“Làm phim phải lắng nghe cảm xúc của mình trong từng không gian” hay “Sản xuất phim phải có đầu tư. Nếu không những bộ phim làm ra sẽ rơi tõm đâu đó, chẳng đọng lại gì cho khán giả. Thực tế, vẫn có nhiều bộ phim đầu tư kinh phí thấp, nhưng nếu không làm thì bộ phim đó vẫn ra đời bằng cách này cách khác.
Đạo diễn Đào Thanh Hưng |
Cạnh tranh bằng kinh phí sẽ bóp nghẹt những người làm việc nghiêm túc. Người làm phim cần có đời sống “ổn” thì mới chăm chút cho đứa con tinh thần của mình tốt được. Nhiều người giờ vẫn nói: Làm phim ráo mồ hôi là hết tiền… Quả đúng như vậy.”- Đạo diễn – sản xuất phim Bộ tứ 10A8 và Những phóng viên vui nhộn chia sẻ.
Anh vừa “Nam tiến” để làm bộ phim mang tên Mắt bão. Anh có thể tiết chia sẻ chút về bộ phim được không?
- Mắt bão là bộ phim truyền hình dài 36 tập (45 phút/tập). Đây là bộ phim được chuyển thể từ truyện dài của nhà văn Phan Hồn Nhiên do nhóm biên kịch Nắng Sài Gòn thực hiện. Phim được quay ở hơn 100 bối cảnh ở Sài Gòn và Vũng Tàu.
Đề tài phim xoay quanh nhóm bạn sinh viên năm cuối trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh sắp ra trường, tìm kiếm cơ hội việc làm. Giữa cuộc sống, họ gặp nhau trong tình bạn, tình yêu và những đánh đổi của cơ hội với tình cảm. Kết phim không phải là một kết thúc có hậu, đau thương mất mát nhiều hơn, đổ vỡ nhiều hơn như những con người trẻ tuổi đi giữa bình minh nhưng vẫn lạc lối.
Truyện phim khá xúc động và có nhiều chi tiết gợi nhớ đến thời sinh viên trong những bộ phim truyền hình Phía trước là bầu trời. được Đài THVN sản xuất nhiều năm trước đây. Vì vậy, mọi người yêu quý bộ phim gọi đây là phiên bản của Phía trước là bầu trời ở phía Nam.
Quá trình làm phim Mắt bão vừa qua đem lại cho anh những trải nghiệm thú vị nào?
- Đề tài về giới trẻ, về học sinh sinh viên luôn là những trải nghiệm thú vị của tôi. Tôi luôn thích thú và như được sống với những đề tài này.
Ban đầu vào Nam thì bỡ ngỡ nhất vẫn là ngôn ngữ. Có nhiều thuật ngữ của đoàn phim mình mãi mới hiểu nên rất buồn cười… Hay việc tôi thích sử dụng những cú máy động nên dùng rất nhiều boom và dolly. Những thiết bị này rất nặng, lắp đặt cũng mất khá thời gian và khiến tổ kỹ thuật rất vất vả.
Nhưng những kỹ thuật viên trong Nam đều luôn vô tư và sẵn sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu. Có anh còn hát chế: “Đã Boom rồi, lại đòi có Đô (Dolly)” nhái theo câu “Đã khuya rồi, vẫn ngồi đếm sao…” của ca sỹ Tuấn Hưng. Trách nhẹ nhưng vẫn rất vui…
Đạo diễn Đào Thanh Hưng setup thiết bị cùng ê-kíp |
Trong giới, vẫn nói nhiều về sự khác biệt của việc làm phim truyền hình giữa hai miền Nam - Bắc. lần “Nam tiến” này, anh có gặp khó khăn gì không?
- Ở trong Nam có Đài TH TP HCM (HTV) và Truyền hình cáp Sài Gòn (SCTV) rất mạnh về mảng phim truyền hình. Mỗi nơi đều có những kênh riêng dành cho phim truyền hình với lịch phát sóng dày đặc hầu như 24/24.
