Dân Việt

An sinh xã hội cho người cao tuổi: Chính sách nhiều, thực thi ít

Diệu Linh 16/09/2014 05:11 GMT+7
“Luật có tính khả thi cao nhưng thực tế khả thi lại thấp” là nghịch lý được chia sẻ tại Hội thảo Đại biểu dân cử về chính sách pháp luật về an sinh xã hội đối với người cao tuổi do Ủy ban các Vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức ngày 15.9.

Theo GS - TS Đặng Nguyên Anh - Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam, hệ thống chính sách trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi (NCT) ở Việt Nam khá đa dạng và phức tạp, được quy định trong Luật NCT và các văn bản dưới luật, các nghị định, hệ thống các thông tư hướng dẫn thực hiện. Tuy nhiên, TS Anh cho biết: “Luật NCT, nghị định, chương trình hành động quốc gia về NCT đều có nội dung bao trùm nên tính khả thi rất cao. Song sự phối hợp liên ngành trong các chính sách ở cấp bộ còn yếu làm giảm tính khả thi của một số chính sách trên thực tế”.

TS Anh phân tích, nhiều quy định nằm rải rác ở các luật như Luật Hôn nhân- Gia đình, Luật Lao động, Luật Bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân… Các điều khoản về NCT đều không phải trọng tâm trong các lĩnh vực nên tính thực thi không cao. Một số bộ cũng có thông tư dành riêng cho NCT ví như Thông tư 71 của Bộ Giao thông- Vận tải về ưu tiên, giảm giá vé cho NCT khi tham gia giao thông công cộng nhưng hầu như chưa có nơi nào thực hiện. Đây là nguồn gốc sự manh mún, phân tán các chính sách trợ giúp xã hội, gây khó khăn trong quản lý, phối hợp, hiệu quả thấp và khó triển khai thực hiện ở địa phương…

TS Nguyễn Thế Huệ (T.Ư Hội NCT Việt Nam) giãi bày: “NCT hiện nay đang là những đối tượng “nghèo đa chiều”. Nhưng người trên 70 tuổi hầu hết là đi qua chiến tranh, trình độ thấp, tích lũy kinh tế ít, già, ốm yếu. Trong khi, các chính sách “đến tay” NCT lại quá ít. Hỏi rằng mấy người chìa thẻ NCT mà được giảm tiền cầu phà, tiền đi lại, tiền vé tham quan, trong khi chúng ta có luật. Luật NCT cũng khuyến khích NCT tự làm kinh tế nhưng muốn làm thì phải cho vay tiền, trong khi NCT đến Ngân hàng Chính sách vay thì đều bị từ chối với lý do: “Tính rủi ro quá cao”. Ông Huệ cho biết, hiện có hơn 50% NCT từ 60-75 tuổi- độ tuổi còn sức khỏe và minh mẫn để lao động. Nếu “bó chân bó tay” họ bằng các chính sách thì chúng ta đang đánh mất đi nguồn lực lớn, đồng thời khó có thể tạo điều kiện để NCT tự lực cánh sinh…

Ông Lê Đình Khanh - Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng, Nhà nước nên hạ thấp tuổi hưởng trợ cấp của NCT (hiện nay là 80 tuổi trở lên), tăng tiền trợ cấp (hiện là 180.000 đồng/người), tuy nhiên không nên trợ cấp bình quân cho cả NCT đã có lương hưu, có kinh tế khá giả, con cái chăm sóc mà nên xem xét các đối tượng thực sự neo đơn, khó khăn. “Chính sách phải đưa vào cuộc sống chứ đừng làm cho có, chẳng khác nào cho các cụ ăn bánh vẽ trong khi các cụ đang thực sự cần được giúp đỡ” - ông Khanh nhấn mạnh.