kết quả giám định tỷ lệ thương tật thì cơ quan điều tra chưa có đủ căn cứ khởi tố bị can. Ở trường hợp này nếu cháu Ngân phải điều trị dài ngày, chưa thực hiện được việc giám định thương tích mà thời gian tạm giữ hình sự cặp vợ chồng Minh - Trang đã hết, cơ quan điều tra có thể sẽ thay đổi biện pháp ngăn chặn là cấm đi khỏi nơi cư trú, sau khi có kết quả giám định sẽ xem xét xử lý tiếp. Bên cạnh đó với sự việc đang gây bức xúc, để trấn áp tội phạm cơ quan điều tra có thể khởi tố một tội sát với tội cố ý gây thương tích ví dụ như tội hành hạ người khác. Sau khi thu thập chứng cứ đầy đủ sẽ thay đổi tội danh cho phù hợp.
Trong vụ việc này có những tình tiết khá rắc rối, thủ phạm gây thương tích cho cháu Ngân lại chính là bố mẹ, người đại diện hợp pháp cho cháu. Trong khi ở khoản 1 Điều 104 Cố ý gây thương tích thì việc khởi tố lại theo yêu cầu bị hại. Trường hợp hành vi của Minh - Trang chỉ ở trong điều khoản này thì ai sẽ đại diện cho cháu Ngân yêu cầu cơ quan pháp luật xử lý? Theo LS Tiến trường hợp này cơ quan điều tra có thể chỉ định một tổ chức nào đó chẳng hạn cơ quan làm công tác chăm sóc bảo vệ trẻ em địa phương làm đại diện hợp pháp cho cháu Ngân. Còn hành vi của cặp vợ chồng Minh - Trang thuộc vào Khoản 2 Điều 104 (tỷ lệ thương tật của cháu Ngân từ 11-30%) thì cơ quan tố tụng xử lý ngay không cần bị hại yêu cầu.