Cho nguồn thu khá
Trà ướp hương là một sản phẩm đặc trưng làm nên thương hiệu Trà B’Lao vốn nổi danh lâu nay. Để tạo nên hương vị thơm ngon của loại trà này thì nguồn hương liệu tự nhiên (hoa lài, hoa ngâu, hoa sói, trà tiên...) rất cần thiết. Hoa sói - với đặc thù là một loại cây hương liệu không thể thiếu trong kỹ thuật ướp trà, nhanh cho thu hoạch, giống gốc dễ tìm, cây cho nguồn thu kinh tế ổn định mỗi ngày... nên không bị bó hẹp thị trường tiêu thụ. Hoa sói có giá ổn định từ 25-30 ngàn đồng/kg, có khi lên đến 70-80 ngàn đồng/kg, nên đã nhanh chóng trở thành cây trồng chủ lực cho nhiều hộ gia đình nơi đây.
Anh Nguyễn Văn Tài ở khu phố 7, phường Lộc Tiến, TP.Bảo Lộc, người đã từng thoát nghèo từ loại hoa này cho biết: “Những năm trước, hoa sói luôn ổn định ở mức 25-30 ngàn đồng/kg, với năng suất thu hoạch trung bình 3kg/sào/ngày thì mỗi tháng người trồng sói thu trên 2,5 triệu đồng - khoản thu mà nhiều năm trước khá cao so với các loại cây trồng khác”.
Tính riêng trên địa bàn phường Lộc Tiến hiện có 16 doanh nghiệp chế biến trà ướp hương và có hơn 20 hộ thường xuyên ướp trà. Vào mùa cao điểm, trung bình mỗi ngày một doanh nghiệp cần khoảng 10kg hoa sói để ướp hương. Với nhu cầu này, lượng hoa sói trên địa bàn Lộc Tiến, Lộc Châu, Đại Lào không đủ để cung ứng, các doanh nghiệp buộc phải mua thêm hoa sói ở các tỉnh khác. Thiếu thì vẫn thiếu, thừa thì vẫn thừa đang là một nghịch lý và là bài toán khó cho người trồng hoa sói hiện nay. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân dẫn đến nghịch lý trên là vì nông dân trồng hoa sói không tìm được nguồn tiêu thụ nào khác mà phải phụ thuộc hoàn toàn vào nhu cầu của các cơ sở chế biến trà tại địa phương. Vì vậy nên giá lên hay xuống là do các doanh nghiệp này định đoạt. Điều bất ngờ là trong khoảng 7 năm trở lại đây, giá loại hoa này vẫn “ổn định” ở mức 25 – 30 ngàn đồng/kg đã làm cho không ít hộ nông dân gặp khó và phá bỏ loại cây này.
Trên đường tận diệt...
Gắn bó với cây hoa sói gần chục năm, thế nhưng gia đình ông Lê Văn Me ở khu phố 3, phường Lộc Tiến lại quyết định chặt bỏ toàn bộ hoa sói để chuyển sang trồng các loại cây khác: “Vùng này là vùng ướp trà cần hoa sói. Không phải mang hoa sói đi đâu hết vì tư thương mua tận vườn, không đòi hỏi chất lượng quá cao. Nói chung là trồng là không bao giờ ế. Có một điều làm chúng tôi phải quay lưng với loại cây này là do các cơ sở chế biến “xúm lại” ép giá, muốn bao nhiêu là theo ý họ”.
Ông Cao Văn Lưu - Chủ tịch Hội Nông dân phường Lộc Tiến - nơi có phố trà ướp hương nổi tiếng của TP.Bảo Lộc, cho hay: Trong thời gian 2004 - 2006, toàn phường có hơn 20ha hoa sói được trồng chuyên canh và xen canh trong vườn chè, cà phê. Nhưng hiện tại, diện tích này còn khoàng 1ha và diện tích chuyên canh hoa sói gần như không còn.
Anh Trần Đại Bình (Doanh nghiệp Trà Thiên Thành) khẳng định: “Hương liệu tổng hợp hiện được sử dụng khá phổ biến, nhưng để tạo được hương vị đặc trưng của trà thì hương liệu tự nhiên - chính là hoa sói thì không thể thiếu. Nếu ngành trà ướp hương còn được duy trì, thì sản phẩm trà ướp hương được người tiêu dùng ưa chuộng. Và khi ấy, tất yếu các cây hương liệu vẫn còn đất sống.
Ông Nguyễn Thành Tứ - Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP.Bảo Lộc cho biết: Lễ hội Văn hóa Trà lần thứ 3 vừa qua đã công bố quyền sở hữu chứng nhận nhãn hiệu Trà B’Lao. Điều này đồng nghĩa với việc thương hiệu Trà B’Lao đang tìm lại “tên tuổi” của mình. Và, sự sống còn của các loại cây nguyên liệu ướp trà sẽ góp phần không nhỏ vào việc khôi phục, phát triển thương hiệu Trà B’Lao.