Dân Việt

Thoi thóp nghề chiếu nghìn tuổi của người Ê Đê

Duy Hậu 15/09/2014 15:37 GMT+7
Từng một thời hưng thịnh, đem lại cuộc sống ấm no cho nhiều gia đình nhưng đến nay nghề dệt chiếu của người Ê Đê có từ ngàn năm trước lại như “đèn trước gió”. 

Một thời hưng thịnh

Thôn Buôn Triết, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana (Đăk Lăk) hiện nay là nơi duy nhất còn giữ lại được nghề dệt chiếu của người Ê Đê. Bà H’Ven H’đer (60 tuổi), người cả đời theo nghề dệt chiếu kể rằng: Những năm 70-80 của thế kỷ trước, khi nghề dệt chiếu của người Ê Đê còn phát triển mạnh, bà đã theo Amí (mẹ) đi khắp các chợ làng, chợ xã bán chiếu.

Ngày đó, cây cói mọc khắp các bãi sình lầy dọc sông Krông Ana. Người dân lấy cói về phơi khô, chất đầy trên xà nhà, cứ rảnh rỗi lại mang ra dệt chiếu. Vào độ tháng 4, đường làng đâu đâu cũng thấy người ta phơi cói. Thế nhưng bao nhiêu chiếu được dệt ra cũng đều được bán hết sạch do không chỉ bền, đẹp mà giá cả cũng rất rẻ.

Tiến sĩ Buôn Krông Tuyết Nhung- giảng viên Trường Đại học Tây Nguyên, chuyên gia nghiên cứu văn hóa Ê Đê khẳng định: Từ ngàn năm trước người Ê Đê Bih đã có nghề dệt chiếu. Đây cũng là nhóm người duy nhất của dân tộc Ê Đê biết dệt chiếu.

Chiếu dệt trơn, dày dặn, không in hoa, có màu xanh nhạt tự nhiên, bền và mát. Nghề chiếu của người Ê Đê Bih xưa có rộng khắp vùng sông nước Krông Ana, từ Ea Na, Ea Bông, Buôn Trấp… Đây được coi là nơi sản xuất chiếu lớn nhất cung cấp cho đồng bào khắp khu vực Tây Nguyên.

“Lâu rồi không nghe thấy nữa”

“Cái thời hưng thịnh đó qua lâu rồi, giờ cả buôn chỉ có 5- 6 nhà còn giữ nghề, họ làm vì… chẳng có chuyện gì để làm” - bà H’Ven H’đer nói.

Quả vậy, khi hỏi nghề dệt chiếu, nhiều cán bộ lão thành ở Krông Ana chỉ nghe “mang máng nhưng lâu rồi không nghe thấy nữa”.



Tiến sĩ Buôn Krông Tuyết Nhung
 
Các cơ quan chức năng nên có phương án bảo tồn nghề dệt chiếu của người Ê Đê, vừa để giữ gìn bản sắc văn hóa, vừa tăng thu nhập cho đồng bào. Việc làm trước mắt là nên tổ chức khảo sát, mở những lớp tập huấn để bà con hiểu giá trị kinh tế và văn hóa của nghề, tìm hướng khắc phục đầu ra và xây dựng vùng nguyên liệu”.
 
Bà H’Yê B’krông, một trong những người hiếm hoi còn giữ nghề tâm sự:

“Trước đây Krông Ana nhiều sình lầy nên sẵn cói. Giờ để lấy được cói phải thuê thuyền máy vượt sông 5 giờ, xuống tận Nam Ka, La Xiên bên kia sông Krông Knô (Đăk Nông), ở lại hàng tuần mới lấy được cói, tốn kém rất nhiều”.

Cũng vì nguyên liệu hiếm nên hiện nay ở Buôn Triết chỉ dệt chiếu vào 2 tháng mùa khô. Bà H’Yê B’krông cho biết, do làm thủ công nên mỗi ngày nhóm 3 người chỉ dệt được 6 chiếc.

Mỗi chiếc bán sỉ được 60.000 đồng, trừ chi phí mỗi người chỉ còn lại vài chục ngàn.

Những người giữ nghề đều là những gia đình ít đất sản xuất, cuộc sống khó khăn, có khi phải “bán non” cho thương lái để tạm ứng tiền lấy nguyên liệu nên bị ép bán rẻ mạt nên nghề chiếu dần mai một.

“Lớp trẻ ít theo nghề, đi làm thuê, làm mướn. Chỉ những người già ráng theo thôi. Mà có làm cũng cầm chừng chứ làm nhiều bán ai mua”- bà H’Ven H’đer than thở.

Theo tiến sĩ Buôn Krông Tuyết Nhung, ngoài lý do vùng nguyên liệu bị thu hẹp, sản phẩm khó cạnh tranh, thì việc thay đổi cấu trúc buôn làng, kiến trúc nhà dài, các lễ hội ngày càng ít được quan tâm hơn cũng là nguyên nhân chính khiến nghề dệt chiếu hết thời.