Điểm khác biệt lớn này so với vài giờ phim ở Miền Bắc đã sinh ra những đội ngũ làm phim phía Nam hùng hậu về nhân sự, họ được làm nhiều, cọ sát thực tế và cũng luôn tìm hướng đi mới, cách thể hiển mới, và cũng tìm kiếm nhân sự mới ở khác nơi khác. Nhiều đạo diễn có tiếng ở miền Bắc cũng đã Nam tiến để “được” làm phim nhiều hơn. Chứ ở ngoài Bắc chờ được làm phim thì “hơi bị lâu”…
Với số lượng phim sản xuất nhiều như vậy sinh ra việc phải sản xuất nhanh để đáp ứng nhu cầu phát sóng. Và đấy là điểm “mắc” của đạo diễn Bắc khi Nam tiến. Khi sáng tác ở môi trường làm phim phía Bắc, tôi (hoặc nhiều đạo diễn khác) thường dành nhiều thời gian hơn để chăm chút cho bối cảnh, tập với diễn viên, bàn với DOP (đạo diễn hình ảnh) để thiết kế ánh sáng để phù hợp với từng cảnh quay.
Nhưng khi vào Nam, mọi thứ đều phải nhanh hơn, tốc độ hơn và đương nhiên mình phải tư duy một cách năng động hơn theo những “điều kiện” mà nhà sản xuất đưa cho để biến hóa sao cho tốt nhất có thể. Vì thế, tư duy nhanh, xử lý nhanh và hiệu quả là điều những đạo diễn Bắc học và phải làm được khi “Nam tiến”.
Có thể hiểu là cách làm phim của miền Nam có tính chuyên nghiệp hơn?
- Như đã nói ở trên, tốc độ làm phim đã khiến cho bộ máy sản xuất phim trong Nam năng động hơn. Sự năng động thể hiện ở mọi vị trí từ phục vụ đoàn đến đạo cụ, bối cảnh, kỹ thuật, ánh sáng đến tổ sáng tác như đạo diễn, quay phim… Mỗi vị trí đều rất hiểu công việc của mình và làm tròn công việc ấy.
Các bộ phận đều rất hợp tác và tôn trọng người điều hành đoàn. Nếu không hoàn thành công việc thì có thể bị ngừng hợp đồng và bị thay thế bởi người khác hay là cả nhóm khác ngay trên trường quay. Khác với cách làm việc kiểu nhà nước, ở Bắc không ai có quyền đuổi ai, đánh giá ai trong trường quay mà đều trông chờ vào sự tự giác.
Sự khác biệt lớn nữa là sự đúng giờ. Ở phim trường phía Nam, mọi thành phần đoàn kể cả diễn viên đều có mặt rất trên trường quay rất đúng giờ kể cả đêm qua vừa có cảnh quay muộn. Hiếm khi có cảnh chờ đợi nhau.
Hồi theo học ở ĐH USC – Miền Nam nước Mỹ, tôi nhớ giáo sư chủ nhiệm người Nhật có nói với bọn tôi: Thời gian là tiền bạc của đoàn làm phim nên mọi công việc đều phải được sắp xếp khoa học. Ví dụ khi ra hiện trường, đạo diễn dàn cảnh thì tất cả mọi thành phần đoàn đều phải tập trung chú ý để lắng nghe, sau đó từng tổ trưởng của mỗi tổ chỉ đạo các tổ viên của mình triển khai, các vấn đề đạo diễn nêu ra sẽ không phải diễn giải lại nhiều với từng bộ phần nữa.
