Dân Việt

Việt Nam có bao nhiêu người thất nghiệp?

Đức Hoàng (Dòng đời) 23/09/2014 19:05 GMT+7
Con số mới về tỷ lệ người thất nghiệp được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đưa ra khiến dư luận phản ứng mạnh. Nhiều người cho rằng: Không thể có tỷ lệ thất nghiệp “chỉ” 1,84% được. Vậy thực tế tỷ lệ thất nghiệp ở nước ta bao nhiêu phần trăm?

1. Có một thực tế mà nhiều người không để ý là ngay cả khi không có con số mới của Bộ LĐTBXH thì tỷ lệ thất nghiệp ở nước ta cũng được thừa nhận là thuộc hàng thấp nhất thế giới.

img

Ảnh minh họa.

Không tin? Hãy xem “Cẩm nang các quốc gia trên thế giới” của CIA – Cơ quan tình báo Trung ương Mỹ (CIA World Factbook). Đây là một báo cáo được CIA thường xuyên cập nhật về tình hình của các quốc gia và công khai trên website của họ. Theo báo cáo này, thì tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam là 1,3% - và chúng ta đứng thứ 198/203 quốc gia được thống kê, tức là tỷ lệ thất nghiệp thấp thứ… 6 trên thế giới.

Con số 1,3% được CIA đưa ra thậm chí còn thấp hơn con số 1,84% được Bộ LĐTBXH ở nước ta thống kê. Nhưng chênh lệch ở đây là không đáng bàn đến, vì đằng nào chúng ta cũng thuộc hàng “top” thế giới rồi. 

Nhiều người đang chỉ trích Bộ LĐTBXH, trong đó có cả nhiều chuyên gia, về phương pháp thống kê dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp quá thấp này. Nhưng một con số đã được một cơ quan tình báo nổi tiếng thế giới thừa nhận thì tại sao chúng ta không thể thừa nhận?

Hãy thừa nhận: Việt Nam có rất ít người thất nghiệp. Đó có thể xem là một đặc trưng của xã hội nước ta. Trong nền kinh tế vẫn chủ yếu là nông nghiệp, thì người ta rất khó thất nghiệp bởi cho dù cả đại gia đình có trông vào vài mẫu ruộng và không đủ ăn thì họ vẫn có thể ghi vào bản khai là “làm nông”, những lao động phổ thông đứng vất vưởng ngoài chợ người tại các thành phố lớn để chờ được giao những công việc chân tay cũng có thể được coi là “có việc làm”, còn nói đến những nghề như chạy xe ôm hay bán vé số thì có khi còn được coi là xa xỉ.

Mà đúng là xa xỉ thật, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử từng khẳng định rằng bán vé số là một nghề có “thu nhập cao” (phát biểu hồi tháng 6.2014), và như thế thì tất nhiên không coi là thất nghiệp – mà thậm chí còn được Bộ trưởng Phử tính vào diện “xóa đói giảm nghèo”.

Vấn đề của xã hội là chất lượng việc làm, chứ không phải là bao nhiêu người có việc làm. Cho dù tỷ lệ thất nghiệp của chúng ta là 0% - nhưng vẫn tồn tại hàng triệu những người sống trong cảnh cùng quẫn với mức thu nhập không đủ sống - thì đó cũng là một tỷ lệ vô nghĩa.

2. Trong báo cáo của CIA, Việt Nam nằm trong “top ít thất nghiệp” cùng với những nước nào?

Trong top 20 nước ít thất nghiệp nhất, tất nhiên có những nước như Singapore, Qatar, Monaco, Liechtenstein, vốn có dân số thấp và nền kinh tế mạnh. Nhưng cũng có 2 nước khá quen thuộc là Lào và Campuchia, một nước ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương là Papua New Guinea.

Lào và Campuchia có thể được lý giải giống với nước ta, rằng ai cũng “làm nông” hoặc “lao động tự do” thì chẳng còn mấy ai thất nghiệp. Papua New Guinea là một trường hợp đặc biệt khác. Đất nước nằm trên Thái Bình Dương này có đến hơn 800 bộ tộc thổ dân khác nhau, và tất nhiên là cho dù các thổ dân không đi làm văn phòng trong “8 giờ vàng ngọc”, không có tài khoản ngân hàng, mã số thuế và sổ hưu, thì cũng không thể tính là họ “thất nghiệp” được – họ vẫn có công việc của mình, từ săn bắn hái lượm, trồng trọt cho đến bán đồ thủ công cho khách du lịch chẳng hạn. Tỷ lệ thất nghiệp được thống kê ở Papua New Guinea là 1,9%.

Nói chung, con số của Bộ LĐTBXH là tỷ lệ thất nghiệp tại nước ta là 1,84% không có gì đáng để phàn nàn. Thậm chí, nói như bà Nguyễn Thị Lan Hương - Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội: “Việt Nam không có ai thất nghiệp tuyệt đối”.

3. Câu hỏi quan trọng liên quan đến việc làm của người lao động tại Việt Nam không phải là “có hay không”, mà là “như thế nào”.

Hơn 98% người trong độ tuổi lao động có việc làm – nhưng bao nhiêu phần trăm trong số đó đủ sống với nghề nghiệp của họ.

Hẳn bạn đã nghe về những cái chợ gần khu công nghiệp, nơi mà ngày thường, người ta chỉ bán trứng, gần như không có thịt – bởi vì công nhân khu công nghiệp thậm chí không có tiền mà ăn thịt, trứng là nguồn đạm duy nhất họ có thể mua được. Thịt chỉ được bán ở những cái chợ ấy vào ngày lĩnh lương, ngày mà công nhân mạnh dạn “ăn tươi”.

Những cặp vợ chồng công nhân ấy sinh con, rồi gửi chúng trong những cái nhà trẻ “tự phát” (thật ra là chui) với giá rẻ và đành tặc lưỡi “khuất mắt trông coi” về sự an toàn và sức khỏe của con mình.  Đôi khi, những thảm kịch xảy ra – và khi chứng kiến số phận của những người “không thất nghiệp” như thế ta tự hỏi rằng việc họ có việc làm thật ra là hạnh phúc hay bất hạnh?

Hẳn bạn đã nghe kể về những số phận nông dân – một nhóm người “có việc làm” khác – trong cảnh cùng khổ ra sao. Năm ngoái, một người mẹ tự tử với mong muốn là… gia đình được công nhận là “hộ nghèo”, để con được đi học.

Hẳn bạn cũng đã nghe đến chuyện một cô giáo ôm con nhảy xuống sông vì quá nghèo, đồng lương không đủ sống.

Vấn đề của xã hội là chất lượng việc làm, chứ không phải là bao nhiêu người có việc làm. Cho dù tỷ lệ thất nghiệp của chúng ta là 0% - nhưng vẫn tồn tại hàng triệu những người sống trong cảnh cùng quẫn với mức thu nhập không đủ sống - thì đó cũng là một tỷ lệ vô nghĩa.

Con số của Bộ LĐTBXH không hẳn là sai, có thể phương pháp thống kê thực sự chỉ ra rằng nước ta chỉ có chưa đầy 2% người trong độ tuổi lao động thất nghiệp. Con số ấy không sai, nhưng… không thực sự cần thiết. Cái cần thiết là một thống kê xem có bao nhiêu người đang sống được bằng cái gọi là “việc làm” của họ.