Công viên nước Munsu ở Bình Nhưỡng có giá vé vào cửa khoảng 150 USD. Ảnh: FT.
Gần đó, Ryang Gwang Jin mặc quần bơi ngồi uống bia cùng một người bạn. Cả hai hướng mắt về phía bể bơi khai trương năm ngoái. Bể bơi này được xem như một trong những thành tựu gần đây đáng tự hào nhất của Triều Tiên.
Ryang là tài xế xe tải liên tỉnh. Để vào được công viên nước này, anh phải bỏ ra khoản tiền 20.000 won, tức là 150 USD, mua vé. Tuy nhiên, chiếc vé có giá cắt cổ ấy dường như không khiến anh bận tâm, giống như rất nhiều gia đình đang vui đùa huyên náo dưới bể bơi kia.
Lối sống và tiện nghi từ các nước tư bản, dù với mức giá cao ngất trời, đang dần len lỏi vào các mặt đời sống ở Triều Tiên khi nước này đi những bước chập chững làm quen với kinh tế tư nhân và thị trường.
Giá cả chợ đen ở đây vượt xa mức lương tháng điển hình vài nghìn won của cán bộ công nhân. Và giờ thì lệ phí ở các điểm công cộng cũng lên chóng mặt. Phí vào cửa của Munsu có thể là cả một gia tài xét theo tỷ giá chính thức ở mức 132 won ăn một đôla Mỹ. Tuy nhiên con số ấy lại chẳng có nghĩa lý gì trong thị trường đen của quốc gia này, nơi tỷ giá là 8.000 won đổi một USD.
Những dự án mới, các khu chung cư được xây dựng khắp thành phố Bình Nhưỡng được cho là một phần nhờ vào hoạt động thương mại phát đạt với Trung Quốc. Năm ngoái, thương mại hai chiều của hai nước đạt 6,5 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ. Mới đây, Bệnh viện Nhi Okryu được xây dựng và trang bị hiện đại. Cửa hàng bán đồ chơi của bệnh viện cũng đầy ắp hàng, chủ yếu là những chiếc xe tăng hoặc súng trường bằng nhựa, phù hợp với các đường lối tuyên truyền về quân sự của nước này.
Ở lối vào trường đua ngựa Mirim, khai trương tháng 10 năm ngoái, có một tấm bia lưu lại hai lần tới đây thị sát của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Không rõ những công nhân đang cày ruộng trên cánh đồng gần trường đua có thể vào đây chơi hay không, nhưng sự ngăn cản thông tin ở đất nước này giờ không còn quá ngặt nghèo như trước. Chính phủ đã thôi tuyên truyền rằng người dân Hàn Quốc rên xiết khổ cực dưới ách ngoại bang của Mỹ. Các cơ quan truyền thông của Bình Nhưỡng nay thường xuyên nói rằng các chính sách tư bản mà Seoul thực thi đang khoét sâu hố ngăn cách giữa người giàu và người nghèo.
Ở Triều Tiên, ôtô của Pyeonghwa được ưa chuộng nhất, tuy nhiên, những chiếc BMW sang trọng như này đang xuất hiện ngày càng nhiều trên đường phố Bình Nhưỡng. Ảnh: FT.
Dù vậy, điện thoại di động vẫn xuất hiện nhan nhản ở thủ đô, loại rẻ tiền nhất có gía 200 USD. Những chiếc điện thoại của Trung Quốc vốn phổ biến cách đây vài năm nay được thay thế bằng các nhãn hiệu bản địa.
Tới xem trận đấu vật cuối tuần, nhiều khán giả, trên ngực áo có cài huy hiệu in hình Kim Nhật Thành và Kim Jong-il, dùng điện thoại có màn hình cảm ứng Arirang chạy bằng hệ điều hành Android ghi hình. Những chiếc điện thoại như này bắt đầu được bán ở Triều Tiên năm ngoái. Không giống bất cứ chiếc smartphone ở bất cứ nơi nào, điện thoại màn hình cảm ứng Arirang không vào được mạng.