Như thế tiết kiệm được rất nhiều thời gian. Thời gian còn được tính kỹ vào những giờ ăn trưa cụ thể như tổ ánh sáng thiết lập đèn theo chỉ đạo thì tổ quay và tổ máy, tổ thiết kế đi ăn. Tổ ánh sang làm xong và quay ra đi ăn thì tổ thiết kế vào cuộc bài trí, bày biện…
Cách ra vào trường quay của từng tổ như vậy sẽ khiến việc xử lý ngoài hiện trường đều rất nhanh và không có chuyện dẫm chân lên nhau. Về mỗi cá nhân, tôi thấy chuyên môn ở ngoài Bắc tốt hơn, nhưng kết thành tập thể thì tôi thấy phía Nam tốt hơn. Họ dễ phối hợp với nhau hơn, nhịp nhàng hiểu ý hơn và đặt vấn đề công việc lên cao nhất.
Một trong những cảnh quay mà Đào Thanh Hưng làm đạo diễn |
Cá nhân anh thích được làm phim ở đâu hơn? Sau Mắt bão, anh có dự án nào mới chưa?
- Tôi thích làm phim cả ở hai miền. Việc quy trình và công nghệ sản xuất phim là một chuyện, nhưng cảm xúc về không gian, về bối cảnh lại là chuyện khác.
Ở Hà Nội ngoài Bắc, những bối cảnh cổ kính, không gian làng quê mang lại cho người sáng tác rất nhiều cảm xúc. Nhất là mình là người sinh ra ở đây. Nhưng ở Sài Gòn, mình làm về nơi ấy sẽ có những góc nhìn mới hơi, khác hơn so với những người ở đó lâu rồi. Mỗi bộ phim là một trải nghiệm, người đạo diễn sẽ tìm cho mình những trải nghiệm trong bối cảnh và câu chuyện phim để tìm cảm hứng chứ không nhất thiết phải đóng đinh ở một chỗ.
Đầu tháng 9 này, tôi sẽ bấm máy bộ phim có tựa đề Vũ điệu sống dài 40 tập. Phim cũng về đề tài giới trẻ, bối cảnh cũng ở Sài Gòn. Xoay quay những vũ công quán bar, quán nhạc sống. Có cả tình bạn, tình yêu giữa người chiến sỹ cảnh sát với những cô gái làm nghề thoạt mới nghe bị đánh giá là “xấu” này. Nhưng ở bên trong, nghề múa (đào tạo chính quy) là bao vất vả và nhọc nhằn.
5 năm học ở Sân khấu điện ảnh, bên cạnh là trường Múa Việt Nam, tôi cũng có nhiều bạn học múa giờ đang công tác ở các đoàn văn hóa nghệ thuật hay giảng dạy. Tôi hiểu và rất hâm mộ họ.
Ngoài làm phim, anh vẫn còn mê mải tham gia khá nhiều lĩnh vực. Vì sao vậy? Có bao giờ chàng hoạ sĩ với bút danh “Cò lả” muốn quay trở lại lĩnh vực tranh biếm hoạ để thử sức chiến đấu của mình một lần nữa?
Tôi mê làm phim nên những việc làm xung quanh giờ cũng là trải nghiệm để mình có vốn sống làm phim tốt hơn. Tôi thích phóng xe máy “cào cào” lang thang vùng núi phía Bắc, thích học nhảy dù, thích vẽ vời, thích đọc sách, thích làm phim tài liệu… Nói chung, cuộc sống cần luôn phong phú để mình cảm nhận cuộc sống này tốt hơn.
Thời gian thì ai cũng như nhau. “Người sống nhiều nhất không phải là người sống lâu nhất mà là người cảm nhận được cuộc sống nhiều nhất”. Tôi đang sống và cảm nhận cuộc sống này một cách tự nhiên nhất. Và mỗi bộ phim làm ra, tôi muốn đó là những trải nghiệm để khi thoát ra mình phải “ngẩn ngơ” với nó hàng tháng trời. Tôi mê biếm họa và một lúc nào đó sẽ vẽ trở lại – có thể sẽ là biếm họa kết hợp với phim. Nhưng phải mài bút đã vì lâu không vẽ bút đã… rỉ sét và tay đã… cứng mất rồi.