Lúa, hoa màu thiệt hại
Ông Đặng Huy Hậu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, kiêm Phó Trưởng ban PCLB Quảng Ninh cho biết: “Quảng Ninh may mắn không thiệt hại gì về nuôi trồng thủy hải sản nhưng tổng hợp toàn bộ thiệt hại cho các địa phương của tỉnh do cơn bão số 3 gây ra nên đến khoảng 20 tỷ đồng”.
Địa phương chịu ảnh hưởng nặng nhất của bão số 3 là TP.Móng Cái với 2 nhà bị tốc mái ở địa bàn xã Hải Xuân và phường Hòa Lạc; nhiều cây cối bị gẫy đổ: 10 cột điện bị đổ; gần 1.000ha lúa mùa chính vụ đang vào hạt và trà lúa muộn đang làm đòng, trổ bông bị gãy gập sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, sản lượng lúa của 14 xã, phường. Mưa to và gió giật mạnh ở thị xã Quảng Yên cũng đã làm 900ha lúa, hoa màu (chủ yếu là ngô, mía) bị giập, gãy, đổ. Huyện Đông Triều cũng có 1.000ha cây nông nghiệp bị ngập úng, đổ rạp.
Còn theo ghi nhận thực tế của phóng viên NTNN, tại các cánh đồng lúa tại 2 tỉnh Thái Bình và Nam Định, sau bão số 3, người dân bắt đầu đổ ra đồng vớt, dựng lúa đổ và tiến hành khơi, thông mương, rãnh để cứu lúa, hoa màu. Đang vớt, dựng lúa đổ tại ruộng, thấy chúng tôi đến hỏi chuyện, bà Trần Thị Loan ở xã Vũ Ninh, huyện Kiến Xương (Thái Bình) bảo: “Thấy bão số 3 không vào, gia đình tôi ai cũng mừng, nhưng ra ruộng nhìn lúa đổ ngổn ngang ngâm nước mà đau lòng quá”. Bà Loan cho biết, với hơn 4 sào tham gia cấy trong vụ mùa này, thì có đến hơn 50% diện tích bị đổ gập ngâm nước, dù có vớt, dựng lên được năng suất cũng sẽ bị mất trên 50%.
Theo ông Nguyễn Quang Phúc – Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đê điều và PCLB tỉnh Thái Bình, báo cáo thống kê sơ bộ từ các địa phương cho biết, tính đến hết ngày 17.9, toàn tỉnh có khoảng 10.860/80.130ha lúa mùa trên địa bàn bị đổ; có 390ha hoa màu hè thu các loại như rau, đậu đỗ và 1.292ha cây vụ đông mới trồng như ngô, ớt, bí... bị ảnh hưởng đến năng suất”.
Còn tại tỉnh Nam Định, theo ông Đặng Ngọc Thắng – Chánh văn phòng Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh Nam Định cho biết: “Để khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương nhanh chóng thống kê chính xác diện tích lúa, hoa màu... bị thiệt hại để có chính sách hỗ trợ, giúp người dân ổn định lại sản xuất. Với những diện tích lúa bị gãy, đổ các địa phương cần hướng dẫn người dân vớt, dựng và chăm sóc để đảm bảo không ảnh hưởng nhiều đến năng suất”.
Nguy cơ lũ, sạt lở đất
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, nên theo thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn T.Ư, trên hệ thống sông Hồng – Thái Bình từ ngày 17 đến ngày 19.9, sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 3-6m, ở hạ lưu từ 2-3m. Trong đợt lũ này, lưu lượng lớn nhất đến hồ Sơn La có khả năng lên mức 5.000m3/s, đến hồ Hòa Bình có khả năng lên mức 4.000m3/s; mực nước trên sông Thao tại Yên Bái có khả năng lên mức dưới báo động 1 (30m), sông Lô tại Tuyên Quang lên mức báo động 1 (22m); sông Lục Nam tại Lục Nam ở mức dưới báo động 2 (5,3m); sông Cầu tại Đáp Cầu, sông Thương tại Phủ Lạng Thương ở mức báo động 1 (4,3m).
Mặc dù bão số 3 đã suy yếu, song Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn T.Ư cũng cảnh báo, lũ quét và sạt lở đất có nguy cơ cao xảy ra ở các tỉnh vùng núi phía Bắc và Tây Bắc. Đặc biệt, trên các nhánh suối thượng nguồn sông Kỳ Cùng thuộc huyện Đình Lập, huyện Lộc Bình, Cao Lộc, Chi Lăng, Hữu Lũng (tỉnh Lạng Sơn) có khả năng xảy ra lũ lớn.
Theo thông tin từ Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh Lạng Sơn, tính đến trưa qua 17.9 trên địa bàn tỉnh này đã xảy một số vụ sạt lở đất nghiêm trọng làm 8 người chết, 5 người bị thương; trong số này có 6 người (công nhân bốc vác thuộc Công ty TNHH Xuân Cương) chết do nguyên nhân sạt lở đất tại khu Kéo Kham thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc. Ngay khi sự việc xảy ra, UBND huyện Cao Lộc đã hỗ trợ mỗi người bị thiệt mạng do sạt lở đất 2 triệu đồng; UBND tỉnh Lạng Sơn hỗ trợ 5,4 triệu đồng/người thiệt mạng.