Mạnh dạn chuyển đổi
Nông dân Nguyễn Văn Bông (ngụ phường Thạnh Xuân, quận 12) trước đây trồng mai ghép và rau dền cơm, do năng suất thấp nên theo đó cuộc sống gia đình ông cũng gặp nhiều khó khăn. Đến năm 2009 ông được giới thiệu và tham gia lớp dạy nghề nuôi cá dĩa, sau đó ông quyết định chuyển sang nuôi cá. Ban đầu ông bỏ ra 6 triệu đồng mua 50 con cá dĩa giống về nuôi trong 4 hồ kiếng, do chưa có kinh nghiệm nên thất bại. Không nản, ông quyết tâm học tập các kỹ thuật nuôi cá, đồng thời bỏ ra hàng chục triệu đồng mua bồn chứa nước sạch và máy xử lý nguồn nước. Môi trường nuôi được cải thiện nên cá không bị chết nữa.
Có nền tảng vững chắc, ông Bông đầu tư phát triển lên 40 hồ nuôi với khoảng 4.000 con cá dĩa giống. Được một thời gian ông lại mở rộng lên thành 80 hồ với khoảng 8.000 con cá giống. Đến nay ông thu lợi nhuận từ cá dĩa 25 – 30 triệu đồng/tháng.
Cũng tại phường Thạnh Xuân, ông Trần Văn Oanh được xem là người thành công trong nghề trồng lan. Trước đây ông Oanh chăn nuôi kết hợp trồng mai trên diện tích 2.000m2 đất, tuy nhiên do dịch bệnh, thời tiết không thuận lợi nên thường xuyên mất mùa. Sau đó ông quyết định chuyển hẳn sang trồng lan các loại. Sang mùa trồng thứ 2, vườn lan phát triển tốt giúp ông có thu nhập ổn định từ các loại lan cung cấp ra thị trường như lan cắt cành, lan chậu thành phẩm, lan giống. Tổng thu nhập bình quân của gia đình ông từ 200 – 250 triệu đồng/năm, trừ chi phí còn lợi nhuận từ 100 – 150 triệu đồng.
Tương tự ông Bông và ông Oanh, trên địa bàn thành phố có nhiều nông dân nhờ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi nên đã vươn lên, thoát nghèo. Thậm chí nhiều trường hợp còn trở thành nông dân sản xuất giỏi, nông dân tiêu biểu của thành phố với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Điển hình như ông Trương Văn Phượng (xã Hưng Long, huyện Bình Chánh) với nghề trồng hoa sứ; hộ ông Phan Tiến Đạt (xã Tân Nhựt, Bình Chánh) với mô hình trồng mai ghép và trồng xoài; hộ chị Nguyễn Thị Gấm (phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân) với mô hình trồng lan…
Sản xuất gắn với thị trường
Tiến sĩ Dương Công Kiên - chuyên gia về nông nghiệp, kiêm giảng viên Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM cho rằng, hiện nay diện tích sản xuất đất nông nghiệp ngày càng giảm nên nông dân cần phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nông nghiệp đô thị, để tăng giá trị sản xuất trên diện tích nhỏ. Theo ông, hiện nay tại thành phố còn nhiều nông dân sản xuất nhỏ lẻ, với rất nhiều hạn chế. Để phát triển được, nông dân không nên sản xuất theo phong trào, đồng thời cần phải có sự liên kết với nhau trong sản xuất theo hướng nông nghiệp đô thị. Với hình thức này những người chuyển đổi cây trồng, vật nuôi thành công thì có thể hỗ trợ cho các nông dân khác cùng phát triển sản xuất.
Còn kỹ sư nông dân Tống Hữu Châu (một nông dân sản xuất kinh doanh giỏi) cho rằng nhiều nông dân thường sản xuất theo thói quen và chưa có sự nắm bắt thực tế trong sản xuất. Ông Châu chia sẻ: Khi định nuôi con gì, trồng cây gì thì việc đầu tiên cần phải xem xét là yếu tố môi trường vì điều này sẽ quyết định trên 50% thành công - thất bại trong sản xuất. Ngoài ra nông dân cũng không nên sản xuất ồ ạt mà phải tìm hiểu kỹ thị trường trước khi nuôi, trồng.