Đơn giản thế này thôi: Đi đẵn gỗ pơ mu bán, kiểm lâm bắt lập biên bản, quy kết tội phá rừng. Biên bản viết xong, kiểm lâm chìa cho ký để bắt phạt. Anh chàng Mông lặng lẽ bảo: phạt ta là không đúng cái lý, phạt là phạt cái thằng mua gỗ. Nếu không có nó mua, ta chặt gỗ bán cho ai. Chúng mày làm ngược rồi.
Kiểm lâm cứng lý, chịu thua.
Một buổi chợ ở Phó Bảng (Hà Giang), tôi chứng kiến một ông lão bán lê. Cứ 1 hào 1 quả. Vãn chợ, anh chàng lái xe khách đến nhìn nửa quẩy tấu lê, trả 1 hào 2 quả, mua tất. Ông lắc đầu, vẫn giữ giá 1 hào 1 quả. Chàng lái xe sốt ruột cằn nhằn: Quả to, người ta chọn hết, giờ còn quả nhỏ bán 1 hào 2 quả là phải, sao dốt thế. Ông lão trả lời: Mày muốn mua quả to, sao không đến sớm mà mua, bây giờ còn nói gì?
Lái xe rồi chẳng biết nói thế nào, đành bỏ đi.
Cái lý là do “tự sống tự có” của người miền núi là như vậy. Có những cái lý của họ làm chính quyền rất khó thuyết phục, ví dụ khi mua xe máy phải đăng ký, nộp thuế, họ bảo: Mua xe máy để cưỡi đi lại cho nhanh. Mua ngựa cũng để làm việc đó, nhưng mua ngựa có phải đăng ký nộp thuế đâu mà mua xe lại làm khác?
“Tự sống tự có” là như vậy. Một thời luật pháp mang tính thống nhất chưa có thì người ta sống bằng cái lý đó khá chuẩn. Khi luật pháp hình thành với những quy định nhiều mặt chung cho đời sống xã hội, với miền núi phải hướng dẫn thuyết phục dần dần trong cộng đồng, không dễ gì một lúc thuận chiều ngay được.
Đỗ Đức