Một nhãn hiệu nội địa được yêu thích khác là Pyeonghwa Motors, hãng ôtô duy nhất xuất hiện trên biển quảng cáo thương mại khổ lớn ở Bình Nhưỡng. Hãng này liên doanh cùng Giáo hội Thống nhất của Hàn Quốc, sản xuất xe hơi theo giấy phép của công ty Trung Quốc. Ngoài xe của Pyeonghwa và của Nhật, hiện ở Triều Tiên người ta không còn quá lạ lẫm khi trông thấy những chiếc BMW đắt tiền gắn biển số Bình Nhưỡng đỗ bên ngoài một quán ăn trong trung tâm thành phố.
Bất chấp những thay đổi ngày càng nhiều, có một điều mà Triều Tiên luôn cố gắng giữ nguyên, đó là sự thành kính của người dân nước này đối với các nhà lãnh đạo họ Kim. Những bức hình cha và ông nội quá cố của nhà lãnh đạo Triều Tiên hiện tại, Kim Jong-un, 31 tuổi, được treo khắp nơi, trong những căn phòng trang trọng, toa hành khách của tàu điện ngầm, bên ngoài các tòa nhà hay được làm thành huy hiệu cài ngực áo của người dân.
Khác với ông, cha, những bức ảnh của ông Kim không được trưng bày theo cách ấy. Ảnh của ông xuất hiện cùng với những tin tức về hoạt động hàng ngày đăng trên trang nhất tờ báo của đảng cầm quyền, Rodong Sinmun.
Ông Kim Jong-un, thế hệ thứ ba của gia tộc họ Kim, đang cố gắng xây dựng hình tượng một nhà lãnh đạo trẻ trung, đầy năng lượng, trái ngược với hình ảnh nghiêm khắc của người cha quá cố. Thể thao trở thành một đề tài quan trọng. Ông thường mời các vận động viên nước ngoài tới Triều Tiên thi đấu và tổ chức các giải đấu. Ngoài ra, ông cũng mở một khu nghỉ dưỡng trượt tuyết đắt đỏ ở phía bắc Triều Tiên với mong muốn thu hút ngoại tệ.
Một trọng tâm khác trong các chiến dịch tuyên truyền ở Triều Tiên là công nghệ, "chất xúc tác để xây dựng một quốc gia thịnh vượng", theo lời ông Kim nói. Trong một buổi hòa nhạc tuần trước, màn hình lớn trên sân khấu chiếu đoạn băng về tên lửa tầm xa Unha 3 rời bệ phóng năm 2012, đưa vệ tinh đầu tiên của Triều Tiên vào quỹ đạo làm nền cho những màn biểu diễn nghệ thuật. Với nước ngoài, việc phóng tên lửa này được xem như một động thái phá vỡ cấm vận đối với chương trình vũ khí và tên lửa của Triều Tiên, nhưng ở trong nước, nó là biểu tượng của năng lực khoa học và tham vọng quốc gia.
So sánh tham vọng của chính phủ với những tồn tại về kinh tế của nước này là khập khiễng. Điều đó thể hiện ở cậu bé Son Myong Jun, 15 tuổi, đến từ tỉnh North Hamgyong, một em trong đoàn học sinh tới thăm nơi sinh nhà lãnh đạo đầu tiên của Triều Tiên. North Hamgyong là tỉnh có nhiều người nghèo nhất nước. Chương trình Lương thực thế giới ước tính có khoảng 1/3 trẻ em ở đây kém phát triển và Myong Jun là một trong số đó. Vóc dáng và chiều cao của cậu nhỏ hơn nhiều so với tuổi. Myong và một số bạn cùng lớp đều có nhiều nốt trắng trên mặt, dấu hiệu của thiếu vitamin.
Nhưng những lời lẽ của Myong chứa đầy tham vọng, rất đúng với chủ trương. Khi được hỏi lớn lên sẽ làm gì, cậu bé phát biểu với giọng tự tin. "Lớn lên, cháu muốn trở thành một nhà khoa học để làm rạng danh đất nước bằng công nghệ", Myong nói và cho biết thêm là cậu tự hào khi được đến thăm nơi đã sinh ra lãnh tụ Triều Tiên Kim Nhật Thành. Ngực áo của cậu bé được tô điểm bằng một huy hiệu hình ông Kim trên nền đỏ.